Đồng Nai: Bị cáo Ngô Anh Tuấn tiếp tục kháng cáo sau phiên xét xử sơ thẩm lần 2

18:27 - 23/06/2022

Sau phiên xét xử sơ thẩm lần 2, ông Ngô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất đã tiếp tục kháng cáo với lý do bản án sơ thẩm lần 2 không tuân theo phán quyết tại bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Cấp cao đã tuyên trước đó.

Trụ sở TAND cấp cao tại TP HCM.

Trụ sở TAND cấp cao tại TP HCM.

Trước đó, ngày 20/9/2018, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh mở phiên xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự trên đối với bị cáo Ngô Anh Tuấn do có kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Ngô Anh Tuấn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và kêu oan tội “Tham ô tài sản”.

Yêu cầu điều tra, xét xử lại về hành vi “Tham ô tài sản’

Tại Bản án phúc thẩm số 496/2018/HS-PT của Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh nêu rõ: Giám định viên tư pháp xác định số tiền thiệt hại do các bị cáo gây ra dựa trên Giám định tài chính, xác định tổng cộng số tiền mà các bị cáo đã làm thất thoát cho ngân sách nhà nước, trong đó có cả số tiền 90.250.000 đồng mà cơ sở may Phú Khang chi cho bị cáo Tuấn theo thỏa thuận. Đồng thời, không xác định được các hợp đồng nào của Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất ký với Công ty TNHH Thời trang Âu Á để đào tạo bên ngoài trung tâm và tại cơ sở có đào tạo không? Và số học viên đã được đào tạo thực tế là bao nhiêu, vẫn chưa được điều tra làm rõ.

Cấp sơ thẩm chưa điều tra xác định rõ 523 học viên đã đào tạo thực tế để loại trừ ra số tiền thất thoát của ngân sách nhà nước và xử lý trách nhiệm dân sự cho chính xác. Ngoài ra, số tiền 90.250.000 đồng mà cấp sơ thẩm xác định bị cáo Tuấn về tội “Tham ô tài sản” nằm trong số tiền bị thất thoát của Nhà nước, số tiền này có thể dùng trong việc mua xe Vinaxuki và kế toán có biết chưa trừ thuế. Do vậy số tiền này chữa được điều tra làm rõ. Và theo báo cáo tài chính của trung tâm thì số tiền nêu trên của trung tâm không bị thất thoát. Do vậy, xác định bị cáo Tuấn có hành vi “Tham ô tài sản” là chưa chính xác và phù hợp các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Để bảo đảm xét xử khách quan, đúng người, đúng tội, đúng hành vi, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy tại phiên tòa phúc thẩm không thể điều tra bổ sung làm rõ. Vì vậy, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 355, điểm b khoản 1 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Tòa tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.

_cs_groups_all_content_documents_tinbai_yw5k_mde4__edisp__export_TAND018851_4_50589-01

Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, ngày 07/6/2022 vừa qua, tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số 54/2022/TLST-HS ngày 18/4/2022 đối với ông Ngô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất vẫn tuyên bị cáo Ngô Anh Tuấn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”.

Theo đó, Tòa án căn cứ khoản 3 Điều 165 Bộ luật Hình sự năm 1999, điểm b, s khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 54, khoản 1 Điều 353; Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), quyết định xử phạt bị cáo Ngô Anh Tuấn 05 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 02 năm tù về tội “Tham ô tài sản”. Tổng hình phạt của hai tội buộc bị cáo Ngô Anh Tuấn phải chấp hành hình phạt chung là 07 năm tù.

Bản án số 74/2022/HS-ST ngày 07/6/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Bản án số 74/2022/HS-ST ngày 07/6/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Nhận định của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tại phiên xét xử lại

Tại phiên tòa, Tòa án nhận định đối với việc bị cáo cho rằng bị cáo không có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 90.250.000 đồng (chín mươi triệu hai trăm năm mươi triệu đồng) do ông Đỗ Văn Hoan đã chỉ cho bị cáo đã có ghi biên nhận vào ngày 05/9/2011, đã đưa vào nhập quỹ Trung tâm Dạy nghề thông qua bị cáo Ngô Thị Xuân Thu, được bị cáo Thu dùng để mua xe ô tô, nhưng không được bị cáo Ngô Thị Xuân Thu thừa nhận.

Lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra về khoản tiền này cũng mâu thuẫn. Bị cáo cho rằng số tiền này được thể hiện rõ tại bản báo cáo do Ngô Thị Xuân Thu viết tay và đã xuất trình trong quá trình điều tra, nhưng nội dung trong giấy này và lời khai của bị cáo cũng không được Ngô Thị Xuân Thu và Lê Thị Thu Nguyệt thừa nhận. Trong quá trình điều tra và đối chất tại các phiên tòa trước cũng như sau khi vụ án bị hủy Ngô Thị Xuân Thu vẫn khai rằng nội dung báo cáo viết tay của Ngô Thị Xuân Thu là do Thu viết theo yêu cầu của bị cáo với mục đích nhằm đối phó với đoàn thanh tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khi làm việc tại Trung tâm Dạy nghề, đồng thời nguồn tiền mà Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất dung để mua chiếc xe ôtô Vinasuki được trích ra từ nguồn thu của Trường đại học mở TP. Hồ Chí Minh Liên kết (BL 22362).

Tại phiên tòa chị Lê Thị Thu Nguyệt cũng xác định chị không biết và không nhìn thấy bị cáo đưa số tiền 90.250.000 đồng (chín mươi triệu hai trăm năm mươi triệu đồng) cho Ngô Thị Xuân Thu như bị cáo trình bày. Ngoài lời khai của mình, bị cáo Ngô Anh Tuấn cũng không xuất trình được chứng cứ, tài liệu nào khác để chứng minh cho việc mình đã nhập quỹ Trung tâm đối với số tiền 90.250.000 đồng (chín mươi triệu hai trăm năm mươi triệu đồng). Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm đối với khoản tiền trên.

Từ những căn cứ nêu trên Tòa án cho rằng có đủ cơ sở xác định, hành vi của bị cáo Ngô Anh Tuấn đã phạm vào tội “Tham ô tài sản”, theo quy định tại khoản 1 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) cáo trạng của Viện Kiểm sát đã viện dẫn và truy tố.

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho bị cáo

Tại phiên tòa xét xử lại, Luật sư bào chữa cho bị cáo Ngô Anh Tuấn nêu quan điểm cho rằng: Đối với số tiền 90.250.000 đồng bị cáo Tuấn đã nhận của ông Đỗ Văn Hoan nhưng đã đưa cho bị cáo Ngô Thị Xuân Thu nhập quỹ của Trung tâm Dạy nghề huyện Thống Nhất, tại biên bản đối chất giữa bị cáo Thu và chị Lê Thị Thu Nguyệt cũng thừa nhận: Bị cáo Thu đã tạm ứng số tiền 65 triệu đưa cho chị Nguyệt để trả tiền ứng trước mua xe của Công ty Quyết Thành, sau đó bị cáo Thu đã dùng số tiền 90.250.000 đồng bị cáo Tuấn đưa để thanh toán tiền mua xe.

Mặt khác, tại bảng thống kê viết tay của bị cáo Thu vào các năm 2010, 2011, 2012 tổng số tiền 2.456.702.000 đồng và không có tiền để chi ra 2.459.325.000 đồng. Nếu không có khoản thu 90.250.000 đồng theo thỏa thuận của Phú Khang thì Trung tâm Dạy nghề không có tổng nguồn thu của ba năm, nếu bị cáo Tuấn không nộp 90.250.000 đồng thì quỹ của trung tâm sẽ bị thâm hụt, cân đối của nguồn ra và đầu vào của nguồn thu chi trong 3 năm 2010, 2011, 2012 dư ra 2.623.000 đồng.

Như vậy, căn cứ lời khai tại các biên bản đối chất giữa bị cáo Thu, bị cáo Tuấn, chị Nguyệt cũng như các bản thu chi do bị cáo Thu cung cấp trong quá trình điều tra đã chứng minh bị cáo Tuấn đã đưa cho bị cáo Thu số tiền 90.250.000 đồng nhận từ ông Đỗ Văn Hoan nên bị cáo Ngô Anh Tuấn không phạm tội “Tham ô tài sản” phù hợp với kết luận giám định tài chính không xác định được các nguồn thu nhưng lại có các khoản chi thực tế của 03 năm có cơ sở xã định số tiền mà bị cáo đã làm thất thoát cho ngân sách nhà nước trong đó có cả 90.250.000 đồng do cơ sở may Phú Khang chi cho bị cáo theo thỏa thuận.

Tiếp tục kháng cáo yêu cầu làm rõ về hành vi “tham ô tài sản”

Không đồng ý với phán quyết của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai tại phiên xét xử lại, ông Tuấn đã làm đơn kháng cáo nội dung bản án trên gửi Tòa án nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, ông Tuấn cho rằng trong vụ án này, một số bị cáo khác đều được hưởng án treo, còn ông bị xử 9 năm tù giam là không công bằng, không khách quan, chưa đúng người, đúng tội.

Trước đó, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận kháng cáo của ông, hủy một phần bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết chưa được làm sáng tỏ, như: 523 học viên được đào tạo thực tế nhưng cơ quan điều tra không đưa vào chi phí để loại trừ số tiền bị thất thoát, còn về tội “Tham ô tài sản”, Tòa án nhân dân Cấp cao nhận định tòa sơ thẩm xét xử còn chưa chính xác và phù hợp với các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ.

Ông Tuấn cho rằng, toàn bộ yêu cầu của Tòa án nhân dân Cấp cao không được xem xét lại như: Hủy một phần bản án và điều tra xét xử lại theo thủ tục chung thì được Tòa án cấp sơ thẩm giữ nguyên để xét xử lại lần 2 vào ngày 07/6/2022 và tuyên phạt ông giảm từ 09 năm xuống còn 07 năm tù giam và không rõ lý do.

Vì vậy, ông Ngô Anh Tuấn yêu cầu Tòa án làm rõ số tiền ông đã đào tạo thực tế 523 học viên để khấu trừ vào số tiền ngân sách nhà nước từ đó xác định số tiền của Nhà nước có bị thất thoát hay không và để quy trách nhiệm và áp dụng hình phạt cho đúng người đúng tội.

Đồng thời, ông Tuấn yêu cầu Tòa án nhân dân Cấp cao làm rõ về hành vi “tham ô tài sản” nếu cơ quan điều tra không làm rõ được và không có cơ sở để chứng minh thì không thể buộc tội ông về tội “Tham ô sản”.

Ban hành văn bản với những lỗi sai cơ bản

Đáng chú ý, tại Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 02/5/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với bị cáo Ngô Anh Tuấn nêu: “Bị cáo bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3 Điều 135 và tội “Tham ô tài sản” theo khoản 1 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999”.

Tuy nhiên, khoản 3 Điều 135 Bộ luật Hình sự năm 1999 lại quy định về tội “Cưỡng đoạt tài sản” không phải về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; và khoản 1 Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” chứ không phải về tội “Tham ô tài sản”.

Có thể thấy đây là sự sai sót về lỗi cơ bản thể hiện sự “câu thả” trong việc ban hành văn bản của cơ quan có thẩm quyền.

 

H.V

 

 
https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/dong-nai-bi-cao-ngo-anh-tuan-tiep-tuc-khang-cao-sau-phien-xet-xu-so-tham-lan-2-d184347.html