EU thong qua ke hoach ban dau gia som tin chi carbon hinh anh 1Nhà máy nhiệt điện ở Gelsenkirchen, Đức, ngày 29/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/2, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch bán đấu giá sớm tín chỉ carbon (còn gọi là giấy phép phát thải carbon) nhằm tăng nguồn tiền mặt để giúp các nước này chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.

Với động thái này, kế hoạch có thể có hiệu lực tức thì. 

Thị trường carbon của EU buộc các nhà máy điện và nhà máy công nghiệp phải mua giấy phép phát thải khí CO2.

Theo tính toán, việc bán đấu giá tín chỉ carbon sẽ giúp huy động được 20 tỷ euro (21,3 tỷ USD) trợ cấp từ thị trường carbon của EU.

[Thêm áp lực thuế carbon cho doanh nghiệp xuất khẩu vào châu Âu]

Khoản tiền này sẽ được đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất năng lượng tái tạo, đổi mới công nghệ để tiết kiệm năng lượng và triển khai nhiều dự án giúp các ngành công nghiệp loại bỏ carbon.

Kế hoạch bán đấu giá sớm này đã được giới chức các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu thống nhất hồi cuối năm ngoái.

Những năm gần đây, giá của tín chỉ carbon tăng mạnh, giúp các nước tăng nguồn thu nhờ bán cho các công ty phát thải lượng lớn CO2. Ngày 21/2, giá giấy phép phát thải carbon của EU đã lần đầu tiên vượt 100 euro (106,57 USD)/ tấn, phản ánh sự gia tăng chi phí mà các nhà máy và nhà máy điện phải trả vì gây ô nhiễm. 

Cụ thể, chỉ số EU Allowance (EUA) trong hợp đồng mua bán tín chỉ thời điểm tăng lên 100,70 euro/tấn và được giao dịch ở mức 100,07 euro/tấn vào lúc 10h45 GMT (17h45' giờ Việt Nam).

EUA là đơn vị tiền tệ chính được sử dụng trong Hệ thống Mua bán khí thải (ETS) của EU, theo đó buộc các nhà sản xuất, công ty điện lực và hãng hàng không phải trả cho mỗi tấn CO2 mà các công ty này thải ra.

Đây là nỗ lực của EU nhằm đáp ứng các mục tiêu đến năm 2030 giảm 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính so với mức của năm 1990./.