Du an Vanh dai 4-Vung Thu do: Da ban giao tren 90% mat bang thi cong hinh anh 1Sơ đồ Dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Dự án và các địa phương liên quan đã phối hợp chặt chẽ trong giải phóng mặt bằngthu hồi đất phục vụ Dự án Đầu tư Xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô.

Tính đến cuối tháng 9/2023, Ban Quản lý Dự án đã nhận mặt bằng được 643,43/706,71ha, đạt 91,04%.

Ban Quản lý Dự án đề nghị các quận, huyện khẩn trương bàn giao toàn bộ mặt bằng đã hoàn thành bồi thường ngoài thực địa để làm cơ sở bàn giao cho các nhà thầu xây dựng kế hoạch và tổ chức thi công.

Hiện nay, các khu tái định cư cũng đang được khẩn trương triển khai xây dựng, 7/13 khu tái định cư đã được khởi công.

Dự án thành phần 2.1-Xây dựng đường song hành (đường đô thị) thuộc Dự án Đầu tư Xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài qua địa bàn Hà Nội khoảng 58,2km, đi qua địa phận 7 quận, huyện gồm: Hà Đông, Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai và Thường Tín.

Trên toàn tuyến tổ chức 14 mũi thi công, bao gồm 11 mũi thi công đường và 3 mũi thi công cầu.

Hiện, dự án đã thi công cọc khoan nhồi và đúc dầm các cầu: Cà Lồ, sông Nhuệ, sông Tô Lịch; đang làm thủ tục cấp phép triển khai thi công 14 cầu vượt sông, kênh mương và cầu vượt đường sắt Hà Nội-Lào Cai.

Đơn vị thi công phấn đấu cuối năm 2025 hoàn thành dự án và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Ngoài ra, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án thành phần 3 - Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo hình thức đối tác công tư (PPP) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng Thẩm định Nhà nước ra thông báo thẩm định, làm cơ sở để Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt trong quý 4/2023.

Hiện, các cơ quan có thẩm quyền tại Dự án Đầu tư Xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội đã tích cực lên phương án, tính toán nhằm bảo đảm nguồn cung vật liệu.

Theo tính toán, với dự án thành phần 2.1 và dự án thành phần 3 (do thành phố Hà Nội thực hiện), tổng nhu cầu vật liệu đắp nền khoảng 7,4 triệu mét khối, trong đó đất đắp khoảng 1,87 triệu mét khối; cát đắp khoảng 5,53 triệu mét khối./.