Facebook phan ung voi du luat quan ly Internet cua chinh phu Canada hinh anh 1(Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhằm phản ứng trước dự luật C-18 của Canada buộc Facebook phải trả phí cho các phương tiện truyền thông khi dẫn các liên kết đến các bài báo của họ, ngày 21/10, tập đoàn công nghệ này thông báo đang xem xét khả năng sẽ chặn quyền truy cập của người dân Canada vào các trang web tin tức trên nền tảng của mình.

Bộ trưởng Di sản của Canada Pablo Rodriguez và Ian Scott, Chủ tịch Ủy ban Viễn thông, phát thanh-truyền hình Canada (CRTC) ngày 21/10 đã có phiên điều trần về dự luật về quản lý Tin tức trực tuyến (được gọi là C-18) trước Ủy ban Di sản của Hạ viện Canada.

Phát biểu trước Hạ viện, Bộ trưởng Rodriguez cho biết dự luật C-18 nhằm bảo vệ tương lai của báo chí và cho phép người dân Canada tiếp cận với những tin tức đáng tin cậy và có thẩm quyền.

Facebook sau đó đã đưa ra cảnh báo trên sau khi không được mời tham gia phiên điều trần để trình bày mối quan ngại của mình và đề xuất các điểm sửa đổi liên quan đến dự luật C-18.

Ông Marc Dinsdale, phụ trách quan hệ đối tác truyền thông của Facebook, cho biết văn kiện trên, nếu trở thành luật, sẽ tạo ra các điều khoản trách nhiệm tài chính chưa từng có trên toàn cầu đối với các liên kết hoặc nội dung tin tức.

[Bang Texas kiện Google thu thập trái phép thông tin người dùng]

Do đó, Facebook có thể buộc phải xem xét liệu có tiếp tục cho phép chia sẻ nội dung tin tức trên Facebook ở Canada như được định nghĩa theo C-18 hay không.

Dự luật C-18 yêu cầu các hãng công nghệ lớn như Google và Meta, công ty mẹ của Facebook, trả phí cho các hãng truyền thông Canada về nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ.

Văn kiện này sẽ tạo ra một khuôn khổ để các hãng tin có thể đàm phán chung các thỏa thuận với những tập đoàn công nghệ để chia sẻ doanh thu quảng cáo trực tuyến, khi các bên không thể đạt được thỏa thuận riêng.

Doanh thu quảng cáo trực tuyến lên đến 9,7 tỷ CAD (7,1 tỷ USD) vào năm 2020, trong đó Google và Meta kiếm được hơn 80% trong số đó.

Theo khảo sát do công ty nghiên cứu Nanos Research thực hiện, những nỗ lực của chính phủ Canada trong việc "chỉnh đốn" các hoạt động trên Internet đã nhận được sự ủng hộ của đa số người dân nước này./.

Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)