Fed tang lai suat lan thu 8: Khong dang lo ngai voi kinh te Viet Nam hinh anh 1Khi lộ trình tăng lãi suất của Fed chậm lại, triển vọng về đồng USD không còn hấp dẫn như trước nên mức độ ảnh hưởng lên tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm dần. (Ảnh: Vietnam+)

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm phần trăm, lên biên độ 4,5%-4,75% - mức cao nhất kể từ tháng 10/2007 và có rất ít dấu hiệu cho thấy Fed sắp chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong nước nhận định việc Fed tăng lãi suất lần này đã nằm trong dự tính, ngay cả mức tăng rất thấp này cũng đã được dự báo trước nên không quá lo ngại.

Không nhiều tác động tới Việt Nam

Theo thống kê, trước đây Fed có 2 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75% làm cho thị trường tài chính chao đảo, trong đó có cả Việt Nam.

Còn trong năm 2023, dự báo lãi suất của Fed sẽ không giảm mà xoay quanh con số 5% hoặc hơn một chút. Như vậy, những kỳ họp sắp tới sẽ vẫn tiếp tục là mức tăng 0,25%.

Phó giáo sư, tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phân tích thực tế chỉ số DXY (đo lường biến động giữa đồng USD và 6 đồng tiền chủ chốt trên thế giới) hiện đang rất thấp, tuy mấy phiên gần đây có tăng nhưng chỉ khoảng hơn 100 điểm. Chỉ số này lúc cao lên đến trên 113 điểm. Những điều này đều phù hợp với dự báo của các chuyên gia kinh tế trong nước, phù hợp với cách điều hành tỷ giá mà Ngân hàng Nhà nước đang áp dụng.

 

[Lãi suất huy động tại ngân hàng hạ nhiệt song áp lực vẫn còn]

“Việc giữ vững giá trị Đồng Việt Nam so với USD theo tôi vẫn được đảm bảo, từ đó hỗ trợ cho hoạt động và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có thể có phương án yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn. Do đó, theo tôi, không quá lo ngại về đợt tăng lãi suất lần này của Fed," ông Thịnh nói.

Trong khi đó, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, việc đồng USD tăng giá so với đồng tiền Việt Nam sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Tổng công ty may Tiên Sơn: “Rất may, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu xuất khẩu sang châu Mỹ nên thanh toán bằng USD là chính, việc đồng USD lên giá sẽ có lợi cho công ty.”

Tuy nhiên, việc đồng USD tăng giá so với VND gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, khi chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng do tỷ giá, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, năng lượng là những doanh nghiệp điển hình cho khó khăn khi tỷ giá tăng. Đặc biệt, hàng điện tử với giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn và chiếm tỷ trọng cao trong GDP của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng do nguyên liệu chủ yếu phải nhập khẩu. Thực tế, năm 2022, giá trị nhập siêu của Việt Nam tăng lên đối với các thị trường chính như Trung Quốc (tăng 11,5%), Hàn Quốc tăng 11,5%, ASEAN (tăng 10,6%).

Bên cạnh đó, Fed tăng lãi suất sẽ làm giảm khả năng vay vốn, khả năng phục hồi của doanh nghiệp, tác động đến khả năng thu hút dòng vốn FDI.

Ngoài ra, dòng vốn quốc tế có xu hướng chảy về thị trường Mỹ. Các đồng tiền yếu hơn sẽ phải có mức tăng lớn hơn. Đầu năm 2022, trong khi lãi suất chính sách tại Việt Nam là 4%, thì lãi suất tại Mỹ là 0-0,25%, sau liên tiếp 8 đợt tăng lãi suất, lãi suất Mỹ đã tăng lên 4,5%-4,75% nên việc tăng lãi suất là tất yếu, để đảm bảo giảm rủi ro cho đồng VND và giảm áp lực lên tỷ giá.

Fed tang lai suat lan thu 8: Khong dang lo ngai voi kinh te Viet Nam hinh anh 2Sản xuất dệt may tại doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Trên thực tế, với việc Fed 8 lần tăng lãi suất trong gần 1 năm qua, dòng vốn cả trực tiếp, gián tiếp vào Việt Nam đã có có xu hướng giảm, thậm chí so với nền tảng thấp của năm 2021. Năm 2022, tổng vốn đăng ký đạt 27,72 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt

Phó giáo sư, tiến sỹ Đỗ Hoài Linh - Phó Trưởng bộ môn Ngân hàng Thương mại, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng việc Fed điều chỉnh tăng lãi suất lần này không có gì bất ngờ.

"Chúng ta đã hoàn toàn dự tính và tiên liệu được trước việc này. Theo quan điểm của tôi, việc biến động này sẽ không ảnh hưởng gì tới việc điều hành cũng như thực thi chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện tại," bà Đỗ Hoài Linh nói.

Trên thực tế tại thị trường trong nước, mặt bằng lãi suất có phần hạ nhiệt từ sau Tết Nguyên đán, giảm từ 0,1%-1%%/năm so với cuối năm trước. Dù vậy, vẫn có khá nhiều người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng đầu năm, giúp đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.

Số liệu công bố mới đây của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 11/2022 đạt hơn 13,8 triệu tỷ đồng, tăng 21% so với tháng trước. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng thêm gần 84.600 tỷ đồng so với tháng 10/2022 lên hơn 5,74 triệu tỷ đồng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 42.341 tỷ đồng lên 5,8 triệu tỷ đồng.

Điều này không khó lý giải khi tháng 11/2022 là thời điểm lãi suất các ngân hàng "đua" tăng mạnh, phổ biến ở mức từ 9-10%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Dự báo cho năm 2023, các chuyên gia phân tích tại một số công ty chứng khoán cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ có xu hướng giảm dần, nhất là từ nửa cuối năm.

Cũng theo bà Linh, việc điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay nên duy trì ở trạng thái thận trọng hoặc thắt chặt nhưng cũng cần cẩn trọng và linh hoạt để có thể chủ động trong bối cảnh bất định. Việc các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà thực thi chính sách giai đoạn vừa qua đã làm rất tốt cũng cần tiếp tục duy trì.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ chắn chắn, linh hoạt nhưng hiệu quả và kịp thời.

Đơn vị này cũng vừa nhìn nhận đánh giá những khó khăn, tác động ngay đầu năm nhưng cũng sẵn sàng đón nhận những tác động đột xuất từ nền kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại trong nước bất ngờ như năm 2022.

"Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là để làm sao có được một chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất cũng như lượng tiền cung ứng, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế,” ông Tú nói.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, khi lộ trình tăng lãi suất của Fed chậm lại, triển vọng về đồng USD cũng không còn quá hấp dẫn như trước, nên mức độ ảnh hưởng lên tỷ giá trong nước cũng sẽ giảm dần, áp lực tăng lãi suất để duy trì sức hấp dẫn của tiền cũng sẽ không còn quá lớn./.

Thúy Hà (Vietnam+)