Công ty Cổ phần Tập đoàn Gelex (Gelex) đã chi ra hàng nghìn tỷ đồng mua lại trái phiếu của chính mình, dù nhiều đợt phát hành vừa được thực hiện.
Sự kiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hủy 9 lô trái phiếu liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh hồi đầu năm nay giống như hồi chuông cảnh tỉnh tới thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam. Ngay sau bê bối Tân Hoàng Minh, hàng loạt các doanh nghiệp đã tham gia cuộc đua mua lại trái phiếu của chính mình với dòng tiền được chi ra lên tới hàng nghìn tỷ đồng, trong đó có Công ty cổ phần Tập đoàn Gelex của vị CEO nổi tiếng - Nguyễn Văn Tuấn.
Gelex đã mua lại bao nhiêu trái phiếu tính từ sau bê bối của Tân Hoàng Minh
Tính từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2022, Gelex đã mua lại khoảng 1.627,2 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.
Danh sách trái phiếu được Gelex mua lại trước hạn.
Đáng chú ý, lô trái phiếu có mã GEXH2124003 được phát hành ngày 31/12/2021 với tổng giá trị 500 tỷ đến ngày 19/05/2022 đã được GEX mua lại toàn bộ sau chưa đầy 6 tháng. Có thể thấy các lô trái phiếu được mua lại trong tháng 6 và tháng 7 năm này của doanh nghiệp đều được mua lại toàn bộ. Gelex cũng có văn bản thông báo về phương thức mua lại là gửi văn bản đề nghị và thỏa thuận với người sở hữu trái phiếu.
Trước đó, từ đầu năm 2022, Gelex cũng đã có 05 đợt mua lại trái phiếu diễn ra vào tháng 01 đến giữa tháng 02. Như vậy tính đến hết tháng 07/2022 thì Gelex đã mua lại tổng cộng 11 lô trái phiếu doanh nghiệp trước hạn với, tổng giá trị là 2.127 tỷ đồng trên 2.400 tỷ đồng được phát hành.
Ngày 04/10/2022 vừa qua, Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX thuộc hệ sinh thái của Gelex cũng đã mua lại thành công lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng sau 01 năm phát hành. Được biết đây cũng là lô trái phiếu có kỳ hạn 03 năm.
Thêm một điểm đáng chú ý, Gelex trong tháng 7/2022 đã công bố tổng giá trị trái phiếu mua lại là 2.127 tỷ đồng, tuy nhiên theo BCTC bán niên thì con số giảm trừ trái phiếu phát hành là hơn 3.456,2 tỷ, như vậy vẫn còn hơn 1.329,2 tỷ chưa được doanh nghiệp công bố cụ thể là của lô trái phiếu nào.
Đến nay vẫn có văn bản cụ thể về lý do Gelex gấp rút mua lại trái phiếu. Trước đó, trong nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh về yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành.
Nội dung bao gồm bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố. Bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nội dung Chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Dựa trên những quy định mới của Bộ Tài chính, hãy cùng xem xét lại tài sản đảm bảo cũng như tình hình sử dụng vốn của Gelex đối với những lô trái phiếu đã phát hành và thu hồi trước hạn.
Gelex dùng cổ phần các công ty con để đảm bảo phát hành trái phiếu
Đối với những lô trái phiếu được phát hành vào năm 2020, Gelex sử dụng cổ phiếu của Công ty Cổ phần Dây cáp điện Việt Nam (Mã: CAV) và cổ phiếu của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Mã: VCW) làm tài sản đảm bảo. Ngoài ra, trong văn bản ngày 23/12/2020, Gelex cũng đã thông qua việc cầm cố cổ phiếu VGC đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ trái phiếu của Công ty Cổ phần Hạ tầng Gelex.
Trong cuối tháng 12/2021, HĐQT Gelex đã thông qua nghị quyết về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 nhằm huy động 1.500 tỷ đồng bao gồm 02 gói trái phiếu riêng lẻ trong đó:
Gói trái phiếu 01 huy động 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Tài sản đảm bảo cho đợt phát hành này là số lượng cổ phần của Tổng CTCP Viglacera (Mã VGC), cổ phần của CTCP Dây cáp điện Việt Nam, cổ phần của CTCP Chế tạo Điện cơ Hà Nội đang được sở hữu bởi CTCP Hạ tầng Gelex, CTCP Thiết bị điện Gelex (GEE) và/hoặc bên thứ 3.
Gói trái phiếu thứ 02 có giá trị phát hành 500 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Khoản vay này có tài sản đảm bảo tiếp tục là số lượng cổ phần tại VGC, HEM, THI, GEE do chính Gelex và một số doanh nghiệp liên quan đang sở hữu.
Tổng giá trị tài sản đảm bảo được Gelex thông báo trên văn bản là hơn 450 tỷ đồng, cụ thể:
Đến cuối năm 2021, Gelex đang nắm 80% vốn tại Thiết bị điện Gelex (UpCOM) và Hạ tầng Gelex đang nắm hơn 50% vốn tại VGC. Đây đều là các doanh nghiệp lớn trong hệ sinh thái Gelex được dùng làm tài sản đảm bảo cho các đợt phát hành trái phiếu của tập đoàn.
Gelex dùng vốn huy động từ trái phiếu để mở rộng quy mô
Những lô trái phiếu được phát hành năm 2020 và 2021 nhằm mục đích tăng quy mô vốn hoạt động của Gelex. Cụ thể, số tiền thu về được sử dụng để thanh toán cho các hoạt động kinh doanh và góp vốn vào công ty thành viên.
Báo cáo sử dụng vốn công bố vào năm 2021 đối với các lô trái phiếu phát hành từ năm 2020 cho biết cụ thể:
Mục đích sử dụng được công bố của lô trái phiếu phát hành ngày 19/05/2021 như sau:
Tổ chức tham gia phát hành trái phiếu doanh nghiệp Gelex gồm Shihan, SSI, VNDIRECT,...
GEX cho rằng tiền lấy từ hoạt động kinh doanh và đầu tư
Điều đáng quan tâm nhất là Gelex lấy nguồn tiền ở đâu để có thể mua lại các lô trái phiếu trong một khoảng thời gian tương đối gấp rút. Liên quan đến việc này, Gelex dùng nguồn tiền để mua lại là từ dòng tiền hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp của doanh nghiệp. Đơn vị tham gia hỗ trợ mua lại có Chứng khoán VIX và ngân hàng TPBank.
Trước tiên xét đến tiền mặt, dự đoán nếu Gelex sử dụng tiền mặt để mua lại trái phiếu thì sẽ phần nào ảnh hưởng nhưng theo BCTC hợp nhất bán niên của doanh nghiệp thì tiền và các khoản tương đương tiền vẫn tăng khoảng 581 tỷ đồng. Trong kỳ 6 tháng, Gelex giảm gần 1 nghìn tỷ tiền gửi ngân hàng và tăng tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền nhưng chưa xuất hiện thuyết minh kỹ về điều này.
Chứng khoán kinh doanh giảm đáng kể hơn 4 nghìn tỷ đồng chủ yếu đến từ giảm trái phiếu. Gelex báo cáo danh mục đầu tư chứng khoán kinh doanh tại ngày 30/6/2022 gồm có 2.200 tỷ đồng trái phiếu và gần 735 tỷ đồng cổ phiếu.
Số cổ phiếu này có giá trị dự phòng 107 tỷ đồng. Tập đoàn không thuyết minh cụ thể tên và giá trị của các cổ phiếu trong danh mục. Thị trường chứng khoán có nhiều biến động đã làm ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh của công ty.
Hàng tồn kho giảm hơn 1.506 tỷ trong 6 tháng đầu năm, một số hàng tồn kho của tập đoàn được sử dụng thế chấp cho các khoản vay. Tuy nhiên không có giải trình rõ cụ thể các khoản vay cần thế chấp này là gì.
Tiếp đến, Gelex nói dùng dòng tiền kinh doanh để mua lại trái phiếu. Tại BCTC ngày 30/06/2022, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có dấu hiệu tích cực hơn khi ghi nhận con số dương hơn 4.787,3 tỷ đồng trong khi con số này cùng kỳ năm ngoái được ghi nhận là âm 1.006,6 tỷ đồng.
Trong nửa năm, Gelex ghi nhận tăng khấu hao tài sản cố định và bất động sản đầu tư, tăng chi phí lãi vay và giảm hàng tồn kho so với nửa năm 2021. Chứng khoán kinh doanh giảm đột biến hơn 4.118,4 tỷ đồng và doanh nghiệp đồng thời ghi nhận sự giảm lớn hơn 4.611,6 tỷ đồng ở các khoản phải trả.
Việc kinh doanh của Gelex theo như báo cáo cũng khởi sắc hơn khi lũy kế 6 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.714 tỷ đồng, tăng 35,1% so với đầu năm.
Trong đó, mảng thiết bị điện đóng góp 8.896 tỷ đồng, vật liệu xây dựng đóng góp 4.503 tỷ đồng, bất động sản và hạ tầng khu công nghiệp đóng góp 3.381 tỷ đồng, sản xuất kinh doanh năng lượng (điện và nước) đóng góp 734 tỷ đồng, doanh thu hoạt động xây dựng 87 tỷ đồng và phần còn lại 110 tỷ đồng đến từ doanh thu khác. Gelex chưa giải trình rõ khoản doanh thu thêm này đến từ đâu.
Lợi nhuận sau thuế theo báo cáo riêng tăng 1,71% so với cùng kỳ năm trước, con số này đối với báo cáo hợp nhất là 32,51%. Như vậy, kết thúc 6 tháng, Gelex đã hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu (36.000 tỷ đồng) và 57% mục tiêu lợi nhuận trước thuế (2.618 tỷ đồng) cho cả năm.
Tổng kết lại, trong kỳ 6 tháng đầu năm 2022, Gelex đã phải chi ra đến 2.127 tỷ đồng mua lại trái phiếu trước hạn (theo công bố), và trên sổ sách thì con số giảm trừ trái phiếu phát hành lên đến hơn hơn 3.456,2 tỷ.
Tuy nhiên trong báo cáo không có khoản nào được nêu rõ là dòng tiền dùng để mua lại trái phiếu như cách doanh nghiệp khẳng định.
Tuy có thể thấy doanh nghiệp giảm hàng tồn kho, chứng khoán kinh doanh và một số mục đáng kể khác nhưng dòng tiền đó vẫn còn phải sử dụng cho nhiều mục đích khác như tăng bất động sản đầu tư (mục 15 thuyết minh BCTC), đầu tư công ty liên kết, tăng chi phí tài chính chủ yếu do lỗ kinh doanh chứng khoán (mục 34 thuyết minh), tăng chi phí quản lí,.. Vì vậy nên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng để có thể kết luận được có đúng là tiền mua lại trái phiếu đến từ dòng tiền kinh doanh hay không.
Bức tranh tài chính của Gelex đã bớt ảm đạm
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2022, tổng tài sản của Gelex đạt 55.617 tỷ đồng, giảm 9,1% so với số đầu năm. Nợ phải trả hơn 34.162 tỷ đồng, giảm hơn 6.500 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Nợ ngắn hạn hơn 18.811 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 15.350 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu đạt 21.455 tỷ đồng. Với những thông tin này, có thể thấy tình hình tài chính của Gelex khả quan hơn so với kết quả của năm 2021 bởi ở thời điểm trước, doanh nghiệp phải đối mặt với bức tranh tài chính ảm đạm của dòng tiền kinh doanh âm cùng những khoản vay và cho vay lớn.
Nhìn lại giai đoạn khó khăn đã qua của Gelex, 9 tháng đầu năm 2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm với con số khủng với 6.339 tỷ đồng do công ty đã thực hiện gia tăng mạnh hàng tồn kho trong giai đoạn này và tăng chứng khoán kinh doanh (điều mà đến sau 6 tháng đầu 2022 thì doanh nghiệp đã làm ngược lại).
Gelex trong năm 2021 đầu tư mua khá nhiều trái phiếu đồng thời phát hành số lượng lớn trái phiếu với dư nợ vay trái phiếu doanh nghiệp lên tới 5.366 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2021, chưa kể 936 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. Ngoài ra, bức tranh nợ nần của doanh nghiệp này còn điểm đáng chú ý nữa là việc gia tăng các khoản phải thu và đồng thời các khoản phải thu khó đòi cũng đang tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm.
Tính riêng trong quý II/2022, Gelex đã báo lãi sụt giảm, nguyên nhân chính đến từ doanh thu tài chính giảm 53% còn chi phí tài chính đã tăng gần 97% lên 833,2 tỷ đồng. Công ty ghi nhận doanh thu tài chính 219 tỷ đồng từ đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty liên kết tại ngày nắm quyền kiểm soát (Tổng Công ty Viglacera - CTCP).
Đáng chú ý, Gelex có khoản lỗ kinh doanh chứng khoán hơn 165,4 tỷ đồng trong quý II, ngoài ra còn lỗ chênh lệch tỷ giá gần 110 tỷ đồng, cao gấp 27 lần quý II/2021.
VIX báo lãi sau thuế tụt 40%
Theo BCTC quý 3/2022, CTCP Chứng khoán VIX (HOSE: VIX) báo lãi sau thuế giảm 40% so với cùng kỳ, còn hơn 88 tỷ đồng. Nguyên nhân do nguồn thu từ tự doanh, môi giới, cho vay, tư vấn và bảo lãnh đại lý phát hành giảm rõ rệt. Lũy kế 9 tháng đầu năm, VIX ghi nhận tổng doanh thu hơn 612 tỷ đồng, giảm 35% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế gần 415 tỷ đồng, giảm 28%. Năm 2022, VIX lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế đạt 656 tỷ đồng, giảm gần 11% so với năm 2021. Sau 9 tháng, Công ty đã thực hiện được hơn 63% kế hoạch lợi nhuận năm.
Danh mục tài sản FVTPL của Công ty ghi nhận tại ngày 30/09/2022 là gần 4,7 ngàn tỷ đồng, gấp gần 3 lần con số 1,6 ngàn tỷ đồng đầu năm. Danh mục này mở rộng là do VIX đã thực hiện mua vào lượng lớn trái phiếu khi giá trị trái phiếu VIX nắm giữ đã lên tới hơn 3,1 ngàn tỷ đồng, gấp 3.6 lần đầu năm, chiếm gần 70% tổng tài sản FVTPL.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VIX quý 3 âm gần 1,2 ngàn tỷ đồng do chi tiền mua tài sản tài chính, con số này lớn hơn rất nhiều 237 tỷ đồng của cùng kì năm ngoái.