Đường sắt tốc độ cao sẽ chỉ cần tối đa 6,6 giờ chạy hành trình Bắc-Nam

11:11 - 22/11/2024

Phương án tổ chức khai thác chạy tàu đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải tại từng thời điểm, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng.

Một đoàn tàu của tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Một đoàn tàu của tuyến đường sắt tốc độ cao tại châu Âu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngoài việc quy hoạch các vị trí ga đảm bảo cự ly phù hợp, thiết kế hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam được nghiên cứu, lựa chọn “ngắn nhất có thể”, tổ chức chạy tàu đan xen ở tất cả các ga, do đó đoàn tàu không bị hạn chế tốc độ khai thác làm ảnh hưởng đến thời gian tối ưu và bảo đảm thu hút nhu cầu vận tải.

Không bị hạn chế tốc độ khai thác

Theo tính toán của báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, trong điều kiện bình thường, tư vấn đề xuất tổ chức khai thác tàu chủ yếu vận chuyển hành khách gồm: tàu chỉ dừng ở 5 ga chính (Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm), thời gian hành trình Bắc-Nam khoảng 5,3 giờ. Tàu dừng đan xen ở 23 ga, thời gian hành trình Bắc-Nam khoảng 6,6 giờ.

Thời gian này đã bao gồm thời gian dừng tàu tại mỗi ga khoảng 2 phút tương tự như các nước đang khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới. Phương án tổ chức khai thác sẽ được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu vận tải tại từng thời điểm, đối tượng phục vụ, bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ quốc phòng an ninh.

Nguyên tắc bố trí ga là phải bảo đảm cự ly phù hợp nhằm khai thác có hiệu quả hạ tầng, phương tiện (bảo đảm khoảng cách tăng, giảm tốc). Theo tính toán cự ly đủ để đoàn toàn từ khi xuất phát đến khi đạt tốc độ khai thác tối đa 320km/h và giảm tốc độ đến khi dừng là khoảng 16,5km.

Vị trí nhà ga trong dự án đã được các địa phương thỏa thuận thống nhất và phù hợp với các quy hoạch tỉnh; có khả năng kết nối các ga với các trung tâm đô thị bằng hệ thống đường bộ, hệ thống giao thông công cộng thuận lợi.

vnp_khach di tau duong sat toc do cao.jpg
Hành khách đi tàu đường sắt tốc độ cao ở một nhà ga tại Trung Quốc. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Để nâng cao hiệu quả khai thác, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đề xuất cự ly giữa hai ga liền kề khoảng 50-70km, đồng thời tổ chức chạy tàu dừng đan xen ở tất cả các ga nên cự ly dừng tàu giữa hai ga thực tế khoảng 100-140km. Do đó, đoàn tàu không bị hạn chế tốc độ khai thác làm ảnh hưởng đến thời gian tối ưu và bảo đảm thu hút nhu cầu vận tải.

Trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo tư vấn tiếp tục khảo sát, điều tra, dự báo nhu cầu vận tải làm cơ sở tính toán, xác định quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đầu tư các ga bảo đảm phù hợp, hiệu quả, khả thi.

Bắt buộc cam kết chuyển giao công nghệ

Rút kinh nghiệm từ các dự án đường sắt đô thị đã triển khai, để đáp ứng tiến độ thực hiện dự án cơ bản hoàn thành năm 2035, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, bao gồm: tập trung triển khai các công việc liên quan, triển khai giải phóng mặt bằng từ năm 2026, triển khai xây dựng trước khu tái định cư phục vụ dự án.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đã bước đầu đề xuất một số nội dung và lộ trình tiếp nhận chuyển giao công nghệ của dự án đồng thời có những ràng buộc để kết nối các nhà thầu nước ngoài với các đơn vị trong nước thi công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.

 

Theo đó, các nhà thầu, tổng thầu phải cam kết chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam để đảm bảo mục tiêu định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2045 làm chủ về công nghiệp xây dựng; lắp ráp trong nước và từng bước nội địa hóa phương tiện đối với đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị; sản xuất trong nước và từng bước nội địa hóa linh kiện phần cứng, phần mềm về thông tin, tín hiệu và hệ thống cấp điện; làm chủ toàn bộ công tác vận hành, bảo trì, sửa chữa đối với đường sắt tốc độ cao.

vnp_duong sat toc do cao 1.jpg
Các nhà thầu, tổng thầu phải cam kết chuyển giao công nghệ cho đối tác Việt Nam để đảm bảo mục tiêu định hướng phát triển công nghiệp đường sắt. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Ngoài ra, công nghệ dự án sẽ chuyển giao thông qua liên doanh, liên kết, liên danh và ký hợp đồng cung ứng sản phẩm, dịch vụ giữa doanh nghiệp trong nước với nhà thầu quốc tế đối với dịch vụ tư vấn thiết kế, giám sát, thi công xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao; cung ứng lao động, vật tư, vật liệu xây dựng công trình đường sắt; chuyển giao thông qua thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để lắp ráp, bảo trì, sửa chữa đầu máy, toa xe, hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt tốc độ; chuyển giao thông qua đặt hàng gia công hoặc sản xuất một phần các phần cứng, phần mềm phục vụ công tác điều độ chạy tàu, hệ thống quản lý, điều hành nhà ga, hệ thống vé...

Trong dự thảo nghị quyết đã có chính sách quy định về ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cụ thể hóa trong các tiêu chí hồ sơ mời thầu./.