Đừng để xảy ra tai nạn mới thay đổi

18:17 - 14/05/2022

Dù nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra nhưng hiện tượng phương tiện giao thông đi ngược chiều trên các tuyến đường nội đô và quốc lộ vẫn phổ biến tại khắp các tỉnh, thành. Tình trạng này bao giờ mới thay đổi?
 

Dù nhiều vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra nhưng hiện tượng phương tiện giao thông đi ngược chiều trên các tuyến đường nội đô và quốc lộ vẫn phổ biến tại khắp các tỉnh, thành. Tình trạng này bao giờ mới thay đổi?
Va chạm giao thông giữa xe công nông đi ngược chiều và xe buýt.

Va chạm giao thông giữa xe công nông đi ngược chiều và xe buýt.

Luật giao thông quy định, người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ. Việc chấp hành quy định này vừa thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn cố tình vi phạm. Tại nhiều điểm trường học, không khó bắt gặp nhiều phụ huynh chạy xe ngược chiều để đưa đón con em. Trên các tuyến đường nội đô, nhiều người điều khiển xe máy đi ngược chiều, khi nhìn thấy cảnh sát giao thông lại quay đầu xe, còn khi không có lực lượng làm nhiệm vụ thì tiếp tục vi phạm.

Người đi ngược chiều thường nêu nhiều lý do để ngụy biện cho hành vi vi phạm của mình, mong lực lượng cảnh sát giao thông bỏ qua, như rút ngắn khoảng cách, tiết kiệm thời gian thay vì phải chạy xe một đoạn dài. Có thể khẳng định, đi ngược chiều đa phần do ý thức của người tham gia giao thông trên đường.

Hành vi thiếu ý thức này không chỉ thể hiện sự coi thường pháp luật của người điều khiển phương tiện khi tham giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông rất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của chính người điều khiển phương tiện đi ngược chiều, cũng như đối với các phương tiện tham gia giao thông khác.

Nhiều tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra gần đây bởi lỗi đi ngược chiều. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong quý 1/2022 (tính từ ngày 15/12/2021 đến 14/3/2022), toàn quốc xảy ra 2.762 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.676 người, bị thương 1.741 người. Điều tra sơ bộ cho thấy, một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn trên là do lỗi đi không đúng làn đường, phần đường.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã có quy định rõ ràng mức phạt đối với hành vi điều khiển xe đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng; nếu gây tai nạn giao thông, mức phạt tăng đến 12 triệu đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; phạt tiền từ 1-2 triệu đồng, mức phạt tăng đến 5 triệu đồng nếu gây ra tai nạn. Đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng; nếu gây ra tai nạn giao thông, mức phạt lên đến 8 triệu đồng. Kèm theo các chế tài nêu trên, hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong khoảng thời gian luật định. Cuối cùng, đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác, mức phạt từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

Dù pháp luật đã quy định nhưng hiện tượng đi xe ngược chiều vẫn diễn ra phổ biến. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn thấp; việc vắng bóng lực lượng chức năng và không ai bị xử phạt khi điều khiển phương tiện ngược chiều trên các tuyến đường khiến họ càng lặp lại hành vi này. Bên cạnh đó, biện pháp xử lý của lực lượng chức năng chưa quyết liệt, nhất là những tuyến đường thường xuyên có phương tiện vi phạm các quy định về an toàn giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc xử lý nghiêm hơn về hành vi người điều khiển phương tiện chạy ngược chiều nhằm nâng cao tính răn đe và nâng cao ý thức, chuyển đổi hành vi của người dân. Thói quen xấu này không chỉ ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông nói chung, tiềm ẩn nguy cơ gây ra ùn tắc, tai nạn mà còn ảnh hưởng đến ý thức tham gia giao thông của những thế hệ trẻ. Việc tự giác chấp hành luật giao thông không thể chỉ mang tính chất đối phó mà phải hiểu rõ được hậu quả đối với sự an toàn của bản thân và mọi người khi tham gia giao thông.

Diệu Bảo

 

https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dung-de-xay-ra-tai-nan-moi-thay-doi-d181930.html