Duc: Ty le lam phat tang lien tuc do gia hang hoa nhap khau tang cao hinh anh 1Các container hàng hóa tại cảng biển Hamburg của Đức. (Nguồn: bulk-distributor.com)

Theo Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), từ sau khi căng thẳng Nga-Ukraine nổ ra, giá hàng hóa nhập khẩu vào Đức đã tăng mạnh, khiến tỷ lệ lạm phát liên tục ở mức rất cao.

Số liệu từ Destatis cho thấy trong tháng 5/2022, giá hàng hóa nhập khẩu vào Đức tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2021. Trước đó, trong tháng Ba và tháng 4/2022, giá nhập khẩu tăng lần lượt là 31,2% và 31,7%.

Chi phí nhập khẩu tăng mạnh khiến giá cả tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Trong tháng 5/2022, tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng lên mức kỷ lục 7,9%, trong khi tháng 6/2022, tỷ lệ này dù có giảm đôi chút (7,6%) nhưng vẫn rất cao.

Theo Destatis, tỷ lệ lạm phát tháng 6/2022 giảm chủ yếu là do chính sách giảm giá nhiên liệu và cung cấp vé phương tiện công cộng 9 euro/tháng của Chính phủ Đức. Nhưng chính sách này sẽ hết hiệu lực từ đầu tháng Chín tới. Do đó không loại trừ lạm phát tiếp tục tăng.

Destatis cho biết yếu tố chính thúc đẩy giá nhập khẩu chung tăng mạnh vẫn là năng lượng.

[Đức: Tâm lý của người tiêu dùng chạm mức thấp nhất từ trước đến nay]

Trong tháng 5/2022, giá năng lượng nhập khẩu tăng bình quân 143,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó giá khí đốt tự nhiên tăng 235,6% (cao gấp 3 lần so với tháng 5/2021), than tăng 332,6%, các sản phẩm dầu mỏ tăng 104,6% và dầu thô tăng 80,2%.

Nếu không tính năng lượng, giá nhập khẩu tháng 5/2022 tăng 16,6% so cùng kỳ năm 2021 và cao hơn 0,6% so với tháng 4/2022.

Giá hàng hóa trung gian cũng tăng cao hơn so với năm trước, đặc biệt là phân bón và hợp chất nitơ, kim loại và nhựa.

Theo Destatis, hàng hóa trung gian nhập khẩu trong tháng 5/2022 tăng 24,5% so với cùng kỳ năm 2021, trong khi đó giá phân bón và hợp chất nitơ nhập khẩu tăng 172,6%.

Các loại hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, dược phẩm và nhiều loại hàng hóa nhập khẩu khác đều gia tăng với những mức độ khác nhau.

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Quỹ Hans Böckler công bố hôm 29/6, một bộ phận không nhỏ người dân Đức đang phải hạn chế mua sắm, chi tiêu do giá cả tăng cao.

Theo tính toán của các nhà khảo sát, tính chung trong tất cả các nhóm thu nhập, 39% những người được khảo sát có ý định mua ít thực phẩm và hàng tiêu dùng hơn.

Trong khi đó, hơn 2/3 số người được khảo sát cho biết họ sẽ giảm tiêu thụ điện và nhiên liệu; hơn 60% sẽ tiết kiệm tiền sưởi ấm và nước nóng trong ngôi nhà của họ./.

Vũ Tùng (TTXVN/Vietnam+)