Dong von vao thi truong chung khoan tiep tuc giu xu huong than trong hinh anh 1Việc đảo chiều hạ lãi suất trên thị trường có thể kỳ vọng sẽ kích thích trở lại phần nào dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân quay trở lại thị trường. (Ảnh: CVT/Vietnam+)

Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán SSI, dòng vốn vào thị trường chứng khoán trong tháng Ba có xu hướng thận trọng.

Mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã liên tục ra các chính sách nhằm tháo gỡ phần những nút thắt trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, tuy nhiên triển vọng kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp đại chúng dự kiến không quá tích cực trong nửa đầu năm 2023.

[Nghị định 08 đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu]

Báo cáo cho biết các quỹ chủ động giải ngân chậm lại rõ rệt trong tháng này nhưng vẫn ghi nhận tháng vào ròng thứ 6 liên tiếp. Cụ thể, tổng giá trị vào ròng trong tháng đạt 201,8 tỷ đồng.

Nhóm phân tích chỉ ra đây là tín hiệu thận trọng cho triển vọng dòng vốn khối ngoại trong thời gian tới. Đặc biệt là trong quá khứ, các quỹ chủ động thường ghi nhận chuỗi tích lũy ròng liên tục trong vòng 3-6 tháng. Tính chung trong quý 1, các quỹ chủ động đã vào ròng 3 nghìn tỷ đồng.

Dong von vao thi truong chung khoan tiep tuc giu xu huong than trong hinh anh 2(Nguồn: SSI)

Bên cạnh đó, dòng vốn ETF có sự phân hóa giữa nhóm quỹ nội và ngoại. Trong tháng Ba, các quỹ ETF nội đã rút ròng 620 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 3 quỹ lớn nhất là VNDiamond (-345 tỷ đồng), VN Finlead (-129 tỷ đồng) và VFM VN30 (-102 tỷ đồng).

 

Ngược lại, các quỹ ngoại vào ròng tổng cộng 1.789 tỷ đồng với sự quay trở lại của quỹ Fubon (kể từ ngày 15/3). Cụ thể, quỹ ETF Fubon Việt Nam đã vào ròng 1.528 tỷ đồng và dòng tiền từ nhóm quỹ Vaneck (+122 tỷ) và DB FTSE (+121 tỷ).

Tính chung quý 1, tổng dòng vốn ETF vào thị trường đạt 6 nghìn tỷ đồng với đóng góp chủ yếu từ VanEck (+2,2 nghìn tỷ đồng), Fubon (1,5 nghìn tỷ) và DB FTSE (+1,2 nghìn tỷ đồng).

Dong von vao thi truong chung khoan tiep tuc giu xu huong than trong hinh anh 3(Nguồn: SSI)

Theo nhận định từ nhóm phân tích của SSI, áp lực chốt lời hoặc tái cơ cấu danh mục đầu tư từ nhóm quỹ chủ động sẽ cao hơn trong thời gian tới (sau 6 tháng vào ròng liên tục) cộng thêm xu hướng “mùa vụ giải ngân” giai đoạn đầu năm từ nhóm quỹ ETF sẽ không còn quá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng kỳ vọng vào việc “đảo chiều” hạ lãi suất trên thị trường sẽ kích thích trở lại phần nào dòng tiền từ nhóm nhà đầu tư cá nhân sau thời gian tận dụng mức lãi suất cao từ kênh tiền gửi ngân hàng./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)