Đồng Nai: Đầu tư 5.200 tỷ đồng thực hiện dự án Xa lộ nước Long Thành

15:59 - 05/07/2024

Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng; trong đó, hơn 1.000 tỷ đồng của chủ đầu tư là Công ty cổ phần nước-Môi trường Bình Dương, còn lại huy động từ các nguồn khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 5/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai làm việc với các đơn vị liên quan về dự án Xa lộ nước Long Thành.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, dự án gồm các hạng mục: công trình thu, hồ chứa nước thô và nhà máy xử lý nước; các trạm bơm tăng áp và các tuyến ống chuyển tải với tổng chiều dài gần 53km, được xây dựng theo hành lang và dưới các tuyến giao thông hiện hữu. Mục tiêu của dự án là khai thác, xử lý và cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Dự án có công suất thiết kế 600.000 m3/ngày đêm, tiến độ thực hiện 36 tháng, thời gian hoạt động 50 năm. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng; trong đó, hơn 1.000 tỷ đồng của chủ đầu tư là Công ty cổ phần nước-Môi trường Bình Dương, còn lại huy động từ các nguồn khác.

Dự án có tổng nhu cầu sử dụng đất hơn 12 ha đất. Điểm đầu tuyến đường ống Xa lộ nước Long Thành ở sông Đồng Nai (thuộc xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), tuyến ống đi qua địa bàn thành phố Biên Hòa và kết thúc ở xã Long Đức, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Theo Công ty cổ phần nước-Môi trường Bình Dương, dự án nhằm mục tiêu cấp nước an toàn cho khu vực kinh tế, đô thị quanh sân bay Long Thành, huyện Cẩm Mỹ và vùng lân cận của tỉnh Đồng Nai.

 

Dự án đảm bảo việc cung cấp nước sạch liên tục, đầy đủ cho mọi đối tượng cần sử dụng nước, từ đó góp phần cho sự phát triển đô thị, kinh tế địa phương.

Công ty cổ phần nước-Môi trường Bình Dương cho rằng, trong 15 năm đầu dự án sẽ lỗ, bởi dự án cần bỏ ra số vốn đầu tư lớn, trong khi cần ít nhất 4 năm hoạt động mới đạt 150.000 khách hàng.

Doanh nghiệp mong tỉnh Đồng Nai không mở rộng, nâng cấp công suất của các nhà máy nước hiện hữu; hỗ trợ nhà đầu tư trong việc vay vốn.

Ông Hồ Văn Hà, Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai cho biết, dự án được thực hiện theo hình thức xã hội hóa. Hiện nay, các điều kiện quy hoạch cơ bản phù hợp.

 

Về đề xuất của chủ đầu tư, các nhà máy hiện hữu không nâng công suất là không hợp lý. Bởi chủ trương của tỉnh cũng như thực tế việc nâng công suất để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất là rất cần thiết. Sở Xây dựng đề nghị chủ đầu tư rút ngắn thời gian thực hiện dự án.

Kết luận tại buổi làm việc, ông Võ Tấn Đức, Quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự án hết sức cần thiết, khi quy hoạch Đồng Nai vừa được Thủ tướng phê duyệt có thêm các khu đô thị, khu công nghiệp ở khu vực huyện Long Thành, Cẩm Mỹ.

Đặc biệt, dự án sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu sử dụng nước đối với các lĩnh vực sản xuất bán dẫn, công nghệ cao mà các tập đoàn hàng đầu trên thế giới đầu tư vào khu vực đô thị sân bay Long Thành trong những năm tới.

Ông Võ Tấn Đức đề nghị Công ty cổ phần nước-Môi trường Bình Dương làm việc cụ thể với với các ngành chức năng của Đồng Nai để hoàn thiện các thủ tục, phù hợp quy hoạch, sớm triển khai dự án.

Sở Xây dựng Đồng Nai chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, hoàn thiện các thủ tục theo quy định, báo cáo UBND tỉnh Đồng Nai xem xét, phê duyệt dự án; phấn đấu đầu năm 2025 khởi công dự án./.