Gánh mâm cỗ
11:22 - 17/07/2021
Ở quê tôi, Nghệ an, dải đất miền Trung, hàng trăm năm qua, có một nét văn hóa thực sự văn minh bình dị một cách tự nhiên, đó là góp cỗ cúng đến nhà thờ họ.
Với xã hội hiện đại, việc rủ nhau đi nhậu nhet, bia bọt bên ngoài quá quen thuộc, có cuộc cả vài chục người. Cưới xin, tiệc tùng nhiều gia đình cũng được đưa ra nhà hàng, khách sạn. Người tham dự lẫn người tổ chức, chẳng mấy ai quan tâm phải chuẩn bị cỗ bàn, phục vụ hay dọn dẹp sau đó nữa. Chỉ việc chọn và đặt trước món dự định.
Trong khi đó, cũng còn các gia đình có đông khách và được các bà nội trợ kêu than mỗi dịp Tết về, cho dù khách trong gia đình hay công việc, thì các bữa tiệc thường xuyên và liên tục cũng sẽ rất mệt mỏi với đồ ăn, bếp núc và đống bát đĩa khi tàn cuộc. Cho dù có giúp việc nhưng Tết không phải nhà nào cũng có người. Hơn nữa, không phải công đoạn nào giúp việc cũng giúp được. Vai trò người Phụ nữ bình đẳng, họ cũng có nhu cầu giao lưu và gặp gỡ.
Ở nông thôn ngày nay, cũng không quá khác với thành phố, nếu nhà có việc riêng làm tại gia, họ có thể thuê bên ngoài hoặc nhờ mọi người tham gia giúp. Nhưng những bữa tiệc, liên hoan luôn kèm công việc nặng nhọc cho phụ nữ của gia đình đó, kể cả chỉ là quán xuyến và sai bảo…
Từ các chia sẻ về hậu cần như trên mà lần này về quê, tôi nhận thấy có điều thú vị ở đây. Chúng tôi lớn lên từ làng, trải qua tuổi thơ với cuộc sống trong làng nên mọi thứ diễn ra rất ư bình thường và cảm thấy sự tất yếu của nó, gần như là không đáng chú ý đến. Quê tôi miền Trung, miền đất cũng như các vùng miền khác, các gia đình sống trong làng, xã gắn kết cùng họ tộc. Ngoài các tín ngưỡng Phật, Mẫu, Thiên chúa… thì hệ thống các nhà thờ Họ tộc có vẻ rộng khắp và được duy trì rất tốt. Ngoài hệ thống của chính quyền như nhà văn hóa thì các nhà thờ Họ tộc là nơi sinh hoạt chung và thường xuyên hơn cả của các nhóm cộng động theo dòng họ. Mỗi một chi họ đủ lớn, họ sẽ lập một nhà thờ riêng của chi họ mình. Và các nhà thờ được phân cấp theo đúng tôn ti trật tự của xã hội một cách bài bản. Mỗi dịp lễ Tết, giỗ chạp, dòng họ, chi họ tộc sẽ tổ chức lễ ở đây, tại nhà thờ họ tộc nhà mình.
Như vậy chúng ta có thể thấy, việc tổ chức mỗi sự kiện diễn ra trong các nhà thờ, bé thì vài gia đình của một chi họ, lớn thì vài chục gia đình của họ tộc tại địa phương. Khi đó, lượng người tham gia cả già, trẻ bé cũng vài chục đến cả trăm người. Việc tổ chức lễ tiệc, mâm cúng, một gia đình tộc trưởng khó có thể kham nổi về cả chi phí, công sức chuẩn bị cũng như thời gian thực hiện. Tộc trưởng cũng chỉ là một thành viên trong họ tộc, nhân lực của họ cũng tham gia sản xuất lao động như mọi nhà. Do đó, chuẩn bị mâm cỗ là vấn đề. Chính điều này, ở quê tôi, Nghệ an, dải đất miền Trung, hàng trăm năm qua, có một nét văn hóa thực sự văn minh bình dị một cách tự nhiên, đó là góp cỗ cúng đến nhà thờ họ.
Ngày nhỏ, mỗi lần việc như giỗ chạp, lễ Tết, Bà nội tôi thường phân công: “Cái Hồng gánh mâm đi nhà thờ ông Thông. Cái Vân gánh ra nhà thờ anh Hoàn…” Đấy là nhà thờ họ Đặng và chi trưởng. Cùng thời gian, khi ra đường những ngày này, ngược xuôi là bà con gánh mâm cỗ hướng đến các nhà thờ họ của nhà mình. Các nhà thờ bao gồm cả Nội, Ngoại, nên có sự giao thoa chung nhà thờ của người bên họ thông gia.
Việc gánh mâm cỗ này, các báo đã nhiều lần mô tả như một nét văn hóa riêng của miền Trung, của Nghệ an nói riêng. Tuy nhiên, ở đây, tôi nhìn thấy sự thú vị, thậm chí văn minh xuất hiện hàng trăm năm qua, đó là sự chia sẻ.
Ngoài mâm cơm cúng tại bàn thờ nhà mình, các gia đình sẽ có mâm cơm cúng ở nhà tộc trưởng, ở nhà thờ họ trên nữa. Các mâm cơm cúng được bày ở nhà thờ sẽ được các cụ cùng tộc trưởng làm lễ cúng rồi sau đó tất cả cùng dự tiệc tại đây luôn. Trên thành phố hay một số địa phương, khi nhà có việc, hay làm lễ, gia chủ sẽ phải lo làm mâm cỗ và mời khách đến. Sự chuẩn bị ban đầu, đi mời, xác định số lượng để sao cho vừa cỗ cũng là vấn đề nan giải. Trong bữa tiệc, phục vụ chu đáo cũng phải lo. Cuối tiệc phải dọn dẹp cũng không hề đơn giản. Ở đây, mỗi gia đình sẽ góp mâm bằng chính mâm cúng của gia đình mình. Họ tự xác định số thành viên tham dự để gánh số mâm cho phù hợp. Cũng có gia đình ít người, họ có thể gánh mâm, cũng có thể chút lễ là cút rượu, con gà hay hoa quả làm lễ. Các mâm cỗ sau khi làm lễ sẽ được bê ra ăn uống. Không nhất thiết là của nhà ai nhà đó ngồi.
Các gia đình thường muốn thưởng thức món ăn, tài nghệ của nhà khác, nên họ sẽ ngồi các mâm cỗ không phải của mình. Chính điều này cũng làm cho các gia đình phải chăm chút cho mâm cỗ nhà mình sao cho ngon nhất có thể. Vì sau tiệc, sự thẩm định sẽ được lan truyền nếu có mâm cỗ nào đó có vấn đề. Các loại thức ăn và cách chế biến cũng được lựa chọn. Vì với thời tiết và khoảng thời gian đủ lâu làm lễ phải đảm bảo thức ăn vẫn ngon. Một mâm cỗ có đủ từ khai vị đến món chính, rồi tráng miệng bằng các loại bánh (bánh ong chẳng hạn.) Mỗi một nhà thờ, ít vài gia đình, nhiều lên đến hơn chục gia đình nhiều thành viên. Có gia đình vài ba mâm, cả già trẻ lớn bé cũng có đến cả trăm người. Hoàn toàn tự phục vụ. Nhà tộc trưởng chỉ có thể chuẩn bị dọn dẹp nhà thờ cũng các chỗ ngồi, bày biện và lo mâm cỗ của chính nhà mình. Còn cỗ cho cả trăm người được đóng góp từ họ tộc.
Thưởng thức xong, có thể mâm cỗ ngon hết hoặc họ để dành và gói mang về. Tự từng gia đình với các dấu hiện đặc biệt trên bát đĩa, mâm… để nhận biết thu don đồ nhà mình và gánh về. Với lực lượng các gia đình, bữa tiệc tự nhiên được thu dọn và gọn gàng nhanh chóng dành chỗ cho các bàn nước chè chát các cụ ngồi nói chuyện, dành chỗ sân chơi cho đám trẻ đánh trống hay nô đùa.
Gánh mâm cỗ, sự góp cỗ cho một sự kiện chung, giỗ chạp, lễ Tết, không chỉ chia sẻ chi phí khi tham gia, nó còn chia sẻ công sực thực hiện. Và quan trọng hơn cả, từ khi làm mâm cỗ, con cháu ý thức về trách nhiệm và tưởng nhớ đến cha ông, dòng tộc. Khi gánh, cùng nhau đến nhà thờ, gặp lại bạn bè xa mới về, chia sẻ bao chuyện. Con cháu cùng họ tộc nhận biết nhau, sẽ có liên kết về sau trong cuộc sống dù sẽ đi xa quê hương. Lắng nghe các cụ kể chuyện trong tiệc. Một làng quê, với khá nhiều nhà thờ họ, nghĩa là khá nhiều bữa tiệc diễn ra nhưng được thực hiện gần như bởi toàn dân. Không phải một gia đình nào tự lo toàn bộ. Nét văn minh chia sẻ trách nhiệm đáng lưu giữ. Cách tổ chức thực hiện cũng là một kỹ năng mềm của cộng đồng được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách rất tự nhiên. Các cô dâu hẳn sẽ không bị choáng ngợp trong bếp núc và tiệc tùng nên gia đình là trưởng họ và nhiều sự kiện.
Gánh mâm hiện nay, do giao thông đã thuận tiện, phương tiện tốt hơn, nhiều thanh niên đã dùng xe máy, hay xếp mâm và làn để đưa đến nhà thờ rồi mới bày ra. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều các cô gánh mâm trong Tết vừa qua, một nét xuân của sự chia sẻ và trách nhiệm.
“Chú chuẩn bị dọn dẹp bàn thờ và bàn ghế đi nhé.” Anh Quyền con bác thông báo. “Nhà anh Hùng mới về sẽ gánh mâm cỗ cúng Ông Bà đấy…” Nhà Ông bà Nội tôi đang hình thành một chi họ mới trong cộng đồng họ tộc nơi đây, một nhánh mới đang phát triển trên nền tảng ngàn năm văn hiến./.
Ảnh trên mạng Internet và báo Nghệ an
https://vanhoavaphattrien.vn/ganh-mam-co-a2508.html