Giá dầu Brent biển Bắc đã mất gần 12% giá trị trong tuần này, mức giảm nhiều nhất tính theo tuần kể từ tháng 12/2022.
Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 13% kể từ mức chốt phiên ngày 10/3, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 4/2022.
Trong phiên cuối tuần 17/3, giá dầu thế giới đi xuống, đảo chiều mức tăng hơn 1 USD/thùng trước đó trong bối cảnh những lo ngại về ngành ngân hàng đã khiến giá hai loại dầu chủ chốt ghi nhận tuần sụt giảm lớn nhất trong nhiều tháng. Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 1,73 USD (2,3%) xuống 72,97 USD/thùng.
Giá dầu WTI giảm 1,61 USD (2,4%) xuống 66,74 USD/thùng. Giá hai dầu chủ chốt này đã có lúc giảm hơn 3 USD/thùng trong phiên.
John Kilduff, đối tác tại công ty quản lý vốn Again Capital LLC ở New York, nhận định các sự kiện đang diễn ra không quá nghiêm trọng như những gì thị trường đánh giá, song có lo ngại rằng dầu không phải là nơi trú ẩn an toàn như tiền mặt hay vàng. Giá dầu đang “theo chân” các thị trường chứng khoán bởi lo ngại về suy thoái kinh tế có thể xảy ra và cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đang diễn ra hiện nay.
Trước đó, trong phiên 16/3, giá dầu thế giới đã tăng 1%, sau khi Saudi Arabia và Nga thảo luận nhằm tăng cường sự ổn định của thị trường. Giá dầu Brent giao kỳ hạn tăng 1,37 USD (1%) lên 74,70 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 74 xu Mỹ (1,1%) lên 68,35 USD/thùng.
Truyền thông Saudi Arabia cho biết Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz Bin Salman và Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã có cuộc gặp ở thủ đô Saudi để thảo luận về những nỗ lực của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, nhằm duy trì sự cân bằng thị trường. Cả hai quốc gia này vẫn cam kết giữ quyết định của OPEC+ vào tháng 10/2022 là cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023.
Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi sự phục hồi rộng hơn trên các thị trường tài chính sau khi ngân hàng Credit Suisse được các cơ quan quản lý Thụy Sỹ hỗ trợ, và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đảm bảo với các nhà lập pháp rằng hệ thống ngân hàng của Mỹ vẫn ổn định.
[Nga, Saudi Arabia tái khẳng định cam kết cắt giảm sản lượng dầu mỏ]
Thị trường dầu đã trải qua một tuần giao dịch khá chật vật vì cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng, với sự sụp đổ của các ngân hàng Mỹ Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank và giá cổ phiếu của Credit Suisse sập sàn sau khi cổ đông lớn nhất của Credit Suisse là Saudi National Bank thông báo sẽ không thể hỗ trợ tài chính thêm cho ngân hàng này.
Đáng chú ý, phiên 14/3, giá dầu thế giới giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất trong ba tháng sau khi báo cáo lạm phát của Mỹ và mối lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính mới có thể làm giảm nhu cầu dầu trong tương lai.
Chốt phiên này, giá dầu Brent giao dịch kỳ hạn giảm 3,32 USD (4,1%) xuống 77,45 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 3,47 USD (4,6%) xuống 71,33 USD/thùng. Đây là mức đóng cửa thấp nhất cho cả hai mặt hàng kể từ ngày 9/12 và mức giảm trong một ngày lớn nhất kể từ đầu tháng 1/2023.
Vụ phá sản của ngân hàng SVB đã gây ra những biến động lớn đối với cổ phiếu ngân hàng khi các nhà đầu tư lo ngại về tình hình tài chính của một số ngân hàng, bất chấp sự đảm bảo từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà hoạch định chính sách toàn cầu khác.
Trong khi đó, giá tiêu dùng tại Mỹ tiếp tục tăng trong tháng Hai khi người Mỹ liên tục phải đối mặt với chi phí thuê nhà và thực phẩm cao hơn. Điều này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), khi cuộc chiến chống lạm phát đã trở nên phức tạp do sự sụp đổ của hai ngân hàng khu vực.
Chuyên gia Edward Moya thuộc công ty dịch vụ tài chính OANDA (Mỹ) cho biết giá dầu thô giảm sau khi báo cáo lạm phát đánh đi tín hiệu về một đợt tăng lãi suất nữa của Fed.
Số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,4% trong tháng Hai sau khi tăng 0,5% trong tháng Một. Sự giảm tốc này đã khiến các nhà đầu tư dự báo Fed sẽ tăng lãi suất ít hơn trong tháng Ba. Các nhà giao dịch phần lớn dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng này.
Giá dầu cũng chịu tác động tiêu cực sau số liệu cho thấy các công ty năng lượng đã bổ sung khoảng 1,2 triệu thùng dầu vào kho dự trữ dầu thô trong tuần kết thúc vào ngày 10/3.
Tuy nhiên, vẫn có một nhân tố tích cực khác đối với thị trường là báo cáo hàng tháng của OPEC dự báo nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ cao hơn trong năm 2023. Dù vậy, OPEC vẫn giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ tăng 2,32 triệu thùng/ngày, tương đương 2,3% trong năm nay.
Sang phiên 15/3, giá dầu tiếp tục nới rộng đà giảm, trong đó giá dầu WTI giao tháng 4/2023 của Mỹ giảm 3,72 USD, hay 5,22%, xuống chốt phiên ở mức 67,61 USD/thùng tại New York, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu Brent giao tháng 5/2023 giảm 3,76 USD, hay 4,85%, xuống 73,69 USD/thùng tại London.
Nhà phân tích Phil Flynn tại công ty dịch vụ tài chính The PRICE Futures Group (Mỹ) cho rằng cuộc khủng hoảng đang khiến các ngân hàng lớn giảm nợ, hạn chế đầu tư vào dầu mỏ và khiến giá dầu giảm mạnh hơn các tài sản rủi ro khác.
Cùng ngày 15/3, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho thấy tổng dự trữ xăng của nước này giảm 2,1 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 10/3, trong khi nhiêu liệu chưng cất giảm 2,5 triệu thùng.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo Bank (Đan Mạch), cho biết áp lực bắt nguồn từ "tình trạng thị trường tiếp tục mong manh."
Các nhà phân tích vẫn kỳ vọng nguồn cung toàn cầu hạn chế sẽ hỗ trợ giá dầu trong tương lai gần.
Các thành viên OPEC+ cho rằng giá dầu sụt giảm trong tuần này là do các động lực tài chính hơn là do bất kỳ sự mất cân bằng cung cầu nào, đồng thời kỳ vọng thị trường sẽ ổn định.
Ngoài ra, việc giá dầu WTI giảm xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 12/2021 trong tuần này có thể thúc đẩy Chính phủ Mỹ bắt đầu lấp đầy Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, qua đó thúc đẩy nhu cầu.
Và các nhà phân tích kỳ vọng sự phục hồi nhu cầu của Trung Quốc sẽ hỗ trợ giá, với xuất khẩu dầu thô của Mỹ sang Trung Quốc trong tháng 3/2023 hướng tới mức cao nhất trong gần hai năm rưỡi./.