Năm 2022 đánh dấu kết quả phục hồi ấn tượng của du lịch Nam Bộ đối với dòng khách nội địa, kỳ vọng tạo bước phát triển mạnh mẽ, đồng bộ hơn cho cả dòng du khách nội địa và quốc tế trong thời gian tới.
Nắm bắt các cơ hội, nỗ lực đổi mới, đa dạng sản phẩm và tăng cường quảng bá là những giải pháp được các địa phương trọng điểm về du lịch tiếp tục phát huy trong năm 2023.
Lượng du khách nội địa tăng mạnh
Năm 2022, nhiều địa phương trọng điểm về du lịch của cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long đều ghi nhận lượng du khách đông đảo cùng mức doanh thu tăng cao.
Thông tin từ Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, nỗ lực trong đổi mới, hoàn thiện, khai thác điểm đến, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế, năm 2022, du lịch Thành phố mang tên Bác đạt kết quả ấn tượng với trên 31,2 triệu lượt du khách nội địa, tăng trên 234 % so với năm 2021; khách quốc tế đạt trên 3,4 triệu lượt, tăng 100% so cùng kỳ năm 2021.
Cùng ở Đông Nam Bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu với ưu thế về du lịch biển, đảo, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa đã thu hút trên 12,6 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Công suất phòng của các cơ sở lưu trú, nhất là các cơ sở lưu trú có vị trí gần biển luôn đạt hơn 95%.
Trong khi đó, thông tin từ Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, 13 tỉnh, thành phố đón trên 44 triệu lượt du khách trong năm 2022. Doanh thu từ du lịch của các địa phương trong vùng đạt gần 34.000 tỷ đồng, tăng gần 217% so cùng kỳ 2021.
[Du lịch Nam Bộ phục hồi ấn tượng, tự tin với bước phát triển mới]
Tại Đồng Tháp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thông tin, tiếp tục phát huy thế mạnh du lịch sinh thái, nông nghiệp, du lịch văn hóa, làng nghề gắn với tạo dựng hình ảnh du lịch vùng đất Sen Hồng. Năm 2022, Đồng Tháp đón trên 3,4 triệu lượt khách, tổng thu ngành Du lịch là 1.500 tỷ đồng, đạt 150% kế hoạch đề ra.
Lãnh đạo Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, với nhiều điểm đến mang tính cạnh tranh cao như các thành phố Phú Quốc, Hà Tiên, năm 2022 tổng lượt khách du lịch đến Kiên Giang đạt tới 7,5 triệu lượt, tăng 142% so với năm 2021. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 10.585 tỷ đồng, tăng gần 231% so với năm 2021.
Tạo bước phát triển toàn diện
Dù đã đạt lượng du khách ấn tượng trong năm 2022, song thực tế lượng du khách quốc tế đến từng địa phương cũng như cả nước vẫn còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, nhiều du khách vẫn mong muốn từng địa phương có nhiều hơn các sản phẩm du lịch nổi bật, tạo dấu ấn riêng, hấp dẫn hơn. Có giải pháp thúc đẩy phát triển đa dạng các phân khúc du khách nhằm đạt mức tăng trưởng đồng đều hơn ở cả hai dòng khách nội địa và quốc tế là điều mà du lịch các địa phương Nam Bộ đang hướng tới trong năm mới.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa, nhận thức liên kết vùng, liên kết quốc tế với các nước đã và đang góp phần quan trọng trong phục hồi du lịch Thành phố sau dịch COVID-19.
Năm 2023, du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thắt chặt mối quan hệ hữu nghị, gắn bó giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố, địa phương trong, ngoài nước; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Thành phố và các địa phương thông qua việc hình thành thị trường khách du lịch lớn với hàng chục triệu dân.
Thành phố cùng các địa phương tiếp tục hình thành nhiều sản phẩm du lịch liên tuyến đặc sắc góp phần gia tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của du lịch từng địa phương cũng như Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời, thành phố đẩy mạnh quảng bá thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, đa dạng hóa công cụ quảng bá, ưu tiên các công cụ tác động nhanh; tăng cường sử dụng các hoạt động marketing điện tử, marketing qua phương tiện truyền thông; thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp và báo chí các nước đến khảo sát sản phẩm du lịch; tổ chức các hội thảo, tham gia hội chợ quốc tế trực tiếp và trực tuyến...
Ngành Du lịch thành phố đẩy mạnh tham gia các hoạt động quảng bá xúc tiến tại các thị trường nước ngoài trên cơ sở nghiên cứu thị trường để xác định các thị trường trọng tâm, trọng điểm và đầu tư, nâng tầm các sự kiện xúc tiến quảng bá đủ sức tạo điểm nhấn để phát triển thị trường mới.
Tỉnh Kiên Giang tiếp tục triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành Du lịch, tạo bước đột phá phát triển toàn diện cho du lịch của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2023 đón 8,3 triệu lượt khách (tăng 48,2% so kế hoạch năm 2022), trong đó khách quốc tế 400.000 lượt, tăng 100% so kế hoạch năm 2022.
Để đạt mục tiêu trên, ngành Du lịch Kiên Giang tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin; phát triển sản phẩm du lịch và hình thành, phát triển các tour du lịch mới kết nối Kiên Giang với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế. Cùng với vùng du lịch trọng điểm là thành phố Phú Quốc, tỉnh tập trung nâng tỷ lệ khách đến các vùng du lịch trọng điểm như thành phố Hà Tiên - huyện Kiên Lương và phụ cận, thành phố Rạch Giá-huyện Kiên Hải-huyện Hòn Đất và phụ cận, huyện U Minh Thượng và phụ cận.
Với du lịch Đồng Tháp, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Huỳnh Minh Tuấn, địa phương xác định thế mạnh du lịch của tỉnh, đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.
Tỉnh sẽ từng bước phát triển, chuẩn hóa các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số các điểm du lịch nông thôn trên địa bàn, tạo nét đặc sắc thu hút thêm nhiều du khách trong nước và quốc tế đến, trải nghiệm tại vùng đất Sen Hồng trong thời gian tới./.