EU siet chat quy dinh thi thuc voi nuoc tu choi nhan nguoi hoi huong hinh anh 1Người di cư được giải cứu ngoài khơi đảo Crete. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 26/1, các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được đồng thuận về việc cảnh báo các quốc gia ngoài liên minh từ chối tiếp nhận lại những người di cư bất hợp pháp hồi hương sẽ đối mặt với các hạn chế thị thực vào EU nghiêm ngặt hơn.

Thụy Điển - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, đã chủ trì cuộc họp diễn ra ở Stockholm này.

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Di cư Thụy Điển Maria Malmer Stenergard cho biết các bộ trưởng nhất trí rằng biện pháp vốn được triển khai từ năm 2020 này cần được phát huy để thúc đẩy việc hồi hương những người di cư không được cấp quy chế tị nạn.

Bà cho rằng nếu những nỗ lực ngoại giao và chính trị không đem lại kết quả mong muốn, các quốc gia thành viên EU có thể kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất về hạn chế thị thực.

Quan điểm cứng rắn này được nêu trong bức thư mà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen gửi đến lãnh đạo các quốc gia thành viên EU hôm 26/1 trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vào ngày 9-10/2, trong đó các nước sẽ thảo luận về vấn đề này.

Theo Chủ tịch Von der Leyen, trong nửa đầu năm nay, các nước thành viên EU có thể nhất trí triển khai chương trình thí điểm để đẩy nhanh các thủ tục sàng lọc và xin tị nạn cho những người di cư đủ điều kiện và hồi hương ngay lập tức những người không đáp ứng tiêu chuẩn.

 

[Số vụ vượt biên vào EU ở mức cao nhất trong vòng 6 năm qua]

Bà cũng mong muốn EU lập một danh sách "các quốc gia xuất xứ an toàn" và để EU tăng cường giám sát biên giới trên các tuyến đường qua Địa Trung Hải và Tây Balkan mà người di cư đi qua để đến châu Âu.

Bà nêu rõ EU có kế hoạch thực hiện thỏa thuận di cư với các nước như Bangladesh, Pakistan, Ai Cập, Maroc, Tunisia và Nigeria để thúc đẩy việc hồi hương và ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.

Trong khi đó, Ủy viên EU phụ trách các vấn đề nội vụ, bà Ylva Johansson cho biết nhiều quốc gia thành viên đã chịu áp lực rất lớn khi nhận được gần 1 triệu đơn xin tị nạn trong năm ngoái. Tình hình càng trở nên căng thẳng hơn khi EU đang đón gần 4 triệu người sơ tán khỏi Ukraine.

Theo thống kê của EC, số người hồi hương thực tế rất thấp. Năm 2021, trong số 340.500 người được yêu cầu hồi hương, chỉ có 21% số người tuân thủ.

Cho đến nay, EU chỉ áp dụng biện pháp hạn chế thị thực đối với Gambia, khiến công dân nước này xin thị thực Schengen gặp khó khăn và tốn kém hơn. Năm 2021, EC đã đề xuất mở rộng cơ chế này đối với Bangladesh và Iraq, nhưng vẫn chưa triển khai./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)