Tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ngày 15/6 cho hay đơn vị này đã làm việc với tỉnh Hải Dương để xây dựng phương án đưa ga Cao Xá vào khai thác hoạt động liên vận quốc tế bằng đường sắt để phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của địa phương.

Theo báo cáo của VNR, Hải Dương là một trong những tỉnh có hoạt động sản xuất, gia công hàng hóa xuất nhập khẩu hàng đầu trong cả nước (có gần 20 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp); nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao đối với các nguồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và xuất khẩu sản phẩm từ các doanh nghiệp FDI và các nhà máy trên địa bàn tỉnh sang thị trường Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… cũng rất lớn.

Nếu tổ chức được hoạt động liên vận quốc tế, hàng hóa tại Hải Dương có thể xuất khẩu đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á… bằng đường sắt thay vì phải vận chuyển hàng hóa đến các cảng biển để làm thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển, mà thực hiện các thủ tục khai báo xuất nhập khẩu hàng hóa ngay tại tỉnh. Mặt khác, thời gian vận chuyển từ Việt Nam sang thị trường Nga, châu Âu rút ngắn, chỉ bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.

Tuy nhiên, lãnh đạo VNR thừa nhận hiện hàng hóa tại tỉnh Hải Dương chưa xuất nhập khẩu trực tiếp bằng đường sắt. Các ga trên địa bàn tỉnh chưa có các bãi hàng đủ tiêu chuẩn khai thác container. Do đó, ga Cao Xá cần được xây dựng cải tạo theo phân khu chức năng riêng như bãi hàng chứa container trên 10.000m2 có tường bao quanh; khu vực làm hàng xuất nhập khẩu, giám sát hải quan...

[Gỡ 'rào cản' kho bãi để đường sắt liên vận quốc tế tăng trưởng nhanh]

VNR đang đề nghị tỉnh Hải Dương ưu tiên quỹ đất để nâng cấp, mở rộng ga Cao Xá đạt chuẩn ga liên vận quốc tế, mở điểm kiểm tra, giám sát, thông quan hàng hóa tại ga và nghiên cứu đưa ga này vào quy hoạch mạng lưới trung tâm logistics của địa phương.

 

Khi ga Cao Xá được phép khai thác hoạt động liên vận quốc tế, VNR đề xuất mở tuyến liên vận hành trình tuyến 1: từ ga Cao Xá-Yên Viên-Kép (Bắc Giang)-(Lạng Sơn)-Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc). Từ đây đi, hàng hóa được vận chuyển sâu nội địa Trung Quốc hoặc quá cảnh Trung Quốc sang các nước Trung Á, Nga, EU...

Tuyến 2: ga Cao Xá-Lào Cai-Sơn Yêu (Hà Khẩu bắc-Vân Nam), từ đây chuyển đổi phương tiện đi sâu nội địa Trung Quốc.

Đoàn tàu gồm 20-25 container, có thể sử dụng container thường và container lạnh tự phát điện.

Thời gian chạy tàu từ ga liên vận quốc tế Cao Xá đến ga biên giới Bằng Tường (Quảng Tây) là 1 ngày; đến ga Sơn Yêu (Vân Nam) là 1,5 ngày./.

Việt Hùng (Vietnam+)