Được "bơm" kinh phí hỗ trợ, các hãng hàng không vẫn không dễ mở đường bay đến Cà Mau
14:13 - 13/10/2023
Điều kiện để các hãng hàng không được hỗ trợ thông qua tiền vé máy bay là hãng hàng không thực hiện khai thác đường bay phải giảm tải; tổng số chuyến bay đi, đến Cảng hàng không Cà Mau tối thiểu 6 chuyến/tuần; thời gian khai thác tối thiểu là 1 năm.
Ngay sau khi HĐND tỉnh Cà Mau thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến Cà Mau, có hiệu lực từ ngày 1/11/2023, trao đổi với Tạp chí GTVT, đại diện một hãng hàng không đang khai thác đường bay đến địa phương này cho biết, việc Cà Mau triển khai chính sách hỗ trợ hãng hàng không là rất tốt, nhất là trong bối cảnh việc khai thác đường bay đến Cà Mau gặp khó khăn, thậm chí là càng khai thác càng lỗ. Tuy nhiên, hãng cũng cần xem xét lại các điều kiện để nhận được hỗ trợ, đồng thời chờ văn bản chính thức của tỉnh.
Trong khi đó, đại diện một hãng khác cũng cho biết đang chờ văn bản chính thức của Cà Mau, sau đó mới có phản hồi.
Trước đó, tại kỳ họp chuyên đề HĐND tỉnh Cà Mau chiều 10/10, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, việc hỗ trợ các hãng hàng không khai thác chuyến bay tại Cà Mau không phải là chuyện "chơi sang" mà việc khơi thông các huyết mạch giao thông, trong đó có đường hàng không chính là vấn đề mấu chốt để vực dậy sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Tiến Hải, cái lợi là để Cà Mau thu hút được khách du lịch, các nhà đầu tư tiềm năng, tiết kiệm chi phí công tác cho đội ngũ cán bộ, mở ra cơ hội hợp tác, làm ăn, đi lại của nhân dân...
"Nếu so sánh giữa ngân sách chi và những lợi ích mang về thì nghị quyết này là rất cần, rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay", Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau nói.
Được biết, theo Nghị quyết của HĐND tỉnh Cà Mau về chính sách hỗ trợ các hãng hàng không khai thác đường bay đến Cà Mau, có hiệu lực từ ngày 1/11/2023, điều kiện để các hãng hàng không nhận được hỗ trợ là hãng hàng không thực hiện khai thác đường bay phải giảm tải; tổng số chuyến bay đi, đến Cảng hàng không Cà Mau tối thiểu 6 chuyến/tuần; thời gian khai thác tối thiểu là 1 năm.
Mức hỗ trợ được quy định như sau: Hỗ trợ chi phí duy trì khai thác đường bay bằng tiền vé của 10% tổng số lượng ghế hành khách của mỗi loại tàu bay, theo từng chuyến bay thực tế. Giá vé để tính mức hỗ trợ là 3.000.000 đồng/ghế đối với đường bay khoảng cách trên 1.000km; giá vé để tính mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/ghế đối với đường bay khoảng cách từ 500km đến 1.000km; giá vé để tính mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/ghế đối với đường bay khoảng cách dưới 500km.
Cũng theo nghị quyết của HĐND tỉnh Cà Mau, mỗi năm, tỉnh chi không quá 7 tỷ đồng cho việc hỗ trợ các hãng hàng không. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện các loại máy bay nhỏ khai thác chuyến bay đến tỉnh Cà Mau chủ yếu của hãng VASCO và E190 của hãng Bamboo Airways. Song, máy bay E190 khai thác sân bay Cà Mau phải giảm tải, lỗ chi phí do chỉ số kỹ thuật sân bay chưa đáp ứng.
Cà Mau đã làm việc với Bộ GTVT để báo cáo Chính phủ khẩn trương thực hiện thủ tục nâng cấp sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn 4C để khai thác các dòng máy bay cỡ lớn A320, A321.
Trước kiến nghị này, Bộ GTVT cho biết, hiện tại sân bay Cà Mau đạt tiêu chuẩn 3C khai thác các dòng máy bay cỡ nhỏ như ATR-72 và tương đương. Theo quy hoạch thì giai đoạn đến năm 2020 vẫn giữ nguyên cấp sân bay 3C và hạ tầng hiện hữu của sân bay Cà Mau; giai đoạn đến năm 2030 mới nâng thành cảng hàng không nội địa cấp 4C.
Hiện nay, việc sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn cảng hàng không Cà Mau, đã được Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) triển khai. Cảng hàng không Cà Mau đã có thể tiếp nhận một số loại máy bay Embraer khai thác các đường bay tầm trung, giúp kết nối Cà Mau với các trung tâm lớn của cả nước.
Máy bay cỡ trung Embraer có sức chứa 98 hành khách, tương đương dòng máy bay hai cánh quạt ATR-72 với sức chứa tối đa 90 hành khách. Embraer 195 là dòng máy bay mà hãng Bamboo Airways đã đưa vào khai thác tuyến Cà Mau – Hà Nội và ngược lại, từ ngày 29/4/2023. Đây cũng là dòng phi cơ phản lực đã được sử dụng cho các đường bay tại Rạch Giá, Cần Thơ, Côn Đảo,…
Việc dòng máy bay Embraer được đưa vào khai thác tuyến Cà Mau – Hà Nội và ngược lại với tần suất tuần 3 chuyến (thứ Ba, Năm và Bảy), theo Bộ GTVT, đã giúp rút ngắn khoảng cách về thời gian cho hành khách giữa hai đầu đất nước và tăng số lượng hành khách, du khách đi từ Cà Mau đến nhiều địa phương trong cả nước và ngược lại.
Bộ GTVT cho biết ủng hộ chủ trương tỉnh Cà Mau huy động nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư sân bay Cà Mau. Cụ thể, sau khi quy hoạch sân bay Cà Mau được điều chỉnh, nếu ACV không bố trí được nguồn vốn đầu tư, Bộ ủng hộ chủ trương tỉnh Cà Mau huy động vốn xã hội hóa đầu tư sân bay Cà Mau.
Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp Cảng hàng không Cà Mau là ACV có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng sân bay Cà Mau theo quy hoạch được duyệt. Nếu ACV không có khả năng tự đầu tư sẽ tổ chức kêu gọi đầu tư theo hình thức phù hợp, tuân thủ quy định pháp luật.
Cảng hàng không Cà Mau có từ thời Pháp, quy mô cấp 3C, đường cất hạ cánh dài 1.500 m, rộng 30 m, đáp ứng khai thác loại tàu bay như ATR-72 (khoảng 90 hành khách), E190 và tương đương trở xuống. Nhiều năm qua, cảng chỉ khai thác duy nhất một đường bay Cà Mau - TP HCM và ngược lại với tần suất 5 chuyến mỗi tuần, công suất 35.000 - 40.000 khách/năm. Tuy nhiên trên thực tế, công suất hiện nay của Cảng hàng không Cà Mau có thể đáp ứng khả năng khai thác lên đến 200.000 khách/năm.
Từ ngày 29/4, đường bay thẳng Cà Mau – Hà Nội (hãng Bamboo Airways sử dụng dòng máy bay Embraer) được đưa vào khai thác với tần suất 3 chuyến mỗi tuần. Các chuyến bay luôn đông khách, nhưng do đường cất hạ cánh sân bay hạn chế, các tàu bay phải giảm về tải và tần suất.