Đường ra trận

10:19 - 31/12/2022

 

Lời ca dường như cất lên từ con tim nhiệt huyết của những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ. Nụ cười tỏa sáng trên khuôn mặt với đôi mắt lấp lánh, những chàng trai rời mái trường với sách bút, với trang giấy trắng học trò, với bao hoài bão ước mơ.... Các anh ra trận mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, sẵn sàng đương đầu với bao khó khăn gian khổ đang ch

 Đường ra trận mùa này đẹp lắm!

Nhiều người trong số ấy đã vĩnh viễn không trở về. Tổ Quốc ghi tên các anh, nhân dân đời đời biết ơn các anh, những con người đã dâng hiến tuổi thanh xuân để giành độc lập, tự do cho đất nước.

Bức ảnh thật là đẹp! Chia ly nhưng không bi lụy. Đoàn tàu tiến về phía trước mang theo quyết tâm sắt đá của những chàng trai trẻ, niềm tin tất thắng trong ý chí và đôi mắt các anh. Bao trùm tất cả là lòng yêu nước nồng nàn.

d1e1a-1672412565.jpg
Ảnh do tác giả cung cấp: 

Ảnh 1: Từ phải qua trái: anh Hòa, anh Cường, anh Trung, anh Quang, anh Bình. Ảnh2: anh Trung, anh Bình, anh Hòa và mẹ anh. Ảnh 3: Hàng đứng anh Trung, anh Bình. Hàng dưới anh Cường ngồi giữa. Bên cạnh là 2 CCB tên Hồng và Nguyên. Ảnh 4: Ảnh Trung và anh Bình

 

Tôi viết về những anh bộ đội trẻ măng, với nụ cười rạng rỡ trên môi làm cho khuôn mặt bừng sáng, các anh đi vào nơi chiến trường mưa bom bão đạn với ý chí quyết thắng. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của nhà thơ Quang Dũng ngày trước. Các anh nối tiếp cha, ông lên đường chiến đấu giữ gìn non sông, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng vậy.

Chuyến tàu hôm đó chở toàn tân binh. Khoang đầu tiên của tấm ảnh có năm chàng trai. Các anh đều là học sinh trường Việt Đức, trai Hà Nội. Vì ra đi gấp quá, chưa học xong lớp 10, nhà trường đặc cách cho các anh tốt nghiệp. Năm đó 1973. Ngày 7 tháng 9.

Tính từ bên phải: số 1 là anh Hòa, số 2 là anh Nguyễn Cường , số 3 là anh Nguyen Trung , số 4 là anh Quang , số 5 là anh Nguyễn Thái Bình . Các anh nhà ở mấy phố Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu và Phan Bội Châu, thuộc Khu phố Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.

Đợt đi ấy, các anh lên tàu ở Ga Ghềnh, Ninh Bình. Vào đến Quảng Trị thì các anh nhập vào Quân Đoàn 2. Đất nước thống nhất 1975, người thì ở lại trong quân ngũ đi chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam, Campuchia rồi lại ngược ra biên giới phía Bắc, người thì về học lại lớp 10, tốt nghiệp cấp 3, ôn thi đỗ đại học... Mỗi người một số phận nhưng các anh vẫn thân thiết và đi lại chơi với nhau.

Cả năm anh bộ đội đều được trở về nhà trong vòng tay của gia đình. Có điều sức khỏe yếu, bệnh tật nên hai anh đã mất, là anh Hòa ở vị trí số 1 và anh Quang số 4. Bây giờ chỉ còn lại ba chàng trai đã lên chức ông nội, ông ngoại. Thỉnh thoảng các ông vẫn gặp gỡ nhau. Tình bạn trong quân ngũ đã được thử thách nên gắn bó keo sơn lắm.

Rất tình cờ bạn của các anh đã phát hiện tấm ảnh năm chàng trai trong khoang tàu là bạn học cùng lớp, tấm ảnh được lưu giữ trong bảo tàng. Phóng viên đã chụp được bức ảnh đoàn tàu chở bộ đội ra trận trong đó có các anh.

Bức ảnh tôi đăng chụp một bà mẹ đi tiễn con trai mình cùng các bạn con chính là ba chàng trai đứng ở khoang tàu đó. Hiện nay, một anh (con của bà mẹ ) đã mất vì ốm yếu, bệnh tật.

Anh Bình kể: các bạn anh trong đơn vị một số người phục viên sức khỏe kém, ốm yếu lắm, một số anh đã mất rồi.

Kể thêm về Anh Nguyễn Thái Bình:

Anh là người thứ 5 trong tấm ảnh. Nhà anh ở cuối phố Phan Bội Châu. Anh đi bộ đội hai lần. Lần đầu tiên đi được hơn một tháng thì bị đơn vị trả về. Lý do là chưa đủ tuổi. Anh cùng đơn vị với chú Khánh, con bà Thình(nhà trong ngõ Vạn Kiếp, hàng xóm nhà tôi). Chú Khánh sau này là thương binh về mở cái tủ kính con con bán bánh mỳ ăn sáng, phụ đỡ vợ nuôi con.

Lần thứ hai anh Bình đi bộ đội là ở tấm ảnh đứng trong khoang tàu. Anh Bình đi học muộn một năm. Anh học cùng chị Bích, cháu ngoại cụ Ba Nghĩa xóm tôi, nhà ở ngõ ngoài thuộc ngõ Vạn Kiếp. Khi đi bộ đội anh đang học lớp 9. Sau này phục viên anh đi học tiếp lớp 10, đỗ để lấy bằng cấp 3 rồi xin được vào làm ở Công ty đồng hồ cho đến khi nghỉ hưu.

Anh Bình ở Trung đoàn Thông tin thuộc Quân đoàn 2, đã cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc lập năm 1975. Anh Bình hiện là Chủ tịch Hội CCB đơn vị.

Cảm xúc trước tấm ảnh lưu truyền trên mạng, tôi đã có một bài viết nho nhỏ về các anh bộ đội thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Anh Bình đã liên hệ với tôi, sau đó là anh Cường, anh Trung. Trò chuyện trên fb, chúng tôi nhận ra là hàng xóm rất gần nhà nhau. Fb đã kết nối chúng tôi. Các anh hẹn một ngày gặp mặt cô em gái vậy mà chúng tôi vẫn chưa có dịp.

Anh Nguyễn Thái Bình, anh Nguyễn Cường và anh Nguyễn Trung rất cảm động khi đọc bài tôi viết về các anh, những chiến sỹ giải phóng quân năm xưa. Các anh khi ra đi còn quá trẻ, còn đang ngồi ghế nhà trường đã vội buông cây bút để cầm lấy cây súng. Anh Cường bảo: *Tư tưởng là thống soái mà! Đã đi là phải xác định!* Lập trường tư tưởng vững như vậy nên các anh mặt mũi tươi rói, nụ cười rạng rỡ trên chuyến tàu vào chiến trường nơi mưa bom bão đạn.

Các anh khiêm tốn không kể về những chiến công, về những cuộc chiến đấu vô cùng khốc liệt mà mình đã trải qua. Các anh chỉ kể về tình bạn đẹp ngày trước, khi còn học sinh; kể về những trò nghịch dại, về những trận đá bóng của trai phố bên sân Nhà hát Nhân dân những buổi chiều hè trời còn chưa tắt nắng. Hay các anh lại kể về cuộc sống bình dị với những đứa cháu nội, cháu ngoại đáng yêu. Tôi biết, chiến tranh đã qua nhưng ký ức về nó chẳng dễ gì mà quên đi được. Ký ức ấy nó hiển hiện ở những khi trái gió trở giời, toàn thân đau nhức vì vết thương; cơ thể ốm yếu bệnh tật do ăn uống kham khổ; những đợt hành quân vất vả nhịn đói nhịn khát; những cuộc đọ súng nảy lửa mong manh giữa sự sống và cái chết... Các anh không muốn nhắc đến thời binh đao khói lửa để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống đời thường mà các thế hệ thanh niên Việt Nam đã đổ máu mới giành được.

Chúng tôi luôn biết ơn, trân trọng sự cống hiến và hy sinh của các anh cho đất nước. Tổ Quốc ghi tên các anh, những người chiến sỹ đã trở về và những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh! Mỗi một tấc đất đều đỏ thắm máu của bao thế hệ cha ông đã đổ để gìn giữ!

Trái tim người lính

https://vanhoavaphattrien.vn/duong-ra-tran-a17132.html