Dự án “ma” hoành hành các tỉnh Đông Nam Bộ
18:28 - 22/09/2023
Hàng chục công ty bất động sản không cần vốn, không cần đất, thuê trụ sở, đăng ký kinh doanh, lập dự án “ma” trên đất người khác, đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, dùng pháp nhân công ty thuê đội ngũ môi giới và chi huê hồng cao, quảng cáo rầm rộ, rồi lừa khách chiếm đoạt hàng trăm tỉ.
“Lùa gà úp sọt”
Đầu tháng 9/2023, Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Huỳnh Hữu Tường (32 tuổi), ngụ tại phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan đến Công ty Lộc Phúc tại Thành phố Hồ Chí Minh lập dự án “ma” trên đất nông nghiệp ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, để mở sàn giao dịch bất động sản, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản khách hàng.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng ra quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với 22 người là Tổng giám đốc, nhân viên và những người liên quan đến Công ty CP đầu tư xây dựng kinh doanh Lộc Phúc để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng bị khởi tố, bắt tạm giam là Nguyễn Văn An (27 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc) cùng các nhân viên, quản lý cấp dưới của Công ty Lộc Phúc và các đối tượng liên quan khác.
Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với công an một số địa phương đã bắt quả tang hàng chục nhân viên của Công ty Lộc Phúc đang tổ chức môi giới cho hàng chục khách hàng đến xem dự án “ma” tại xã An Viễn. Cơ quan công an tiến hành khám xét và thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật, 3,5 ngàn USD; 24,3 lượng vàng, 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi, 5 xe ô tô loại 52 chỗ.
Cơ quan công an xác định Tường là đối tượng làm chủ Công ty Lộc Phúc và thuê An làm tổng giám đốc. Theo điều tra, từ khoảng tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu triển khai các dự án “ma” tại một số địa phương và bắt đầu quảng bá rầm rộ. Từ đó đến nay, công ty này đã lừa bán các dự án “ma” cho khoảng 60 người, thu số tiền hơn 70 tỷ đồng.
Tháng 8/2023, Công an tỉnh Bình Dương cũng khởi tố vụ án, bắt tạm giam Tôn Lâm Sỹ (30 tuổi, quê Đồng Nai), là chủ tịch kiêm giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ đầu tư xây dựng địa ốc Á Châu Real Estate (tại P An Bình, TP Dĩ An), để điều tra về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Theo điều tra, Sỹ không đứng tên sở hữu lô đất tại ấp 6, xã Tân Thành, TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, và đây chỉ là khu đất trống, đứng tên cá nhân khác, không phải do pháp nhân của công ty Á Châu Real Estate sở hữu. Tuy nhiên Sỹ vẫn tự vẽ thành dự án và đặt tên là "Á Châu Center 3".
Sau đó, Sỹ phân lô trên giấy, tự vẽ bản đồ tách thửa, tạo thành rổ hàng phân phối lô nền với giá “mềm”, chỉ từ vài trăm triệu / lô, rồi bán cho 37 khách hàng, chiếm đoạt số tiền 14,4 tỉ đồng. Sau hơn 3 năm bán dự án trên giấy, thu tiền khách hàng trên 70% giá trị hợp đồng, nhưng chỉ ký dưới dạng hợp đồng nguyên tắc và không đủ pháp lý để chuyển nhượng, nên khách hàng của Sỹ đã tố cáo lên cơ quan chức năng.
"Treo đầu dê" bán "thịt chó"
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, trong năm 2022 đã tiếp nhận gần 500 đơn tố giác liên quan đến lĩnh vực đất đai, đã khởi tố 14 vụ án với 12 bị can. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, thêm hàng loạt giám đốc công ty bất động sản bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì bán đất từ dự án “ma”… hàng loạt giám đốc của các công ty bất động sản khác như: Đ. Dương Group, Đ. V., Đ. P. P., P. Điền, VHO, F. Land, Đ. Bình Dương, T. L. Real… cũng bị bắt giữ với hành vi tương tự.
Tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận, Bình Phước, các cơ quan chức năng như Sở Tài Nguyên và Môi trường, UBND các tỉnh, Công an các đơn vị cũng tiếp nhận lượng đơn thư ồ ạt tố giác hành vi bán bất động sản kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.
Theo một cán bộ điều tra công an tỉnh Bình Dương, hầu hết các giao dịch dự án “ma” đều núp bóng dưới danh nghĩa có hình thức các hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đều thể hiện đầy đủ thông tin về nền đất chuyển nhượng về vị trí, số lô, số ô, diện tích... Đồng thời đưa ra mức giá rất hấp dẫn, dao động khoảng 200-300 triệu đồng/nền đất thổ cư với diện tích khoảng 100m2 tùy từng vị trí; chỉ cần nộp một ít tiền cọc cũng giữ được vị trí mong muốn. Thậm chí khách hàng được trả góp theo tiến độ nếu có nhu cầu... với mức giá rẻ, thanh toán linh hoạt, nên các bị hại đã tin tưởng nộp tiền.
Sau đó, các môi giới sẽ tư vấn sâu để đưa các “con mồi” rơi vào bẫy với nhiều thủ đoạn tinh vi khác. Đặc biệt là một số khách, khi ký hợp đồng còn được tư vấn cam kết công ty sẽ mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Do đó, hầu hết khách hàng đều nhanh chóng bị “úp sọt”.
Ngoài ra, một số khách nhẹ dạ cả tin, được tư vấn bán đất thổ cư một nơi nhưng dẫn khách đi xem đất thực tế tại nơi khác trên những chuyến xe bít bùng, các công ty này sau khi dụ được khách nộp tiền, khi bị khách hàng phát hiện, lãnh đạo công ty trốn tránh và viện đủ lý do từ chối cung cấp thông tin, giấy tờ đất liên quan. Khách hàng gây sức ép, hoặc tố cáo, công ty trả lại không quá 30% số tiền khách đã nộp. Nguy hiểm hơn, sau một thời gian các công ty kiểu này sẽ đổi tên công ty, thành lập pháp nhân mới và tiếp tục vòng lặp lừa đảo mới.
Đồng Nai yêu cầu chấn chỉnh
Vừa qua, ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ký văn bản đề nghị Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, UBND huyện Thống Nhất, TP Long Khánh, TP Biên Hoà khẩn trương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý việc tổ chức sự kiện giới thiệu mua bán đất đai trái pháp luật.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai giao Sở TN&MT đôn đốc các sở, ngành, địa phương tổng hợp, báo cáo định kỳ hàng quý công tác quản lý nhà nước về đất đai, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo xử lý đúng pháp luật các vi phạm về đất đai và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân buông lỏng công tác quản lý đất đai, để xảy ra vi phạm.
Trước đó, tại huyện Thống Nhất, UBND xã Hưng Lộc phát hiện nhiều người tập trung giới thiệu mua bán đất tại khu đất rộng 8773 m2. Tuy nhiên trước khi lực lượng chức năng xuất hiện, nhóm người đã rời khỏi nơi tụ tập. UBND huyện và các cơ quan chức năng đã làm việc với chủ sử dụng đất để xử lý việc tụ tập đông người.
Tiếp đó, tại xã Lộ 25 (huyện Thống Nhất), lực lượng chức năng phát hiện tại cơ sở T.A. (ấp 4 xã Lộ 25) đã cho Công ty CP tập đoàn đầu tư P. T. C (tại quận Phú Nhận, TP HCM) thuê mặt bằng để tổ chức sự kiện cho khoảng 200 người. Nhóm người trên đã nghe công ty P. T. C. giới thiệu các bất động sản mới, giải thích, tư vấn cho khách hàng cũ mua đất. Tuy nhiên, làm việc với công an, Công ty P. T. C. không cung cấp được các loại giấy tờ, pháp lý theo quy định. Sau khi làm việc với cơ quan chức năng, Công ty P. T. C. đã đưa nhóm người trên rời đi nơi khác bằng xe 50 chỗ ngồi.
Nguồn: Pháp Luật Plus - Dự án “ma” hoành hành các tỉnh Đông Nam Bộ (phapluatplus.vn)