Đồng Tháp: Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh

09:55 - 01/02/2024

Ngày 31-1, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức buổi họp mặt các cơ quan báo chí dịp mừng Đảng - mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024. Đây là hoạt động thường niên nhằm ghi nhận những đóng góp, sự đồng hành của các cơ quan thông tấn báo chí đối với tỉnh Đồng Tháp trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ kết quả, định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp

Chủ trì buổi họp mặt có đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đồng chí Huỳnh Minh Tuấn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng với sự tham dự của 70 nhà báo, phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh. Tại buổi họp này, UBND tỉnh Đồng Tháp báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội Đồng Tháp năm 2023; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Quang cảnh buổi họp mặt các cơ quan báo chí

Những tín hiệu tích cực

Theo đó, về triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì 5,66%, có 3 chỉ tiêu kế hoạch 5 năm đã về đích sớm gồm: Giảm tỷ lệ hộ nghèo (1,52%/KH 3%), tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (94,8%/KH 90%), kéo giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng theo chiều cao (14,74%/KH 16,6%). Các chương trình, đề án lớn của tỉnh đều đạt kết quả khả quan, bảo đảm tiến độ thực hiện, 5 mũi đột phá chiến lược đều đạt kết quả đáng ghi nhận. Trên từng lĩnh vực đều ghi nhận sự đổi mới và tư duy sáng tạo.

Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tiếp tục góp phần giúp ngành nông nghiệp phát huy vai trò ngành kinh tế chủ lực của tỉnh, trụ đỡ của nền kinh tế, năm 2021 tăng trưởng 2,54%, năm 2022 tăng trưởng 3,52%, năm 2023 tăng trưởng 3,95%; từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã có thêm 25 hợp tác xã và 34 hội quán được hình thành, hơn 453 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (xếp thứ 3 cả nước về số lượng).

Du lịch Đồng Tháp không chỉ tạo được dấu ấn đột phá mà còn phát triển thêm nhiều điểm du lịch đặc trưng, những sự kiện lễ hội mới mẻ thu hút khách du lịch, với doanh thu đạt ngưỡng 1.900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi với năm 2019.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, thực hiện kịp thời, đầy đủ. Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tiếp tục bảo đảm. Trong năm đã tuyển sinh và đào tạo vượt 16,6% kế hoạch, giải quyết việc làm vượt 28% kế hoạch, hỗ trợ hơn 2.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, vượt 34% kế hoạch.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội giữ vững, ổn định. Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đạt mốc 110.000 tỷ đồng, xếp thứ 6 trong khu vực ĐBSCL. GRDP bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng.

Với phương châm và khẩu hiệu đã đặt ra “Kinh tế xanh sen hồng bứt phú, Chuyển đổi Đồng Tháp tiên phong”, UBND tỉnh đã mạnh dạn đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành theo hướng kiến tạo phát triển, tạo được sự bứt phá trong nhiều lĩnh vực. Chỉ số chuyển đổi số (DTI) xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ); chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index) xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố (tăng 9 bậc so với đánh giá trước); kích hoạt tài khoản định danh điện tử đạt 99,73%,... Công tác CCHC giữ vững sự cải tiến với chuỗi thành tích 15 năm liên tục nằm trong nhóm có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước về PCI; chỉ số PAPI xếp trong nhóm trung bình cao; chỉ số PAR Index xếp trong nhóm tốt (nhóm B). Kết quả tỷ lệ giải ngân đầu tư công do tỉnh phân bổ và quản lý tính đến 31/12 đạt 93,28%.

Phương thức xúc tiến đầu tư được đổi mới, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa Ấn Độ và tỉnh Đồng Tháp năm 2023, Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tổ chức thành công các lễ hội gắn với văn hoá, con người, ngành nghề đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp vừa phát huy văn hoá vừa thúc đẩy phát triển kinh tế, tiêu biểu như: Festival Hoa – Kiểng Sa Đéc, Lễ hội Quýt hồng Lai Vung lần 1, Lễ hội Xoài lần 1; Tổ chức, phục dựng thực cảnh tái hiện “Chợ ma Định Yên - Lấp Vò - Đồng Tháp”,...

Đây là kết quả từ chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ và đặc biệt là các ngành, các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ, phấn khởi thi đua, hoàn thành Bản cam kết hành động năm 2023 với nhiều kết quả tích cực, góp phần tăng cường hiệu quả, hiệu lực của nền hành chính và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Cụ thể có 321/431 (75%) nội dung cam kết năm 2023; đạt và vượt 110/431 (25%) nội dung cam kết xấp xỉ đạt.

Còn đó những hạn chế, khó khăn

Kinh tế tăng trưởng còn thấp so với mục tiêu đề ra; Hạ tầng khu, cụm công nghiệp còn đang trong quá trình hoàn thiện; Mức huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chưa đáp ứng hoàn toàn yêu cầu; Số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng cao; Công nghiệp chiếm tỷ trọng còn thấp trong cơ cấu kinh tế, sức hút đầu tư còn hạn chế, chưa thu hút được các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thu hút đầu tư mới gặp nhiều khó khăn; Tình hình cung ứng cát san lấp chưa đảm bảo nhu cầu xây dựng các công trình. Đây là những vấn đề nội tại mà UBND tỉnh cần phải tập trung khắc phục sớm và phải tạo được chuyển biến ngay trong đầu năm 2024.

Đại diện các cơ quan thông tấn báo chí chia sẻ, đóng góp ý kiến về kết quả, định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Trong định hướng nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2025, Đồng Tháp kiên định thực hiện các chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Kế hoạch năm 2024 đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu: 6 chỉ tiêu kinh tế; 12 chỉ tiêu văn hoá – xã hội và 4 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt 8%.

Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả 12 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2024:

- Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

- Phát huy vai trò nền tảng của khu vực nông - lâm - thủy sản; xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

- Thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành công nghiệp, phát huy vai trò công nghiệp chế biến tạo động lực tăng trưởng.

- Thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, nâng cao chất lượng du lịch gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương, liên kết phát triển với địa phương trong vùng.

- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tin hợp tác.

- Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, phát triển đô thị.

- Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

- Phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế.

- Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

- Tăng cường phòng, chống tội phạm tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

- Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại.

Tại buổi họp mặt, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: “Kết quả và thành tựu mà tỉnh Đồng Tháp đạt được có vai trò đóng góp quan trọng của các cơ quan báo chí, các nhà báo, phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh đã tích cực thông tin, tuyên truyền kịp thời, khá toàn diện tình hình thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, nhất là các sự kiện, lễ hội văn hoá, du lịch. Đồng Tháp có lợi thế về môi trường và tỉnh quyết tâm gìn giữ, phát huy; tỉnh cũng đặt mục tiêu cao nhất là lấy niềm hạnh phúc, lạc quan của người dân làm cốt lõi, không chạy theo tăng trưởng mà hướng đến nâng chất lượng sống của người dân, làm sao cho người dân giàu hơn, phát huy được nội lực từ nhân dân”.

Đồng thời, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa cũng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực của các cơ quan báo chí trong công tác phối hợp tuyên truyền, góp phần quảng bá hình ảnh Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo,... Với tinh thần cầu thị, lắng nghe, Chủ tịch UBND tỉnh trân trọng tiếp thu những góp ý và mong muốn các cơ quan báo chí tiếp tục đồng hành cùng Đảng bộ và Chính quyền địa phương trong hoạt động truyền thông; tăng cường thông tin những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của thế lực thù địch,...

Bên cạnh đó, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa cũng yêu cầu các Sở, Ban, Ngành và huyện, thành phố tiếp tục chủ động phối hợp cung cấp thông tin chính thống, hỗ trợ để các cơ quan báo chí, phóng viên, nhà báo tác nghiệp thuận lợi, đúng quy định pháp luật. 

Nguồn: Đồng Tháp: Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh (opensky.com.vn)