EU lac quan ve kha nang giai quyet tinh trang khan hiem khang sinh hinh anh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 26/1, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã quyết định không coi tình trạng khan hiếm kháng sinh tại châu lục này là "vấn đề lớn," do các biện pháp giải quyết hiện nay đang có tác dụng trong ngắn hạn.

Nếu coi tình trạng hiện nay là một "vấn đề lớn," EMA sẽ phối hợp hành động trên cấp độ toàn châu lục và tăng trách nhiệm báo cáo của các nhà sản xuất.

Quyết định của EMA hiện tập trung vào tình trạng thiếu hụt những loại kháng sinh phổ biến nhất định, bao gồm amoxicillin - vốn được dùng để điều trị tình trạng nhiễm khuẩn và thường được chỉ định để chữa viêm tai, viêm phổi và viêm phế quản ở trẻ em sau khi số ca nhiễm các bệnh này tăng nhanh vào tháng 11/2022.

EMA khẳng định đã nhận được phản hồi tích cực từ các nhà sản xuất amoxicillin, theo đó nguồn cung sẽ tăng lên trong những tuần và tháng tới và nhu cầu đối với những kháng sinh này sẽ giảm đi vào mùa Xuân.

Theo EMA, gần như toàn bộ các nước EU đều đang ghi nhận tình trạng thiếu hụt kháng sinh. Nhu cầu kháng sinh tăng lên có liên quan đến việc số ca nhiễm trùng đường hô hấp tăng nhanh sau 2 năm áp đặt các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 - vốn gây áp lực cho nguồn cung toàn cầu và khiến việc nhập khẩu trở nên khó khăn.

Các nhà sản xuất thuốc cũng giảm sản lượng khi nhu cầu sụt giảm vào giai đoạn cao điểm của đại dịch. Nhóm chỉ đạo công tác ứng phó với tình trạng thiếu hụt và an toàn của các loại dược phẩm (MSSG) thuộc EMA đã thảo luận về vấn đề này trong ngày 26/1.

 

[Australia đối mặt với tình trạng thiếu thuốc kháng sinh nghiêm trọng]

Trước đó một ngày, một liên minh các nhóm bệnh nhân và người tiêu dùng đã gửi thư đến EMA, cho rằng cơ quan này vẫn chưa hành động đủ mạnh để giải quyết tình trạng thiếu hụt và việc sử dụng kháng sinh thay thế đang khiến nguồn cung các loại thuốc khác khan hiếm.

Các nhóm này cũng đề nghị EMA tuyên bố tình trạng thiếu hụt hiện nay là "vấn đề lớn", cho rằng việc đưa ra tuyên bố này sẽ không ngay lập tức giải quyết được cuộc khủng hoảng, nhưng sẽ giúp nhà chức trách bao quát được quy mô tình trạng khan hiếm amoxicillin và các loại kháng sinh khác trên khắp châu lục.

Ngoài việc sử dụng các loại thuốc thay thế, các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cũng khuyến khích các nước thành viên cho phép sử dụng những loại thuốc chưa được cấp phép trong nước, cùng một số khuyến nghị khác./.

Đặng Ánh (TTXVN/Vietnam+)