Theo nhận định của ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, những tháng cuối năm 2023, thị trường hàng không nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng và quốc tế sẽ phục hồi với tốc độ sẽ nhanh hơn so với đầu năm nay.

Trong 6 tháng đầu năm nay, báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, tổng thị trường hành khách ước đạt 34,7 triệu khách, tăng 49,6% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 14,7 triệu khách, tăng gần 5 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 73,5% so cùng kỳ 2019; khách nội địa đạt 20 triệu khách, giảm 3,4% so với cùng kỳ 2022 nhưng tăng 8,1% so cùng kỳ 2019.

Các hãng Hàng không Việt Nam hiện đang khai thác 66 đường bay kết nối Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng với 19 cảng hàng không địa phương khác với trên 650 chuyến bay mỗi ngày.

Đối với thị trường vận chuyển hàng không quốc tế, hiện tại, có 52 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác thị trường quốc tế với 143 đường bay kết nối 29 quốc gia vùng lãnh thổ là ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á và châu Phi tới Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt.

Một số thị trường có sự tăng trưởng cao so với trước dịch như Thái Lan, Indonesia, Australia (tăng 10-30% so với năm 2019), thị trường Nhật Bản đã đạt xấp xỉ cùng kỳ 2019, một số thị trường khác như Đông Nam Á, Trung Đông, châu Âu đang đang có sự hồi phục nhanh và đặc biệt là thị trường Ấn Độ (thị trường mới) có sự phát triển rất nhanh.

[Chủ tịch Vietnam Airlines: Giá vé máy bay rẻ nhất trong 6 năm gần đây]

Tuy nhiên, theo ông Thắng, một số thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hong Kong, Macau, Hàn Quốc có tốc độ hồi phục chậm hơn so với tổng thể.

Đưa ra triển vọng thị trường hàng không sáu tháng cuối năm, ông Thắng nhận định thị trường hàng không nội địa vẫn tiếp tục tăng trưởng dự kiến tăng 7-10%, thị trường hàng không quốc tế vẫn tiếp tục phục hồi với tốc độ sẽ nhanh hơn so với đầu năm nay. Dự kiến thị trường vận tải hàng không năm 2023 sẽ đạt xấp xỉ 76,3 triệu khách.

“Mặc dù vậy, thị trường hàng không vẫn tiềm ẩn một số yếu tố liên quan đến sự tăng trưởng của thị trường nội địa cũng như sự phục hồi của thị trường quốc tế. Cụ thể, xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách nội địa, sự cạnh tranh của các loại hình đường bộ với hàng loạt các tuyến cao tốc đưa vào khai thác, xung đột Nga-Ukraine tiếp tục leo thang, sự mất giá của đồng Yen (Nhật Bản), chính sách khuyến khích khách du lịch nội địa của Trung Quốc… khiến dòng khách của các quốc gia có thị trường lớn này đến Việt Nam giảm,” người đứng đầu Cục Hàng không nói.

Về phương hướng khôi phục thị trường hàng không sáu tháng cuối năm, ông Thắng cho biết Cục Hàng không sẽ tiếp tục chủ động nghiên cứu, theo dõi sát nhu cầu tình hình của thị trường, phối hợp với các hãng hàng không, đơn vị chuyên ngành để có giải pháp kịp thời, phù hợp với khả năng phục vụ của điều kiện kết cấu hạ tầng hàng không, bổ sung các đường bay đến có nhu cầu cao đến điểm du lịch, có giải pháp hỗ trợ tăng cường các hãng hàng không, tiếp tục làm việc với các nhà chức trách nước ngoài để tạo điều kiện cho khai thác bay quốc tế… góp phần phục hồi thị phần bay nội địa và quốc tế./.

Việt Hùng (Vietnam+)