Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia không mang lại hiệu quả vận tải thủy

16:10 - 24/04/2024

Campuchia xây dựng kênh đào Funan Techo sẽ khiến quãng đường mới dài hơn 500 km so với tuyến vận tải truyền thống hiện nay, do vậy sẽ không mang lại hiệu quả xét về góc độ vận tải đường thủy kết nối với Việt Nam.

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia không mang lại hiệu quả vận tải thủy- Ảnh 1.

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia không mang lại hiệu quả vận tải thủy kết nối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh minh họa

Theo Ủy hội sông Mekong Việt Nam, dự kiến kênh đào Funan Techo sẽ được Campuchia khởi công trong năm nay và đưa vào hoạt động năm 2028. Kênh đào dài 180 km, rộng 100 m, xây dựng 3 âu thuyền, phục vụ tàu tải trọng 1.000 DWT. Kênh nối Phnom Penh với các cảng của Campuchia trên vịnh Thái Lan.

Kinh phí đầu tư dự án kênh đào này ước khoảng 1,7 tỷ USD. Cụ thể, điểm đầu kênh đào nối với dòng Bassac (sông Tiền khi vào Việt Nam), gần cảng ở Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), đi qua các tỉnh Kandal, Takeo, Kampot và kết nối với các cảng ở tỉnh Kep của Campuchia rồi đổ ra vịnh Thái Lan.

Nhiều chuyên gia Việt Nam đều quan ngại về dự án kênh đào Funan Techo, nhất là các tác động đến tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), bao gồm: Các tác động đến tài nguyên nước vùng ĐBSCL, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra ngày càng thường xuyên và khắc nghiệt hơn; việc thực hiện dự án sẽ chuyển nước từ sông Bassac, là phân lưu của sông Mê Kông ra cảng Kẹp nằm ngoài lưu vực sẽ gây suy giảm đáng kể tài nguyên nước tới vùng ĐBSCL, gây tác động tiêu cực đến các hoạt động sinh kế, sản xuất của người dân địa phương và các hệ sinh thái tự nhiên.

Theo mô tả của phía Campuchia, dự án kênh đào Funan Techo có thể mang lại một số lợi ích cho Campuchia, bao gồm: Giảm sự phụ thuộc của Campuchia vào tuyến sông Cửu Long đi qua lãnh thổ Việt Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Campuchia và các quốc gia khác; thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh ven biển Campuchia; cải thiện giao thông và vận tải đường thủy nội địa địa phương và khu vực kết nối cho cộng đồng địa phương ở miền nam Campuchia; giảm nguy cơ lũ lụt cho một số vùng bị ngập ở tỉnh Kandal và Takeo; tăng cường du lịch và sinh kế cho người dân địa phương bằng cách cung cấp hệ thống logistics tốt hơn và kết nối hơn...

Ngoài ra, Kandal và Kampot là hai trong những tỉnh trọng điểm về lúa của Campuchia, không loại trừ dự án sẽ có tính chất chuyển nước để tưới cho nông nghiệp với diện tích khu hưởng lợi có thể lên đến 300.000 ha.

Dự án kênh đào Funan Techo Campuchia không mang lại hiệu quả vận tải thủy- Ảnh 2.

Đoạn màu xanh lá cây là tuyến đường vận tải truyền thống hiện nay mà Campuchia nhập hàng hóa quá cảnh qua Việt Nam, còn tuyến mới theo dự án kênh đào Funan Techo là đoạn màu đen và màu tím dài hơn 500 km so với tuyến truyền thống

Ở góc độ quản lý GTVT đường thủy, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ GTVT) đánh giá Campuchia đặt ra mục tiêu xây dựng dự án kênh đào mới để hoàn thiện hành lang logistics sử dụng phương thức vận tải đường thủy. 

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phân tích: Khi dự án hoàn thành, trong trường hợp hàng hóa từ Phnom Penh đi các quốc gia phía Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… qua tuyến kênh Funan Techo ra cảng biển Kampot, sau đó tiếp tục vòng qua mũi Cà Mau của Việt Nam khi ngang qua khu vực Cái Mép - Thị Vải thì chiều dài quãng đường sẽ là 900 km. 

Như vậy, khi so sánh với tuyến vận tải truyền thống theo Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Campuchia qua tuyến sông Tiền đến Cái Mép - Thị Vải hiện nay với quãng đường gần 400 km thì quãng đường mới sẽ dài hơn 500 km. Vì thế, tuyến kênh đào mới chưa thật sự mang lại hiệu quả xét về góc độ vận tải đường thủy...

"Hiện nay, hàng hóa đi bằng tuyến vận tải thủy Campuchia - Việt Nam (qua 2 cửa khẩu quốc tế đường thủy nội địa Vĩnh Xương và Thường Phước) rất nhộn nhịp với các phương tiện vận tải thủy nội địa có tải trọng đến 5.000 tấn (tương đương 250 TEU). Tính riêng sản lượng hàng hóa vận tải qua tuyến trong 5 năm gần đây bằng container đều đạt trên 400.000 TEU", Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nêu dẫn chứng.

Về vấn đề này, các chuyên gia giao thông đều cho rằng, xét về góc độ vận tải thì kênh đào Funan Techo sẽ không mang lại hiệu quả, bởi các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa không ai chọn con đường dài hơn 500 km để đi, mà họ sẽ lựa chọn con đường vận tải nào có chi phí thấp nhất (tuyến vận tải truyền thống hiện nay).

Ông Võ Kim Thuần, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An cho rằng, thông tin về xây dựng dự án kênh đào Funan Techo của Campuchia khiến địa phương rất lo ngại, trước hết là ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt và sản xuất nông nghiệp của địa phương. Đồng thời, việc lưu thông tại các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười chuyên chở hàng hóa liên tỉnh qua Long An, qua kênh Rạch Chanh, Thủ Thừa về TP. HCM… nếu nguồn nước thiếu hụt sẽ ảnh hưởng nhiều tới lưu thông thủy.

Nguồn: kênh đào funan techo, campuchia, giao thông đường thủy, vận tải thủy, hiệu quả (tapchigiaothong.vn)