Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm
12:44 - 01/11/2022
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Việt Phương cho rằng, nên bổ sung một khoản vào Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: “Bôi nhọ, nói xấu nhằm hạ uy tín, danh dự trong hành nghề”.
Sau gần 11 năm triển khai thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, quá trình thực thi, Luật còn nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Vì vậy, trong dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này sẽ có những thay đổi tích cực, tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp, chú trọng xử lý những vấn đề thực tiễn đặt ra cũng như khắc phục được những vướng mắc, bất cập chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.
Bổ sung một khoản về các hành vi bị nghiêm cấm
Được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, khó khăn trong ngành Y tế hiện tại, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa qua đã nhận được nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các đại biểu tại Hậu Giang.

Mệt mỏi là một trong những triệu chứng thường gặp nhất ở giai đoạn hồi phục sau mắc COVID-19. Ảnh baochinhphu.vn
Tại hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang chủ trì mới đây, tham gia góp ý, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Đồng Việt Phương cho rằng, nên bổ sung 1 khoản vào Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm, đó là: “Bôi nhọ, nói xấu nhằm hạ uy tín, danh dự trong hành nghề”.
Theo ông Phương, hiện nay, việc cạnh tranh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dễ dẫn đến việc đề cao uy tín, thương hiệu của cơ sở mình mà nói xấu, hạ thấp uy tín, chất lượng của cơ sở khác, nên cần bổ sung thêm hành vi này là phù hợp.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Hương Trà - Phó ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cũng đề nghị nên phân chia các hành vi bị nghiêm cấm thành 3 nhóm: Nhóm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người hành nghề; Nhóm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người bệnh; Nhóm các hành vi bị nghiêm cấm đối với người liên quan.
Bà Trà cho biết, nếu quy định chung như Dự thảo thì sẽ gây khó trong quá trình tổ chức thực hiện.
Mức xử phạt đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác
Liên quan tới việc bôi nhọ, xúc phạm danh dự, uy tín người khác, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Trưởng Văn phòng luật sư Kết nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 thì danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án nhân dân bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Việc xử phạt các cá nhân có hành vi vi nhằm hạ bệ uy tín, danh dự uy tín người khác, pháp luật quy định chế tài xử phạt như sau:
Điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự an toàn xã hội đã có quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
Tại Khoản d Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định về những việc sử dụng dịch vụ Internet, có những hành vi bị cấm: đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính bưu chính viễn thông công nghệ thông tin đã có quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Tùy theo mức độ, tính chất và cách thức thực hiện hành vi, cá nhân thực hiện hành vi có thể thể bị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt theo một trong hai hình thức nêu trên.
Theo Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, nếu xác định vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cá nhân có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).
Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 cũng đã quy định: Người nào có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Các thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 592 gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; và các thiệt hại khác do luật quy định.
Đồng thời, người gây thiệt hại còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm; Nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.