Kết thúc năm 2022, toàn thị trường ôtô Việt Nam ghi nhận tiêu thụ 490.495 xe các loại (số liệu tổng hợp từ VAMA, TC Motor), tăng gần 20% so với con số 410.390 xe của năm 2021. Điều này cho thấy thị trường đã phục hồi mạnh mẽ sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong năm Quý Mão 2023, các chuyên gia dự báo thị trường ôtô Việt Nam tiếp tục phát triển, các loại “xe xanh” như xe điện, xe hybrid sẽ ngày càng nở rộ; phân khúc xe gầm cao tiếp tục dẫn đầu xu hướng mua sắm của người tiêu dùng.
Xe gầm cao “hút” người tiêu dùng
Thống kê của Tạp chí giao thông (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy năm 2022, thị trường Việt Nam đón nhận 72 mẫu xe mới ra mắt, trong số đó xe gầm cao chiếm tới 37 mẫu, bao gồm cả SUV lẫn crossover. Danh sách xe mới kể trên có sự góp mặt của tất cả các phân khúc từ sedan cỡ B, hatchback, thể thao, bán tải, siêu sang…
Khép lại năm 2022, theo thống kê số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), số lượng bán ra thị trường của xe gầm cao đạt 120.447 chiếc, chiếm 42% doanh số của xe du lịch nói chung và dẫn đầu các phân khúc; cao hơn 32% so với sedan (90.984 chiếc).
Ngoài ra, phân khúc này cũng đóng góp đến 3 cái tên trong nhóm 10 xe ôtô bán chạy nhất toàn thị trường Việt năm 2022, bao gồm Toyota Corolla Cross (21.473 xe), Mazda CX-5 (12.700 xe) và KIA Seltos (12.398 xe).
Xu hướng ưa chuộng xe gầm cao cũng ảnh hưởng đến chiến lược của các hãng xe, khi phần lớn “tân binh”của thị trường ôtô Việt đều là những cái tên thuộc phân khúc xe gầm cao.
Cụ thể, hãng xe Hyundai với mẫu Creta vừa ra mắt đầu năm đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống mà Hyundai Kona để lại trong nhóm SUV cỡ nhỏ đô thị; KIA trình làng mẫu crossover Sportage; Ford mang về Việt Nam Territory thế hệ mới sau nhiều năm tạm dừng cuộc chơi tại phân khúc gầm cao cỡ vừa. Đáng chú ý, KIA đã trình làng KIA Carens với định nghĩa “Mẫu xe SUV thế hệ mới” mặc dù xe nằm trong phân khúc MPV, điều đó cho thấy thương hiệu xe Hàn Quốc đã quyết định từ bỏ ngôn ngữ thiết kế quen thuộc để thay bằng kiểu dáng SUV nhằm “chiều chuộng” thị hiếu của số đông.
Ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết xe gầm cao đang trở thành xu hướng không chỉ trong nước mà cả trên thế giới nhờ tính đa dụng, thuận lợi di chuyển trên mọi địa hình. Sức tiêu thụ trung bình của xe gầm cao tăng trưởng khoảng 10%/năm. Nhu cầu tăng nên nhiều hãng xe lớn, kể cả những hãng xe sang như Rolls Royce, Mercedes..., chuyển hướng tập trung cho dòng xe này.
[Lựa chọn 'xế hộp': Ôtô gầm cao đô thị ngày càng được ưa chuộng]
Chính vì vậy, năm 2023 cũng được dự đoán sẽ là thời điểm cạnh tranh khốc liệt của hàng loạt các mẫu gầm cao mới cũng như đón nhận những phiên bản nâng cấp của các mẫu xe cũ. Ở góc độ người dùng, những mẫu xe gầm cao mang những lợi thế khi vận hành tại Việt Nam - vốn là nơi có điều kiện đường sá phức tạp cùng nhiều loại hình phương tiện giao thông.
“Xe xanh” ngày càng được quan tâm
Sau một thời gian rục rịch, năm 2022 được xem là thời điểm những chiếc “xe xanh” dần quen thuộc với người tiêu dùng ôtô Việt. Nhiều hãng xe cũng trình làng hàng loạt mẫu xe điện, xe hybrid đến người tiêu dùng bên cạnh những chiếc xe động cơ đốt trong.
Chưa vội ra mắt ôtô thuần điện, Toyota giới thiệu nhiều mẫu xe hybrid như Corolla Cross 1.8HEV, Camry 2.5HV hay Corolla Altis 1.8HEV; Suzuki mang về Ertiga Hybrid thay thế mẫu Ertiga chạy xăng; Nissan gây chú ý khi trình làng Kicks e-Power với động cơ điện được cấp nguồn từ động cơ xăng; mẫu xe thuần điện Hyundai Ioniq5 cũng xác nhận sẽ lắp ráp tại các nhà máy ở Việt Nam trong quý 3/2023…
Với VinFast, hãng xe Việt quyết định ngừng sản xuất toàn bộ các mẫu xe xăng của mình để tập trung toàn lực cho mảng ôtô điện. Hãng cũng đã đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận khi là hãng xe Việt Nam đầu tiên tiến hành xuất khẩu lô hàng gồm 999 ôtô điện VF8 sang thị trường Mỹ.
Không chỉ những thương hiệu bình dân, những cái tên như Volvo, Lexus, Mercedes hay Audi cũng đã lên kế hoạch cho những mẫu xe xanh tại Việt Nam. Khi xuất hiện tại Vietnam Motor Show 2022, các mẫu xe như Audi e-Tron GT, Lexus LF-Z, Volvo XC90 Recharge hay Mercedes EQS… đã thu hút được một lượng không nhỏ sự quan tâm từ khách tham quan.
Nhận định về xu thế xe điện trong năm 2023, quản trị viên của diễn đàn Otofun, ông Phạm Thành Lê cho rằng xe điện sẽ tiếp tục gây được nhiều sự chú ý của người tiêu dùng trong năm nay, tuy nhiên việc phát triển xe điện tại Việt Nam sẽ còn cần phải cải thiện một số vấn đề nếu muốn phổ biến hơn.
“Tôi cho rằng nếu như các hãng xe và các đối tác cung cấp trạm sạc cung cấp đầy đủ trên các tỉnh thành thì nhu cầu sử dụng xe điện sẽ tăng dần vào các năm sau cũng như các hãng xe khác sẽ đưa xe điện về Việt Nam nhiều hơn,” ông Lê nói.
Năm 2023 này, các hãng xe sẽ tiếp tục tung ra hàng loạt mẫu xe điện mới, trong đó VinFast với VF6, VF7 và VF9 sắp được mở bán tại thị trường trong nước; KIA mang về mẫu SUV điện EV6; Hyundai nhiều khả năng sẽ bán và lắp ráp mẫu xe điện chiến lược Kona EV tại Việt Nam; Mitsubishi với mẫu XFC concept được giới thiệu trong VMS 2022 vừa qua sẽ cập bến trong cuối năm…
Cạnh tranh khốc liệt giữa xe nhập khẩu và lắp ráp trong nước
Tổng cục Hải quan vừa ghi nhận thêm một kỷ lục mới về lượng ôtô nhập khẩu (CKD) trong năm 2022 với 173.467 chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 3,84 tỷ USD, tăng 8,5% về lượng và tăng 5,1% kim ngạch so với năm 2021. Như vậy, 2022 là năm có lượng ôtô nhập khẩu nhiều nhất từ trước đến nay, vượt xa con số 160.000 xe của năm 2021, trong số đó Indonesia và Thái Lan là 2 thị trường nhập khẩu lớn nhất.
[Ngành sản xuất ôtô trên toàn thế giới sẽ vẫn còn nhiều khó khăn]
Đáng chú ý, nhiều mẫu xe CKD đặc biệt từ thị trường Indonesia như Toyota Veloz Cross, Mitsubishi Xpander, Hyundai Creta... cùng với một số mẫu được nhập khẩu từ Thái Lan như Toyota Corolla Cross, Ford Everest... là những mẫu xe có doanh số bán chạy và được nhiều người ưa chuộng.
Thêm vào đó, chính phủ vừa ban hành Nghị định 126/2022/NĐ-CP quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) giai đoạn 2022 - 2027. Theo đó, ôtô nguyên chiếc được nhập khẩu từ các nước thành viên nội khối ASEAN đạt tỉ lệ nội địa hóa trên 40% sẽ tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu thêm 5 năm, đến năm 2027.
Với quyết định này, ôtô CKD từ các nước thuộc ASEAN tiếp tục được hưởng lợi thế về thuế suất thuế nhập khẩu khi vào Việt Nam, từ đó tạo điều kiện cho các hãng xe tiếp tục đưa về nhiều mẫu xe nhập khẩu để tăng tính cạnh tranh với xe lắp ráp trong nước (CBU).
Tuy nhiên, Thông tư 11/2022/TT-BKHCN do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ôtô mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/10/2022, qua đó bãi bỏ toàn bộ 3 văn bản quy phạm pháp luật về tỷ lệ nội địa hóa theo cụm chi tiết đối với ôtô.
Thông tư 11 chính thức có hiệu lực được giới chuyên gia đánh giá là “cởi trói” cho các doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước, tạo áp lực lớn đối với phía ôtô CKD khối ASEAN.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ tỷ lệ nội địa cũng giúp các hãng xe đẩy mạnh việc lắp ráp ôtô trong như việc một số hãng đã chuẩn bị kế hoạch lắp ráp tại Việt Nam nhiều dòng xe được ưa chuộng như Toyota Veloz Cross, Hyundai Creta, Hyundai Stargazer, các mẫu BMW...
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, cuộc đua giữa xe CKD và xe CBU ngay trên chính thị trường Việt sẽ rất hấp dẫn và ôtô xuất xứ từ Việt Nam cũng sẽ có những dấu ấn mới trong việc tận dụng các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp lắp ráp cũng có những chuyến “xuất ngoại” mới trong khu vực./.