Du lịch Việt Nam đang phục hồi tích cực sau 6 tháng đầu năm 2024

16:28 - 03/07/2024

Tổng thu từ ngành công nghiệp không khói có tín hiệu phục hồi tích cực với 436.500 tỷ đồng. Đặc biệt, các thị trường nguồn của Việt Nam sau thời gian dài “đóng băng” đã bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam được đánh giá đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam được đánh giá đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Không chỉ thu hút lượng khách quốc tế hơn 8,8 triệu lượt (tăng tới gần 60% so với cùng kỳ), tổng thu từ du lịch Việt cũng đang có tín hiệu phục hồi tích cực với 436.500 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với cùng kỳ). Đặc biệt, các thị trường nguồn của Việt Nam sau thời gian dài “đóng băng” đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng.

Tăng trưởng sôi động trở lại

Kết quả du lịch 6 tháng đầu năm được lãnh đạo Cục Du lịch Quốc gia đánh giá phục hồi mạnh mẽ, đặc biệt là thị trường khách quốc tế. Sau 6 tháng đầu năm, ngành du lịch Việt đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế (tăng gần 60% so với cùng kỳ 2023 và tăng hơn 4% so với năm 2019), phục vụ hơn 66,5 triệu lượt khách nội địa.

Đáng chú ý, mặc dù đang trong mùa thấp điểm của du lịch quốc tế, nhưng lượng khách đến trong tháng 6 vẫn đạt 1,2 triệu lượt (tăng hơn 5% so với cùng kỳ 2019). Đại diện Cục Du lịch đánh giá đây là một tín hiệu tích cực cho thị trường du lịch quốc tế.

Chiếm tới hơn 47% thị phần, Hàn Quốc và Trung Quốc thay phiên nhau là hai thị trường gửi khách lớn nhất đến Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc liên tục dẫn đầu với hơn 2,2 triệu lượt khách ghé thăm, chiếm gần 26% và Trung Quốc chiếm hơn 21% thị phần. Các thị trường gửi khách tiếp theo là Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia.

Theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia, các thị trường lớn ở khu vực Đông Bắc Á đã tạo nên động lực chính cho sự phục hồi của ngành công nghiệp không khói nước nhà với ghi nhận lượng khách Trung Quốc tăng gần 230%, Đài Loan tăng 96%, Hàn Quốc tăng 42%, Nhật Bản tăng 39% so với cùng kỳ 2023.

vnp_tet lang viet 18.jpg
Du khách quốc tế thích thú xem rối nước ở Đường Lâm, Hà Nội. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các thị trường ở khu vực Đông Nam Á cũng đang dần phục hồi với lượng khách Indonesia năm nay tăng 116%, Philippines tăng 57%, Lào tăng gần 20%, Campuchia tăng 17%, Malaysia tăng 9%, Singapore tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ấn Độ được đánh giá là thị trường tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, Thái Lan lại giảm gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khách từ châu Âu (là những thị trường được hưởng chính sách miễn thị thực đơn phương nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tạm trú lên đến 45 ngày, áp dụng từ 15/8/2023) cũng tăng trưởng khá sôi động: Nga tăng 75%, Italy tăng 67%, Tây Ban Nha tăng 43%, Pháp tăng 37%, Đan Mạch tăng 33%, Đức tăng 32%, Anh tăng 29%.

5 địa phương cán mốc doanh thu cao nhất

Sau thời gian “ì ạch,” tổng thu du lịch Việt đã dần có tín hiệu tích cực. Hai quý đầu năm doanh thu từ ngành công nghiệp không khói ước đạt 436.500 tỷ đồng (tăng 1,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái).

Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu doanh thu cả nước 6 tháng đầu năm với 92,6 nghìn tỷ đồng (tăng gần 15% so với cùng kỳ 2023). Số khách quốc tế đến thành phố ước đạt 2,7 triệu lượt (tăng 38% so với cùng kỳ 2023); khách nội địa đạt hơn 17 triệu lượt (tăng 4,4% so với cùng kỳ 2023).

Thành quả này có được nhờ Sở Du lịch thành phố đã tích cực tổ chức, tham gia nhiều chương trình kích cầu, ra mắt 17 sản phẩm du lịch đường thủy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá du lịch.

TP Hồ Chí Minh.jpg
Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu doanh thu du lịch cả nước 6 tháng qua với 92,6 nghìn tỷ đồng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thống kê cho thấy ngành du lịch Thủ đô đã bứt phá mạnh mẽ giữa cao điểm nắng nóng của mùa Hè năm nay, để đạt tổng thu du lịch 6 tháng đầu năm gần 55,4 nghìn tỷ đồng (tăng gần 23% so với cùng kỳ 2023); khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt (tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái); khách nội địa ước đạt hơn 10 triệu lượt.

Đón lượng khách quốc tế đông gần bằng Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm với gần 2,4 triệu lượt (gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái), khách nội địa ước đạt 2,8 triệu lượt (tăng 40% so với cùng kỳ) đã mang về cho tỉnh Khánh Hòa doanh thu hơn 26 nghìn tỷ đồng (tăng 97% so với cùng kỳ 2023).

Xếp vị trí thứ tư là tỉnh Quảng Ninh với doanh thu đạt hơn 22,2 nghìn tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kỳ 2023); tổng lượng khách đạt hơn 10,4 triệu lượt (tăng 18% so với cùng kỳ 2023), trong đó khách quốc tế đạt gần 2 triệu lượt.

Xếp vị trí thứ 5 trong top các địa phương có tổng doanh thu du lịch nhiều nhất cả nước 6 tháng qua là Thanh Hóa với hơn 19,8 nghìn tỷ đồng; tổng số khách ước đạt gần 10 triệu lượt (tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó khách quốc tế ước đạt hơn 261 nghìn lượt (tăng hơn 21% so với cùng kỳ). Địa phương này thời gian gần đây là “ngôi sao mới nổi” trong bảng “xếp hạng” điểm đến nội địa.

indochine (2).jpg
Du khách quốc tế trải nghiệm tập Tachi trên vịnh Hạ Long buổi sáng. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Các chuyên gia nhận định, nhiều địa phương trên cả nước đạt được kết quả tăng trưởng lạc quan trong 6 tháng đầu năm một phần nhờ chính sách thị thực thông thoáng đã thu hút khách quốc tế đến cùng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch sôi động, liên tục của toàn ngành cũng như Chính phủ. Đây là tín hiệu phục hồi tích cực, cơ hội cho du lịch Việt đạt được dấu mốc như trước đại dịch trong năm nay và mục tiêu 25-28 triệu lượt khách quốc tế trong 2025./.

Nguồn: Du lịch Việt Nam đang phục hồi tích cực sau 6 tháng đầu năm 2024 | Vietnam+ (VietnamPlus)