Du co phieu Deutsche Bank giam, Pho Wall van tang diem trong ca tuan hinh anh 1Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường chứng khoán vẫn khép lại tuần qua với mức tăng, sau khi trải qua các phiên giao dịch đầy biến động.

Nỗi lo sợ rằng khủng hoảng ngành ngân hàng có thể lây lan sang Deutsche Bank - ngân hàng Đức niêm yết cổ phiếu ở Mỹ - không ngăn cản đà phục hồi của Phố Wall, vốn đã được khởi động từ đầu tuần này.

Sau khi liên tiếp chứng kiến những “cú sốc” của ngành ngân hàng từ sự sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank của Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ quay đầu tăng điểm trong phiên giao dịch đầu tuần này (ngày 20/3) với hy vọng những bất ổn trong ngành ngân hàng có thể dịu bớt.

[Ngắn hạn, thị trường chưa thể đi lên do thanh khoản tiếp tục cạn kiệt]

Ngân hàng lớn nhất Thụy Sỹ UBS đồng ý mua lại đối thủ đang gặp khó khăn là Credit Suisse với giá khoảng 3,2 tỷ USD nhằm ngăn chặn bất ổn kinh tế.

Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác cũng đã công bố cơ chế phối hợp đặc biệt để cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản.

 

Diễn biến tích cực này tiếp tục được duy trì trong tất cả các phiên giao dịch còn lại của tuần này, ngay cả trước và sau cuộc họp chính sách của Fed.

Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đầu phiên 22/3 hầu hết đều trầm lắng khi nhà đầu tư thận trọng trước kết quả cuộc họp chính sách của Fed.

Sau khi cuộc họp kết thúc, chứng khoán Phố Wall đã đồng loạt tăng khi giới giao dịch đón nhận quyết định về lãi suất của Fed và thông báo đi kèm.

Trong thông báo, các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết họ vẫn có thể đưa ra một số biện pháp thắt chặt bổ sung. Nhưng FOMC cũng phát đi những gợi ý rằng Fed có khả năng tạm dừng các đợt tăng lãi suất trong tương lai do những bất ổn gần đây trong lĩnh vực tài chính.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những lo ngại rằng cuộc chiến chống lạm phát quyết liệt của Fed có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái.

Tình hình bất ổn gần đây trong lĩnh vực ngân hàng sau sự sụp đổ của ngân hàng SVB và Signature Bank đã làm trầm trọng thêm những lo ngại đó.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 24/3, Phố Wall vẫn kiên cường đi lên, bất chấp làn sóng bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 132,28 điểm (tương đương 0,41%) lên 32.237,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,56%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,3%. Cả ba chỉ số chính đều ghi nhận đà tăng điểm trong tuần qua, với Dow Jones tăng 0,4%, trong khi S&P 500 và Nasdaq lần lượt tăng 1,4% và 1,6%.

Một nhân tố khác thúc đẩy thị trường chính là sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu ngân hàng khu vực. Lĩnh vực này đã phục hồi trong ngày 24/3 với chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng mạnh 3,01%.

Làn sóng bán tháo cổ phiếu ngân hàng Đức niêm yết tại Mỹ, Deutsche Bank, vào sáng ngày thứ Sáu đã đè nặng lên tâm l‎ý thị trường và các chỉ số chính trước khi ngân hàng này phục hồi phần nào những gì đã mất trước đó.

Khép phiên, Deutsche Bank giảm 3.11% sau khi lao dốc tới 7% vào đầu phiên và sự đảo chiều này cũng giúp các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ xóa sạch đà tăng đầu phiên.

Nhà đầu tư bắt đầu bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank sau khi hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà cho vay này tăng vọt mà không có bất kỳ lý do rõ ràng nào. Động thái này đã làm gia tăng mối lo ngại về sức khỏe của hệ thống ngân hàng châu Âu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã lên tiếng trấn an nhà đầu tư khi cho biết các ngân hàng Eurozone vẫn vững chắc vì sở hữu vốn và thanh khoản mạnh. Bà cũng cho biết ECB có thể cung cấp thanh khoản cho hệ thống tài chính nếu cần thiết./.

Minh Trang (TTXVN/Vietnam+)