Để không có vùng lõi nghèo, thực hiện mục tiêu kinh tế phát triển, nhân dân hạnh phúc, những năm qua Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành nhiều Nghị quyết về an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Nghị quyết 06 về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025 ra đời tạo bước đột phá, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng trong tỉnh, đặc biệt nâng cao tính kết nối để tỉnh Quảng Ninh trở thành cực tăng trưởng phía Bắc.
Bài 1: Đột phá về cơ sở hạ tầng
Tập trung phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu rõ phải dồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng để tạo đòn bẩy và mở ra cơ hội.
Từ thời điểm đầu thực hiện Nghị quyết cho đến nay, hệ thống đường, trường, trạm được đầu tư mở rộng khang trang, thuận lợi. Người dân ở vùng khó của tỉnh thực sự được thụ hưởng từ Nghị quyết này.
Mạng lưới giao thông thuận lợi
Bắc Sơn (thành phố Móng Cái) là xã biên giới đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Là địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, chủ yếu là đồng bào Dao, Sán Dìu…, năm 2020, thu nhập bình quân đạt 53,8 triệu đồng/người/năm, đến cuối năm 2023 đạt 75,2 triệu đồng/người/năm.
Đời sống, diện mạo của vùng biên cương nơi đây được cải thiện rõ rệt. Đến nay, toàn bộ khu vực xã biên giới Bắc Sơn không còn những con đường gập ghềnh, đường đất lầy lội thay vào đó là đường bêtông đi vào từng ngõ. Ông Nguyễn Văn Cảnh (63 tuổi), người dân thôn Lục Phủ phấn khởi chia sẻ, đi khắp xã Bắc Sơn không có gia đình nào ở nhà tạm, nhà dột nát nữa. So với trước đây, cuộc sống của người dân thay đổi rất nhiều.
Gia đình bà Chìu Xi Múi (sinh năm 1960) người dân tộc Dao Thanh y, thôn Phình Hồ chuyển từ nơi khác đến Bắc Sơn. Thời gian đầu rất khó khăn, nhưng những năm gần đây gia đình được hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế nên cuộc sống tốt hơn trước.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 06 gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia, bộ mặt nông thôn của thành phố vùng biên thay đổi rõ nét. Hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư đồng bộ, đảm bảo kết nối nông thôn-đô thị và kết nối các vùng miền. Thu nhập bình quân đầu người của đồng bào dân tộc, khu vực biên giới, hải đảo đạt gần 71 triệu/người/năm. 100% số xã miền núi có đường ôtô đến tận thôn, bản. 100% các xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia. 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia…
Quảng Ninh đã hoàn thành, hoàn thành vượt tiến độ mục tiêu chung và trên 80% chỉ tiêu cụ thể của chương trình cả giai đoạn với nhiều kết quả nổi bật; trong đó ấn tượng nhất là các nhiệm vụ, dự án hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng và nội vùng; hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thủy lợi... hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả tốt, tạo động lực mới cho sự phát triển của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Tỉnh Quảng Ninh đầu tư thêm 744km đường (trong đó 80km cao tốc và 644km quốc lộ, đường địa phương). Nhiều dự án kết nối vùng đồng bào dân tộc đã hoàn thành cũng như đang đẩy nhanh triển khai như Đường nối từ Quốc lộ 279, tỉnh Quảng Ninh đến đường tỉnh 291, tỉnh Bắc Giang; nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm; đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận huyện Ba Chẽ; đường nối từ Tỉnh lộ 342 đến Quốc lộ 279 qua trung tâm xã Sơn Dương (thành phố Hạ Long); nâng cấp đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) từ Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến Khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh-Giai đoạn 2… Đến nay, 100% xã miền núi có đường ô tô đến tận thôn, bản, tạo thuận lợi cho thông thương, trao đổi hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội.
Những con số biết nói
Tỉnh Quảng Ninh có 67/177 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh. Xác định để tạo đột phá trong triển khai Nghị quyết phải có nguồn lực làm đòn bẩy, với lợi thế là tỉnh được Trung ương giao tự cân đối Ngân sách địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Quảng Ninh chỉ đạo tập trung, ưu tiên dành nguồn lực cho chương trình này.
Tỉnh chủ trương “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư” và quan điểm Ngân sách Nhà nước là “vốn mồi” tạo ra động lực để thu hút các nguồn lực khác. Trong 3 năm (2021-2023), Quảng Ninh huy động trên 114.000 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 06, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Điểm nổi bật và khác biệt của Quảng Ninh là Ngân sách Nhà nước đầu tư trực tiếp và vốn Ngân sách Nhà nước lồng ghép chỉ chiếm khoảng 16%, vốn huy động xã hội hóa chiếm đến 84% (chủ yếu từ vốn tín dụng chiếm tới 82,5%). Như vậy, từ một đồng Ngân sách Nhà nước đầu tư, Quảng Ninh huy động được trên 5 đồng ngoài ngân sách để đầu tư thực hiện nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Ông Tô Văn Lưu, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Bình Dân, huyện Vân Đồn cho biết, xã có hơn 95% người đồng bào dân tộc Sán Dìu, Nghị quyết 06 ra đời như luồng gió mới, đánh thức người dân đang "ngủ."
Theo ông Lưu, Nghị quyết 06 đã tạo động lực, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân cảm nhận được vai trò, trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội, từ đó tích cực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống. Cũng từ đó, nhiều hộ nghèo đã làm đơn xin “thoát nghèo,” hơn 340 hộ chủ động vay vốn Ngân hàng Chính sách để phát triển kinh tế. Đến nay xã không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân trên 68 triệu/người/ năm. Năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2024 đang rà soát xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh cuối năm 2023 đạt trên 73 triệu đồng, tăng gần 30 triệu đồng so với năm 2020; cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước về nâng mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số.
Đến nay, 100% xã thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo có điện lưới quốc gia. 100% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia. 100% hộ đã có nhà ở kiên cố. 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh. Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,9%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn hiện hành đạt trên 70%, đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt./.
Nguồn: Đột phá về cơ sở hạ tầng ở đồng bào dân tộc thiểu số | Vietnam+ (VietnamPlus)