EuroCham tin tưởng vào nền kinh tế phát triển ổn định của Việt Nam

10:38 - 04/07/2024

Chủ tịch EuroCham cho biết Việt Nam có những điểm mạnh thu hút đầu tư nước ngoài như môi trường đầu tư ổn định, lực lượng lao động được đào tạo tốt, chính phủ đối thoại cởi mở với doanh nghiệp. 

Xưởng sản xuất tại một công ty có vốn FDI ở Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
 
Xưởng sản xuất tại một công ty có vốn FDI ở Đồng Nai. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tối 2/7, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ đã tổ chức tọa đàm với Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) để thảo luận về các cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng như kinh tế xanh, năng lượng tái tạo, môi trường và Chương trình Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu (EU), Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa Việt Nam và EU trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và bền vững, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.

Đại sứ khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác với EU và EuroCham trong các lĩnh vực này và bày tỏ tin tưởng sự hợp tác và chuyên môn của EuroCham về năng lượng tái tạo sẽ đóng góp quan trọng vào nỗ lực của Việt Nam trong việc giảm thiểu khí thải nhà kính và chống biến đổi khí hậu.

Tại tọa đàm, hai bên đã thảo luận về một số vấn đề môi trường quan trọng mà Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), bảo vệ đa dạng sinh học trong nông nghiệp và ứng phó với ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề IUU, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo kêu gọi sự hỗ trợ của EuroCham trong việc thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) tháo gỡ “thẻ vàng” IUU cho Việt Nam. Đại sứ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đa dạng sinh học trong nông nghiệp đối với an ninh lương thực và phát triển bền vững.

Liên quan đến JETP, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo đánh giá cao vai trò của EuroCham trong việc thúc đẩy chương trình này tại Việt Nam. JETP là một sáng kiến của EU nhằm hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch. Đại sứ bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với EuroCham để triển khai JETP tại Việt Nam một cách hiệu quả.

Về phần mình, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle cho biết cuộc tọa đàm này nhấn mạnh sự hợp tác đang diễn ra và trong tương lai giữa EuroCham và các đối tác Việt Nam, tập trung vào phát triển kinh tế bền vững.

Ông Dominik Meichle cho biết tại cuộc làm việc với các đơn vị chức năng của EC, EuroCham đều nhắc đến vấn đề “thẻ vàng” IUU và mong muốn phía EC mau chóng xem xét gỡ bỏ. Cuối tháng 9 hoặc tháng 10 năm nay, đoàn công tác của EC sẽ vào Việt Nam và hy vọng vấn đề thẻ vàng sẽ được giải quyết.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp EuroCham đều bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế Việt Nam.

Ông Meichle cho biết chỉ số niềm tin kinh doanh do EuroCham thường xuyên công bố cho thấy tâm lý tích cực. Ông cho biết: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp của chúng tôi.”

Ngoài ra, ông Meichle cũng nhấn mạnh những điểm mạnh của Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài như môi trường đầu tư ổn định, lực lượng lao động được đào tạo tốt, chính phủ đối thoại cởi mở với doanh nghiệp. Nhờ vậy, triển vọng của Việt Nam hiện nay và trong tương lai được đánh giá là rất tích cực.

Ông Meichle đưa ra một số đề xuất cho phía Việt Nam như kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý để người tiêu dùng có khả năng chi tiêu, tăng cường đầu tư của chính phủ vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng xanh, giao thông và cảng biển, giảm bớt thủ tục hành chính, thủ tục và số hóa quy trình.

 

Theo ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham phụ trách chính sách, nền kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển và ổn định. Ông Bouflet cho hay: “Tất cả chúng tôi tại EuroCham đều rất hào hứng với triển vọng ở Việt Nam.”

Ông Bouflet khẳng định cam kết của EuroCham trong việc duy trì và tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa châu Âu và Việt Nam. Ông cũng đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.

Ông cho rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển trong tương lai, bao gồm vị trí địa lý thuận lợi, lực lượng lao động chất lượng cao và giá cả cạnh tranh.

Liên quan đến vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại số, ông Bruno Sivanandan, phụ trách lĩnh vực điện tử của EuroCham, cho rằng Việt Nam và châu Âu đều cần cải thiện bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Ông Sivanandan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức từ phía doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực tư nhân, về việc đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn dữ liệu.

Việc tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân không chỉ là trách nhiệm mà còn là lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao nhận thức và đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn dữ liệu và tuân thủ các quy định quốc tế.

Cuộc tọa đàm giữa Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và EuroCham là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hai bên. Với sự ủng hộ và cam kết từ các doanh nghiệp châu Âu, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng trong tương lai./.

Nguồn: EuroCham tin tưởng vào nền kinh tế phát triển ổn định của Việt Nam | Vietnam+ (VietnamPlus)