FPT co them trung tam cong nghe toan cau moi tai khu vuc chau My Latin hinh anh 1Ảnh minh họa (Vietnam+)

Ngày 23/2, Tập đoàn FPT đã chính thức công bố thương vụ mua lại toàn bộ mảng Dịch vụ Công nghệ (IT Services) - một trong những mảng kinh doanh chiến lược của Intertec International - Mỹ (Intertec). Thương vụ này là một phần trong chiến lược mở rộng các trung tâm dịch vụ công nghệ toàn cầu của FPT.

Năm 2023, cùng với thương vụ này, FPT sẽ mở rộng hiện diện tại Costa Rica, Colombia và Mexico. Đây cũng là 3 nước có trung tâm sản xuất công nghệ của Intertec.

[FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 22,2%]

Theo đó, cùng với mạng lưới 22 trung tâm cung ứng công nghệ của FPT trên toàn thế giới, mảng dịch vụ công nghệ của Intertec mới sáp nhập sẽ giúp hai bên đảm bảo đồng hành cùng khách hàng nhanh nhất ở mọi múi giờ, mọi địa điểm trên thế giới và khai thác tối đa các cơ hội không giới hạn từ thị trường các nước nói tiếng Anh. Mặt khác, thương vụ này cũng giúp FPT nâng cao hơn năng lực đáp ứng chất lượng sản phẩm, giải pháp trên mảng phần mềm linh hoạt (Agile Software) cho khách hàng. 

Tổng Giám đốc Intertec International, Rickard Hedeby cho biết: “Kết hợp nguồn lực của cả hai bên, chúng tôi có thể mang lại nhiều giá trị hơn cho các khách hàng và đa dạng cơ hội nghề nghiệp cho nhân lực công nghệ”.

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT nhấn mạnh: "Mỗi thương vụ M&A đều mang đến những 'quả ngọt' cho FPT. Chúng tôi kỳ vọng thương vụ M&A này sẽ tạo ra giá trị cộng hưởng lớn vào mục tiêu mở rộng quy mô và tăng trưởng hoạt động kinh doanh của FPT trên phạm vi toàn cầu, đặc biệt là tại thị trường các nước nói tiếng Anh."

 

Thỏa thuận này được coi là bước tiến quan trọng sau thời gian hợp tác rất thành công giữa FPT và Intertec International. Trước đó, vào năm 2021, FPT đã có khoản đầu tư ban đầu vào Intertec. Sau gần hai năm hợp tác thành công, hai doanh nghiệp đã cùng mang đến cho các khách hàng một trải nghiệm toàn diện từ tư vấn, thiết kế đến xây dựng hệ thống, sáng tạo giải pháp công nghệ cũng như cung ứng hỗ trợ công nghệ 24/7.

Hiện Mỹ là một trong hai thị trường lớn nhất của FPT, đóng góp mức lợi nhuận cao nhất trong số toàn bộ các thị trường, với mức độ tăng trưởng năm 2022 là 50%. Doanh số FPT Americas đã tăng 5 lần và 10 lần về lợi nhuận từ 2017 đến 2022. Chi nhánh Mỹ tiếp tục triển khai kế hoạch mở rộng hiện diện và đặt mục tiêu đạt quy mô 1.000 nhân sự ở khu vực Mỹ Latin trong hai năm tới.

FPT co them trung tam cong nghe toan cau moi tai khu vuc chau My Latin hinh anh 2Ảnh minh họa (Minh Sơn/Vietnam+)

Từ năm 2014, FPT đã thực hiện mua bán sáp nhập với công ty RWE IT Slovakia để mở rộng tập khách hàng về hạ tầng công ích. Đây là thương vụ mua bán sáp nhập đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Năm 2018, FPT đã mua lại 90% cổ phần của Intellinet, công ty chuyên tư vấn lộ trình chuyển đổi số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ, do Consulting Magazine đánh giá năm 2017.

Gần đây, FPT liên tục mở rộng hiện diện của mình tại nhiều quốc gia, trong đó các thương vụ mua bán sáp nhập đóng vai trò quan trọng trong chiến lược toàn cầu của FPT nhắm tới mục tiêu đạt doanh số 1 tỷ USD vào cuối năm 2023 và trở thành Top 50 công ty công nghệ toàn cầu đến năm 2030.

Kết thúc năm 2022, FPT ghi nhận doanh thu 44.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.654 tỷ đồng, lần lượt tăng 23,4% và 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, khối công nghệ, bao gồm dịch vụ công nghệ thông tin trong nước và dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài, tiếp tục giữ vai trò chủ chốt và đóng góp 58% doanh thu, 45% lợi nhuận trước thuế của toàn tập đoàn, tương đương 25.521 tỷ đồng và 3.421 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 23,1% và 22,2% so với năm trước.

Riêng doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin tại nước ngoài đạt 18.935 tỷ đồng, tăng 30,2%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.987 tỷ đồng, tăng 23,3% so với năm 2021. Các thị trường trọng điểm đều giữ được đà tăng trưởng cao, đặc biệt tại thị trường Mỹ (tăng 50%) và châu Á-Thái Bình Dương (tăng 36,4%)./.

Minh Sơn (Vietnam+)