Gần 1 năm áp trách nhiệm tái chế với doanh nghiệp: Cách làm vẫn chưa “thông”

12:13 - 26/11/2024

Một số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ làm rõ định mức chi phí tái chế (Fs). Đây là một trong những sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình.

(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)
 
(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Việt Nam đang từng bước thực hiện tốt mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng tới sử dụng tài nguyên hiệu quả, giảm phát thải bao bì và chất thải nguy hại ra môi trường thông qua “giải pháp xanh” là tái chế. Theo đó, từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắcquy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế (EPR) theo tỷ l​ệ, quy cách tái chế bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus sau gần 1 năm thực thi trách nhiệm tái chế đối với nhà sản xuất, nhập khẩu về các sản phẩm, bao bì trên, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Phan Tuấn Hùng cho biết nhiều doanh nghiệp vẫn còn lúng túng do còn có những cách hiểu khác nhau, thậm chí phải lùi thời điểm thực hiện.

Lúng túng từ phương án trả tiền tái chế

- Đầu tiên xin ông cho biết việc thực thi quy định về trách nhiệm tái chế (EPR) đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ hiện đang được triển khai thế nào?

Ông Phan Tuấn Hùng: Từ ngày 1/1/2024, thông qua việc thực thi các văn bản pháp luật về môi trường và hành lang pháp lý cho hoạt động tái chế, nhiều doanh nghiệp tái chế đã thực hiện bài bản, đúng quy định.

Tuy vậy, thời gian qua chúng tôi cũng nhận được ý kiến thắc mắc của một số doanh nghiệp (nhà sản xuất, nhà nhập khẩu) do chưa hiểu về quy định.

Đáng chú ý, một số doanh nghiệp kiến nghị làm rõ về định mức chi phí tái chế (Fs). Đây là một trong những sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình. Fs cũng là cơ sở để thực hiện trách nhiệm xử lý, tái chế sản phẩm, bao bì trong trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không tổ chức tái chế thì đóng tiền. Thế nhưng đóng tiền theo quy định nào thì hiện chưa có. Đây là “cái dở” dẫn đến vướng mắc.

 

Để giải quyết vấn đề vướng mắc trên, chúng ta cần phải sửa Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Vừa rồi, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi nghị định theo hướng giữ nguyên lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế nhưng cho phép lùi thời điểm thực hiện.

Ví dụ nhà sản xuất, nhập khẩu lựa chọn phương án đóng tiền để tái chế sản phẩm, bao bì phải thực hiện từ năm 2024 nhưng chưa thực hiện được do vướng chính sách thì được phép chuyển sang năm 2025 để thực hiện.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng kiến nghị kết hợp cả 2 phương án là vừa đóng tiền, vừa tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại (ví dụ săm lốp, 1 phần tái chế, 1 phần đóng tiền) theo khả năng của mình. Tuy nhiên Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định “cứng” là chỉ được lựa chọn 1 trong 2 phương án “tái chế” hoặc “đóng tiền” đối với một loại sản phẩm tái chế. Quy định này là hợp lý bởi nếu dễ dãi sẽ dẫn tới “dễ người, khó mình,” khó quản lý.

TTXVN-san pham nhua 3.jpg
Trách nhiệm tái chế đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Trường hợp doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, bao bì khác nhau thì có thể lựa chọn tái chế hoặc đóng tiền theo từng loại bao bì, sản phẩm. Đây là quy định rất mở và linh hoạt của luật để các doanh nghiệp có hướng lựa chọn thực hiện hiệu quả. Còn các nước trên thế giới không có lựa chọn này

Phải bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm tái chế

- Vừa qua, trên hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường, một số doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về việc sau khi khách hàng mua các sản phẩm có bao bì cần được tái chế về nhà để sử dụng thì làm sao xác định được khi nào khách hàng sử dụng xong sản phẩm và vứt bỏ bao bì để thu gom, tiến hành tái chế? Ông có thể giải đáp rõ hơn về nội dung này?

Ông Phan Tuấn Hùng: Vấn đề này đã được quy định tại Điều 78 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Cụ thể nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại (do nhà sản xuất, nhập khẩu khác sản xuất, nhập khẩu) quy định tại Phụ lục XXII ban hành kèm theo nghị định, để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Như vậy nhà sản xuất, nhập khẩu không phải theo dõi khi nào khách hàng sử dụng xong các sản phẩm, bao bì và vứt bỏ để thu gom. Thay vào đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có thể thu mua sản phẩm, bao bì cùng loại để tái chế theo đúng tỷ lệ hàng hóa đã đưa ra thị trường.

- Vậy sản phẩm có được sau khi thực hiện tái chế xử lý như thế nào, có cần phải nộp lại cho cho cơ quan nhà nước không? Nếu có thì tỷ lệ nộp lại ra sao hay do doanh nghiệp tự quyết định hình thức sử dụng?

Ông Phan Tuấn Hùng: Nhà sản xuất, nhập khẩu phải bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm tái chế đáp ứng đúng quy định về tỷ lệ tái chế và quy cách tái chế bắt buộc. Sản phẩm tái chế do doanh nghiệp tự quyết định.

- Trong trường hợp một doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về, nếu trong năm nhập khẩu vẫn còn tồn kho 1 lượng lớn loại hàng hóa nhập khẩu thì có phải tuân thủ tỷ lệ tái chế bắt buộc khi hàng vẫn chưa sử dụng?

Ông Phan Tuấn Hùng: Như tôi chia sẻ ở trên, theo quy định thì nhà nhập khẩu có trách nhiệm tái chế lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu (dù đã đưa ra thị trường hay chưa đưa ra thị trường). Theo đó nhà sản xuất, nhập khẩu được tái chế các sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu hoặc tái chế sản phẩm, bao bì cùng loại của nhà sản xuất, nhập khẩu khác (sản phẩm, bao bì đã sử dụng) để đạt được tỷ lệ tái chế bắt buộc.

Không tuân thủ tái chế có thể bị phạt 2 tỷ đồng

- Trường hợp miễn trừ trách nhiệm tái chế đối với nhà nhập khẩu có tổng giá trị sản phẩm hàng hóa nhập khẩu dưới 20 tỷ đồng, nếu họ tiếp tục mua lại mỹ phẩm nhập khẩu đã được 1 doanh nghiệp khác nhập khẩu về (tổng số lượng sản phẩm, hàng hóa trên 20 tỷ đồng) thì có được áp dụng miễn trừ không?

Ông Phan Tuấn Hùng: Theo quy định hàng hóa có tổng giá trị dưới 20 tỷ đồng thì được miễn trừ trách nhiệm tái chế kể cả nhập khẩu hay sản xuất.

Trong trường hợp doanh cố tình “né tránh” trách nhiệm bằng cách nhập khẩu lô hàng dưới 20 tỷ đồng, sau đó mua lại sản phẩm mỹ phẩm (ví dụ mua thêm lượng sản phẩm, hàng hóa khoảng 10 tỷ đồng) của nhà nhập khẩu khác để bán ra thị trường (doanh nghiệp lúc này không được coi là nhà nhập khẩu) thì nhà nhập khẩu là công ty chịu trách nhiệm về hàng hóa sẽ phải chịu trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm nhập khẩu này.

Nếu doanh nghiệp mua mỹ phẩm của nhà nhập khẩu khác để đóng gói lại theo nhãn hiệu của mình và chịu trách nhiệm về hàng hóa, khi đó doanh nghiệp là nhà sản xuất và sẽ phải chịu trách nhiệm về hàng hóa đối với sản phẩm mới này. Tức là sẽ phải thực hiện trách nhiệm đối với hàng hóa sản xuất và đưa ra thị trường.

vnp_pin.jfif
Từ ngày 1/1/2024, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin, ắcquy, dầu nhớt và bao bì thương phẩm của một số sản phẩm sẽ phải thực hiện trách nhiệm tái chế. (Ảnh: HV/Vietnam+)

- Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng không phải thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý, tái chế theo quy định tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP thì phải thực hiện theo quy trình, thủ tục nào để được xác định miễn trừ?

Ông Phan Tuấn Hùng: Nếu doanh nghiệp thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc trách nhiệm thu gom xử lý chất thải thì phải thực hiện các thủ tục đăng ký, kê khai, báo cáo theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Còn trường hợp không thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế thì không phải thực hiện các thủ tục nêu trên.

- Vậy hiện nay đã có quy định xử phạt vi phạm cụ thể nào đối với doanh nghiệp phạm lỗi hoặc không thực hiện trách nhiệm tái chế hay chưa?

Ông Phan Tuấn Hùng: Nội dung này đã được quy định chi tiết tại Điều 32 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Theo đó trường hợp nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện tái chế hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm tái chế sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo từng hành vi vi phạm cụ thể; mức phạt tiền cao nhất có thể lên tới 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu vi phạm còn buộc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

- Trân trọng cảm ơn ông./.