Theo thông tin từ Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong 4 ngày của kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 (từ ngày 31/8-2/9), nhân viên y tế trên toàn địa bàn đã thực hiện gần 17.000 mũi tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi.
Chiến dịch tiêm vaccine sởi nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong 4 ngày nghỉ lễ, thành phố tổ chức 306 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 6 bệnh viện tuyến thành phố, quận huyện. Tổng cộng toàn thành phố đã tiêm được cho 16.907 trường hợp, trong đó có 115 trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao và 27 nhân viên y tế.
Hai ngày đầu tiên của chiến dịch, toàn thành phố tiêm được 9.298 trường hợp, ngày thứ 3 là 3.327 trường hợp và ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ là 4.282 trường hợp.
Dự kiến ngày 4/9, chiến dịch tiêm vaccine sởi sẽ tiếp tục được diễn ra với 282 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 1 bệnh viện tuyến thành phố, số lượng trẻ dự kiến tiêm là 6.821 trẻ.
Lãnh đạo Sở Y tế đánh giá để đạt được những kết quả trong 4 ngày triển khai chiến dịch vừa qua, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế trong việc duy trì tổ chức điểm tiêm, còn có sự chung tay của các ban ngành, đoàn thể.
Mặc dù đang trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh nhưng các ban, ngành, đoàn thể quận, phường, khu phố, đặc biệt các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng rất tích cực tham gia công tác truyền thông, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm vaccine sởi cũng như hỗ trợ tại các điểm tiêm vaccine.
"Với sự nỗ lực của các cấp, ngành y tế và chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cũng như sự hợp tác tích cực của người dân trong việc đưa trẻ đi tiêm vaccine, chiến dịch tiêm vaccine sởi của Thành phố Hồ Chí Minh hứa hẹn đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho các em nhỏ trên toàn thành phố," ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố chia sẻ.
Trong suốt 4 ngày tiêm chủng của chiến dịch, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức đoàn giám sát để kiểm tra hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế. Kết quả giám sát cho thấy quy trình tổ chức tiêm chủng tại các trạm y tế được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế.
Các điểm tiêm đều đảm bảo an toàn và hiệu quả, từ khâu chuẩn bị đến tiêm chủng và xử lý phản ứng sau tiêm. Công tác truyền thông tại các trạm y tế cũng được thực hiện rộng rãi, giúp người dân hiểu rõ về tầm quan trọng của việc tiêm phòng và khuyến khích người dân đưa trẻ em đi tiêm đúng lịch./.