Ghép tạng ở Việt Nam: Thành tựu vượt bậc và giải pháp tăng cường nguồn tạng hiến

12:29 - 14/11/2024

Việt Nam đã có 26 trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, không chỉ ở tuyến Trung ương thực hiện tốt kỹ thuật này mà nhiều tuyến địa phương cũng làm chủ được kỹ thuật, chuyên môn.

Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành ghép tim cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)
Các bác sỹ Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành ghép tim cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Hơn ba thập kỷ nỗ lực không ngừng, ngành y học Việt Nam đã đạt được những kỳ tích trong lĩnh vực ghép tạng, trở thành quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng ca ghép mỗi năm.

Tuy nhiên, đi đôi với những thành công là thách thức: lớn nguồn tạng hiến còn rất hạn chế. Đây là vấn đề cần sự chung tay của cả cộng đồng để mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân.

Việt Nam đứng đầu các nước Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm

Tiến sỹ Phạm Gia Khánh Chủ tịch Hội Ghép tạng Việt Nam cho biết ghép tạng là điều kỳ diệu nhất của y học và là một trong những phát minh khoa học vĩ đại nhất của nhân loại trong thế kỷ 20. Ghép tạng chỉ được thực hiện ở một nước có nền y học tiên tiến.

Tại Việt Nam, ca ghép thận đầu tiên, cũng là ca ghép tạng đầu tiên được thực hiện vào năm 1992 với sự hỗ trợ của chuyên gia nước ngoài. Trong ca ghép đầu tiên này, các giáo sư đầu ngành của các bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện 103 và Học viên Quân y đều tham gia.

Đến tháng 7/1993, các giáo sư, bác sỹ trong Học viện Quân y đã thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên do các bác sỹ Việt Nam thực hiện mà không cần sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.

Từ đó đến nay, từ một quốc gia “đi sau” so với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng, Việt Nam lại có tốc độ phát triển vượt bậc, liên tục xác lập những thành tựu mới.

Năm 2017, Việt Nam thực hiện thành công ca ghép phổi đầu tiên và ghép tim cho bệnh nhi. Năm 2018, tiến hành thành công ghép phổi và ghép thận từ người cho chết não. Năm 2019 thực hiện đồng thời một loạt ca mổ lấy-ghép đa tạng từ người hiến chết não.

Năm 2020 phẫu thuật thành công ca ghép chi thể đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á và cấy ghép ruột từ người cho sống, giúp Việt Nam trở thành 1 trong số 22 nước trên thế giới thực hiện được kỹ thuật ghép ruột. Năm 2023, thực hiện ca ghép đa tạng tim và thận, phối hợp giữa các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh với Hà Nội thực hiện thành công ghép đa tạng xuyên Việt…

Tính tới đầu năm 2024, đã có gần 8.000 ca ghép tạng được thực hiện, trong đó có hơn 7.000 ca ghép thận, 500 trường hợp ghép gan… đồng nghĩa với từng đó con người được nối dài, kéo dài sự sống.

ttxvn-ghep than.jpg
Êkíp bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiến hành ghép thận cho bệnh nhân. (Ảnh; Minh Quyết/TTXVN)

Trong hai năm gần đây, mỗi năm các bác sỹ tại Việt Nam ghép hơn 1.000 ca ghép tạng trở thành nước đứng đầu Đông Nam Á về số ca ghép tạng mỗi năm. Thành tựu này thể hiện rõ những tiến bộ vượt bậc về trình độ, kỹ thuật chuyên môn sâu và kinh nghiệm của ngành y tế Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.

Hiện nay, Việt Nam đã có 26 trung tâm ghép tạng trải dài khắp đất nước, không chỉ ở tuyến Trung ương thực hiện tốt kỹ thuật này mà nhiều tuyến địa phương cũng làm chủ được kỹ thuật, chuyên môn.

Những trung tâm ghép tạng hàng đầu như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế... đã ứng dụng nhiều tiến bộ mới, luôn cập nhật công nghệ kỹ thuật chuyên sâu, mang lại hiệu quả cao và lập nhiều kỳ tích.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 triển khai 5 ca ghép gan trong một tuần; Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện các ca lấy đa tạng từ người hiến chết não ghép cho bệnh nhân suy tim, thận giai đoạn cuối, phối hợp nhịp nhàng giữa các trung tâm trên cả nước trong lấy tạng-ghép tạng từ người hiến và người nhận ở hai đầu đất nước, triển khai kỹ thuật chia gan để ghép, Bệnh viện Chợ Rẫy lấy thận ghép hầu hết bằng phẫu thuật nội soi và đã lấy thận bằng robot, ghép thận ở nhóm bệnh nhân có bất đồng nhóm máu...

Ghép gan, đặc biệt đối với bệnh nhân nhi, là một trong những kỹ thuật khó bậc nhất của ghép tạng, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn lẫn kỹ thuật và sự phối hợp nhuần nhuyễn đa chuyên ngành. Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã làm chủ hoàn toàn kỹ thuật ghép gan, trở thành đơn vị có số ca ghép gan nhi nhiều nhất trên cả nước, trong đó có những ca ghép gan đòi hỏi kỹ thuật khó, bệnh lý phức tạp như: bất đồng nhóm máu, ung thư gan, bệnh lý di truyền...

Không chỉ làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng, như thận, tim, gan, tụy, phổi, giác mạc… với tỷ lệ tỷ lệ sống sau ghép tạng cao (cao hơn so với một số quốc gia phát triển), chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới, chỉ bằng khoảng 1/8 ở Thái Lan và bằng 1/24 ở Mỹ. Chính yếu tố này đã khiến nhiều bệnh nhân nước ngoài tìm đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội sống.

Tại Hội nghị ghép tạng châu Á tổ chức tại Hàn Quốc cuối năm 2023, Ban tổ chức đã dành riêng một hội thảo chuyên đề về ngành ghép tạng Việt Nam, qua đó đã chứng tỏ vị thế và uy tín của nước ta trong kỹ thuật chuyên sâu và phức tạp này.

Ghép tạng cứu người - cần sự chung tay của cả cộng đồng

Mặc dù ghi nhận nhiều thành công, ngành ghép tạng ở Việt Nam vẫn đối mặt với một vấn đề lớn: thiếu nguồn tạng hiến. Theo thống kê, 96% số ca ghép tạng hiện nay là từ người cho sống, trong khi nguồn hiến từ người chết não chỉ chiếm 4%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 40-90% ở các nước phát triển.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là nhận thức xã hội về hiến tạng còn hạn chế. Nhiều người dân chưa hiểu rõ giá trị nhân văn của việc hiến tạng, đồng thời bị chi phối bởi tâm lý e ngại, quan niệm truyền thống và thiếu thông tin đầy đủ.

ttxvn-ghep tang.jpg
Ekip bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế (phải) chỉ đạo thực hiện ca ghép tạng “xuyên Việt” từ người cho chết não tại Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển ở Uông Bí, Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN phát)

Theo số liệu năm 2023, tỷ lệ hiến tạng trên một triệu dân ở Việt Nam chỉ đạt 0,15%, (nghĩa là 10 triệu người mới có 1,5 người chết hiến tạng). Con số này thấp hơn 300 lần so với Tây Ban Nha và thấp hơn 40 lần so với Thái Lan.

Trong khi đó, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 300 người chết não và phần lớn mô, tạng từ nguồn này bị lãng phí. Ngược lại, danh sách chờ ghép tạng luôn ở mức hàng chục nghìn người, và mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân tử vong vì không có tạng phù hợp để ghép. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách phải tăng cường nguồn tạng hiến, đặc biệt từ người chết não.

Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề, Việt Nam đã có Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể và hiến, lấy xác; đồng thời ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động hiến tặng, điều phối, cấy ghép mô, tạng.

Luật Bảo hiểm y tế quy định về thanh toán bảo hiểm cho các chi phí khám và ghép tạng cũng như điều trị sau ghép. Các thông tư quy định quản lý và sử dụng kinh phí cho người đã hiến bộ phận cơ thể người…

Chính phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích hiến tạng. Đặc biệt, chiến dịch “Đăng ký hiến tặng mô tạng cứu người - Cho đi là còn mãi” do Thủ tướng phát động đã tạo ra hiệu ứng tích cực. Đến năm 2024, đã có gần 100.000 người đăng ký hiến tạng, một con số đáng khích lệ.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mong muốn của người hiến, cần có sự đồng thuận của gia đình. Theo quy định hiện hành, ngay cả khi người hiến đã đăng ký trước, các bác sỹ vẫn cần sự chấp thuận từ gia đình.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, không ít trường hợp, chỉ một thành viên trong gia đình phản đối, quá trình hiến tạng buộc phải dừng lại. Đây cũng là rào cản lớn, khiến nguồn tạng hiến từ người chết não tại Việt Nam còn hạn chế.

Do đó, để người đăng ký hiến mô, tạng được hiến tặng mô, tạng của mình sau khi chết, cần nâng cao được nhận thức của cộng đồng về hiến mô tạng. Khi mỗi người đều hiểu về nghĩa cử cao đẹp của việc hiến mô tạng, đem lại sự sống cho những người khác thì việc ngăn cản thực hiện mong muốn của người chết sẽ giảm đi.

Các chuyên gia nhận định rằng truyền thông đóng vai trò quyết định trong việc thay đổi nhận thức cộng đồng. Vì vậy, cần triển khai mạnh mẽ các chương trình tuyên truyền, đặc biệt nhấn mạnh giá trị nhân văn của việc hiến tạng và tác động tích cực đến xã hội.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ: “Một người chết não có thể hiến tặng mô, tạng để cứu sống hàng chục người khác. Đây là hành động nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần sẻ chia và tương thân tương ái."

ttxnv-ghep gan.jpg
Lá gan của người hiến tặng được chia đôi để ghép cho hai người bệnh. (Ảnh: TTXVN phát)

Ngoài ra, có thể đưa giáo dục về hiến tạng vào chương trình học để thế hệ trẻ hiểu rõ giá trị của hành động này. Bên cạnh đó, việc áp dụng công nghệ vào quản lý và điều phối nguồn tạng hiến sẽ giúp tăng cường hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động ghép tạng. Như vậy, sau hơn 30 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc trong ngành ghép tạng. Tuy nhiên, để cứu sống nhiều bệnh nhân hơn nữa, cần có sự chung tay mạnh mẽ từ toàn xã hội. Việc hiến tạng không chỉ là hành động nhân văn, mà còn là cách để mỗi người lưu giữ mãi tinh thần yêu thương và sẻ chia.

Hành trình xây dựng nguồn tạng hiến dồi dào đòi hỏi nỗ lực đồng bộ từ Chính phủ, ngành y tế, và cộng đồng. Chỉ khi nhận thức xã hội được nâng cao, những rào cản văn hóa và tâm lý được tháo gỡ, Việt Nam mới có thể khai thác trọn vẹn tiềm năng của mình, mang lại cơ hội sống cho hàng vạn bệnh nhân./.

 Nguồn: Ghép tạng ở Việt Nam: Thành tựu vượt bậc và giải pháp tăng cường nguồn tạng hiến | Vietnam+ (VietnamPlus)