Đường sắt lột xác hình hài, mạnh dạn đổi mới tư duy, phá lớp băng trì trệ

16:43 - 04/05/2024

Ngành Đường sắt đã và đang tự thay đổi, làm mới hình ảnh bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu hỏa để cung cấp dịch vụ chất lượng và an toàn nhất.

Nhiều hành khách đã chọn đường sắt làm phương tiện trải nghiệm du lịch trên dọc hành trình đất nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhiều hành khách đã chọn đường sắt làm phương tiện trải nghiệm du lịch trên dọc hành trình đất nước. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ngành Đường sắt đã và đang hướng đến phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đi và điểm đến mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Gia Khánh xung quanh vấn đề này.

Con tàu là điểm “check-in”, nhà ga thành bảo tàng sống

- Tại Hội nghị tổng kết ngành đường sắt vào đầu tháng Một, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá thời gian qua ngành Đường sắt đã có nhiều sự lột xác về hình hài, tìm được lối ra để phát triển. Vậy, ông có thể nói rõ hơn những nỗ lực, cố gắng của VNR?

Ông Hoàng Gia Khánh: Với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ hành khách trên tàu, dưới ga, cùng với việc đầu tư nâng cấp, cải tạo toa xe để cho ra mắt các đoàn tàu chất lượng cao, ngành Đường sắt cũng đặc biệt quan tâm đến việc cải tạo, nâng cấp các nhà ga để đưa vào phục vụ hành khách.

Từ đầu năm 2024 đến nay, VNR đã thực hiện việc nâng cấp, chỉnh trang và bố trí phòng đợi tàu VIP tại một số ga lớn để đưa vào phục vụ hành khách như: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn và trong thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện việc nâng cấp, chỉnh trang đối với nhiều ga khác trên toàn hệ thống.

Phong trào “Đường tàu-đường hoa” với mục tiêu “Mỗi cung đường, một loài hoa-mỗi khu ga, một điểm đến” được VNR phát động từ tháng 3/2023 và tiếp tục triển khai sâu rộng trong năm 2024 đã khai thác được giá trị văn hoá, lịch sử… của từng khu ga nói riêng, từng địa phương nói chung và có sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế.

- Tổng công ty cũng đã triển khai đưa nhiều đoàn tàu du lịch, đoàn tàu chất lượng cao vào khai thác đã thu hút được hành khách đi tàu ghi nhận, đánh giá cao. Phải chăng đây là hướng đi mới của VNR nhằm kéo thị phần hành khách quay trở lại, thưa ông?

Ông Hoàng Gia Khánh: Trong thời gian gần đây, VNR đã đưa vào khai thác đoàn tàu du lịch chất lượng cao SE19/20 (Huế-Đà Nẵng), SE21/22 (Sài Gòn-Đà Nẵng), chạy tàu đêm Đà Lạt-Trại Mát lập tức mang lại hiệu quả khi lượng khách đi tăng đột biến và vé bán cho hành trình này luôn kín chỗ, được hành khách và các tour du lịch đánh giá cao.

Đây không chỉ là một trong những giải pháp thu hút hành khách của ngành Đường sắt mà mong muốn đường sắt trở thành một dịch vụ kết nối, tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm du lịch, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội các vùng miền, địa phương.

 

Vì vậy, VNR đã và đang hướng đến phát triển các sản phẩm vận tải không chỉ là điểm đi và điểm đến mà là trải nghiệm đi tàu, trải nghiệm hành trình du lịch để quảng bá hình ảnh của đất nước, con tàu có thể thành điểm “check-in” di động; nhà ga là điểm đến của văn hoá, nghệ thuật, lịch sử và di sản.

tau dem Da Lat.jpg
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã mở tuyến tàu chạy đêm Đà Lạt-Trại Mát lập tức mang lại hiệu quả khi lượng khách đi tăng đột biến. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hạ tầng đường sắt hiện đang khai thác từ thời Pháp xây dựng nên còn nhiều hạn chế, tuy nhiên đây cũng là ưu thế khi cung đường này đi qua nhiều địa điểm du lịch của các địa phương với những phong cảnh dọc bãi biển, đường đèo kỳ vĩ… trên cả nước đã được giới thiệu trong cuốn "Amazing Train Journeys" của Lonely Planet - ấn phẩm tập hợp những chuyến đi bằng đường sắt vĩ đại nhất thế giới nên phải kết hợp khai thác trong điều kiện hiện có.

- Thiếu hụt động cơ máy bay nên giá vé hàng không cao, người dân chuyển hướng sang đi đường sắt đông, vậy đây có phải là cơ hội để kéo hành khách quay trở lại?

Ông Hoàng Gia Khánh: Với nhu cầu đi lại cao, trong bối cảnh hàng không đang thiếu hụt máy bay để chở khách thì đây cũng là cơ hội để hành khách trải nghiệm đường sắt. Tuy nhiên, theo suy nghĩ chủ quan, VNR phải tự thay đổi, làm mới hình ảnh bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu hỏa để cung cấp dịch vụ chất lượng và an toàn nhất.

- Theo ông ngành Đường sắt liệu có còn dư địa phát triển nữa hay không?

Ông Hoàng Gia Khánh: Đường sắt đang còn rất nhiều mục tiêu, dư địa có thể phát triển bằng nhiều hình thức khác nhau như cải tạo các khu ga là điểm đến, cải tạo nâng cao chất lượng đoàn tàu. Khi Nhà nước giao cho quản lý khai thác kết cấu tài sản, ngành Đường sắt sẽ chủ động hoạt động sản xuất kinh doanh tăng doanh thu thu nhập người lao động.

Đường sắt không còn hay than thở kêu nghèo, khó

- Những năm trước kia, ngành Đường sắt thường hay “than thở, kêu nghèo, khó” nhưng một vài năm gần đây đã mạnh dạn thay đổi tư duy, phá lớp băng trì trệ nhờ vào việc thẳng thắn nhận diện những khó khăn, nhược điểm. Vậy, cách làm của VNR là như thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Gia Khánh: Thực ra, khó khăn đối với ngành Đường sắt giai đoạn nào cũng có, vấn đề là có những cách đối diện và tiếp cận khác nhau chứ không phải vì kêu khó hay không mà khó khăn sẽ giảm bớt. Ở thời điểm hiện tại, khi đối diện với khó khăn, VNR đã tìm cách để tự vượt qua hoặc chủ động đề xuất với các cấp có thẩm quyền nhằm giải quyết.

Thay vì chờ đợi đầu tư mới, Tổng công ty lựa chọn làm thật tốt, khai thác thật hiệu quả những gì mình đang có, nỗ lực trong khả năng có thể để đổi mới, để sáng tạo cho ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, biến nhược điểm thành ưu điểm.

vnp_Hoang Gia Khanh.jpg
Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đơn cử, hạn chế lớn nhất của vận tải đường sắt là tốc độ chạy tàu, vì vậy, VNR đã và đang hướng đến việc cung cấp các đoàn tàu du lịch hạng sang chạy chậm để hướng tới phân khúc khách hàng có thời gian, thích khám phá, trải nghiệm và tổ chức chạy tàu theo nhu cầu của khách…

- Ông có sợ áp lực trong việc thay đổi tư duy với toàn bộ cán bộ, công nhân viên lao động ngành Đường sắt?

Ông Hoàng Gia Khánh: Chúng tôi phải đẩy sự đổi mới của ngành cộng với tư duy cán bộ công nhân viên để giải quyết vấn đề nội tại mà ngành cần làm, thích nghi với thực tiễn, chủ động nắm bắt để định hướng tương lai sắp tới.

 

Lãnh đạo VNR đều sát sao cùng cán bộ công nhân viên trong các chương trình đổi mới, nói là phải làm và cố gắng triển khai truyền tải thông điệp đến người lao động với mục tiêu đổi mới hình ảnh ngành Đường sắt để khách hàng quay lại với đường sắt, nhằm tăng doanh thu lợi nhuận cho ngành.

- Thu nhập người lao động là vấn đề sống còn với mỗi doanh nghiệp, VNR có giải pháp, chủ trương gì để tăng lương?

Ông Hoàng Gia Khánh: Thu nhập của người lao động là ưu tiên số 1 của VNR, nếu thu nhập đủ điều kiện đảm bảo cuộc sống mới gắn bó cống hiến và hy sinh cho ngành nên hết sức cố gắng tạo điều kiện tăng thêm thu nhập. Với đường sắt, thu nhập nói là thấp nhưng so với 1 số ngành nghề khác thì vẫn đang ở mức trung bình, tuy chưa được cao. Trong điều kiện khó khăn nhất, ngành vẫn phải đảm bảo lo đời sống cho hơn 22.000 người người lao động nên cần thiết quan tâm đời sống và tăng thêm thu nhập là tất yếu.

Vì vậy, giải pháp thay đổi hình ảnh về ngành đường sắt nhằm thu hút người dân đi tàu là nguồn đẩy mạnh doanh thu, tăng thu nhập cho người lao động trong ngành đường sắt.