Gia dau chau A giam trong luc cho doi quyet dinh cua ECB va Fed hinh anh 1Bơm xăng cho phương tiện tại một trạm xăng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên ngày 24/7 trong bối cảnh các nhà giao dịch chờ đợi thêm manh mối về các quyết định lãi suất từ các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu, cùng với nguồn cung dầu thắt chặt và hy vọng về các biện pháp kích thích của Trung Quốc đang củng cố giá dầu Brent ở mức 80 USD/thùng.

Khoảng 13 giờ 44 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 31 xu (0,4%) xuống 80,76 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 33 xu  (0,4%) xuống 76,74 USD/thùng.

Hai hợp đồng dầu chủ chốt này đã tăng lần lượt là 1,5% và 2,2% trong tuần trước và là tuần tăng thứ tư liên tiếp, trong bối cảnh nguồn cung dự kiến thắt chặt sau thỏa thuận cắt giảm của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine cũng leo thang trong tuần trước sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận hành lang biển an toàn do Liên hợp quốc làm trung gian để xuất khẩu ngũ cốc.

Các nhà phân tích từ Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết mặc dù một đợt tăng lãi suất khác của Fed trong tuần này có thể gây ra một số biến động giá ngắn hạn, nhưng các điều kiện thị trường dự báo thắt chặt do việc cắt giảm nguồn cung của OPEC và những đồn đoán ngày càng tăng của thị trường về các biện pháp kích thích hơn nữa ở Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy giá cao hơn trong quý 3 này.

[Nguồn cung không đủ, giá dầu thế giới sẽ tăng trong nửa cuối năm]

 

Các nhà đầu tư đã đặt cược Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm trong tuần này, do đó trọng tâm sẽ là Chủ tịch Fed Jerome Powell và Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định như thế nào về các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Lãi suất tăng đã làm giảm đầu tư và củng cố đồng bạc xanh, khiến hàng hóa định giá bằng đồng USD trở nên đắt đỏ hơn cho những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Mukesh Sahdev, người đứng đầu bộ phận hạ nguồn và giao dịch dầu mỏ tại Rystad Energy, cho biết một thông tin khác cần được quan tâm xem xét đó là quan điểm của Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi nói rằng việc cắt giảm hiện tại của OPEC+ là đủ để cân bằng thị trường.

Các bên tham gia thị trường kỳ vọng Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp kích thích có mục tiêu để hỗ trợ nền kinh tế đang suy yếu. Động thái này có khả năng sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ ở một trong những nước tiêu thụ hàng đầu thế giới này.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày 24/7 vừa qua đã công bố các biện pháp thúc đẩy, khuyến khích và thúc đẩy đầu tư tư nhân vào một số lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đồng thời cho hay họ cũng sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho các dự án tư nhân.

Tuần trước, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes ngày 21/7 cho biết các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu nhiều nhất kể từ đầu tháng Sáu vừa qua, với các giàn đang hoạt động giảm 7 giàn, xuống còn 530 giàn./.

Minh Hằng (TTXVN/Vietnam+)