Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950 đến nay, Việt Nam và Nga phát triển mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực; trong đó, thương mại là một trong những điểm sáng giữa hai bên. Việt Nam luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu, mong muốn cùng Nga củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và làm sâu sắc hơn khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện đã được xác lập.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Nga sẽ tạo động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Nga.
Đối tác tin cậy
Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết: Mặc dù vẫn chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị nhưng giao thương hàng hóa giữa hai bên trong năm 2023 đã có bước chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 3,63 tỷ USD, tăng nhẹ 2,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%; nhập khẩu của Việt Nam từ Nga đạt 1,89 tỷ USD, giảm 5,2%.
Theo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ, trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đạt 2,74 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, tăng 46,4%; nhập khẩu đạt 1,38 tỷ USD, tăng 44,6%.
Các nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng cao gồm: hàng thủy sản, gạo, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc, hàng dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt tiêu, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Ở chiều ngược lại, phân bón tiếp tục đứng đầu danh sách tăng trưởng nhập khẩu từ Nga cả về giá trị và khối lượng so với cùng kỳ năm 2023. Kế đó, than các loại, hóa chất, giấy các loại, linh kiện phụ tùng ôtô, phương tiện vận tải khác và phụ tùng...
Phân tích những thuận lợi, cơ hội cho hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Nga, ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Thương vụ Việt Nam tại Nga cho hay, với nỗ lực chung của cả hai bên, một số khó khăn đã từng bước được giải quyết như vận tải biển (tuyến Vladivostok-Hải Phòng-Thành phố Hồ Chí Minh), vận tải đường sắt (tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt Nam-Trung Quốc-Nga)...
Đáng chú ý, từ ngày 4/6/2023, Hãng hàng không IAERO của Nga thực hiện chuyến bay trực tiếp giữa Nga (thành phố Irkusk) và Việt Nam (Hà Nội) bằng máy bay của Nga 2 chuyến/tuần. Đường bay trực tiếp giữa Moskva và Thành phố Hồ Chí Minh hai nước đã được nối lại từ cuối tháng 1/2024.
Hơn nữa, Nga và Việt Nam đã nới lỏng các quy định về visa cho công dân của nhau (từ ngày 1/8/2023 công dân Việt Nam đã có thể xin visa điện tử vào Nga, từ ngày 15/8 người Nga có thể lưu trú tại Việt Nam đến 45 ngày miễn visa)... Những thuận lợi này đã và đang tạo ra cơ hội để Việt Nam-Nga thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch.
Theo ông Dương Hoàng Minh, Việt Nam-Nga là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cho nhau. Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu sản phẩm của Nga để phục vụ sản xuất và tiêu dùng (than đá, kim loại, phân bón, xăng dầu, khí hóa lỏng, thiết bị máy móc, thực phẩm, thủy sản, gỗ...).
Trong khi đó, Nga nhập khẩu từ Việt Nam sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, thực phẩm, đồ uống, hàng dệt may, giày, hàng điện tử, thiết bị máy móc, hàng tiêu dùng...
Không những vậy, kinh tế hai nước được dự báo tăng trưởng khá trong năm 2023 và các năm tới. Tổng ngân sách quốc nội (GDP) của Việt Nam được dự báo tăng khoảng 6-6,5%, của Nga tăng 3,6% trong năm 2023 và sẽ tăng khoảng 3% trong năm 2024.
Tuy nhiên, Tham tán Thương mại Dương Hoàng Minh cho rằng, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước đang đứng trước thử thách rất lớn trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn. Mặc dù cơ quan chức năng cả hai bên đã có nhiều nỗ lực nhưng kim ngạch thương mại song phương giảm sâu, phục hồi chậm, nhiều dự án đầu tư song phương gặp khó khăn trong triển khai cả ở Việt Nam và Nga.
Còn nhiều dư địa
Theo nhận định từ các chuyên gia, từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra (tháng 2/2022), tình hình địa chính trị-kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới thương mại song phương Việt Nam-Nga.
Chính vì vậy, trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 (Vietnam Expo 2024), ông Viacheslav Kharinov, Trưởng đại diện Cơ quan Thương mại Nga tại Việt Nam bày tỏ vui mừng và nhấn mạnh, đây là cơ hội để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thông tin của nhau, từ đó mở ra những cơ hội lớn cho cả hai phía.
Theo ông Đỗ Văn Phương, Giám đốc Công ty Vietfood DV - đại lý chính thức cho thương hiệu café Trung Nguyên tại Nga bày tỏ: Trung Nguyên là thương hiệu cà phê có lượng tiêu thụ lớn nhất tại Nga với 3 thị trường chính là Vlapotosk, Novosibirsk và Moskva. Năm 2023, công ty đã nhập khẩu khoảng 700 tấn cà phê Trung Nguyên các loại vào tiêu thụ ở thị trường này.
Tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Công Thương Nga, hai bên đã rà soát tình hình trao đổi thương mại song phương và đưa ra một số đề xuất phù hợp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn và tăng cường hợp tác kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới, đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác mới như năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định Nga là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng của doanh nghiệp Nga.
Ngoài ra, trong khuôn khổ buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, ông Vladislav Shapsha, Thống đốc tỉnh Kaluga cho biết: Tỉnh Kaluga nằm ở trung tâm phần châu Âu của Nga với lãnh thổ khoảng 30 nghìn km2, dân số hơn 1 triệu người.
Đây là một trong những địa phương có kinh tế phát triển nhất của Nga và lĩnh vực đang được phát triển tốt gồm nhà sản xuất máy phát điện tua bin và động cơ tua bin khí, thiết bị đường sắt, vật liệu xây dựng, điện tử, quang học và các ngành công nghiệp công nghệ cao mới từ công nghệ hạt nhân, hàng không và du hành vũ trụ đến cơ học nano và lọc nước.
Bổ sung thêm về tiềm năng hợp tác với tỉnh Kaluga, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐCL Tập đoàn TH nhấn mạnh: Hiện tại, doanh nghiệp đã đầu tư dự án Khu liên hợp chăn nuôi bò sữa hơn 6.000 con ở các huyện Ulyanovsk và Khvastovichi, Nhà máy chế biến sữa tại Borovsk thuộc Đặc khu kinh tế Kaluga với tổng số vốn dự kiến hơn 450 triệu USD.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên mong muốn hai bên tích cực giữ liên lạc, trao đổi thông tin, cũng như tăng cường giới thiệu về tiềm năng của tuyến vận tải đường sắt liên vận quốc tế tới Ga Vorsino (Kaluga), tiếp tục cung cấp thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và môi trường đầu tư của Việt Nam cũng như của tỉnh Kaluga...
Bộ trưởng cũng đề nghị hỗ trợ thúc đẩy hiệu quả các khía cạnh hợp tác nhằm mang đến lợi ích thực chất cho doanh nghiệp hai nước, tận dụng tối đa hiệu quả của mối quan hệ truyền thống giữa hai nước cũng như của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU).
Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Nga, theo Vụ Thị trường châu Âu- châu Mỹ, tình hình xung đột giữa Nga và Ukraine trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến rất khó lường. Do đó, khuyến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp có hợp tác với thị trường Nga cần theo dõi sát tình hình thị trường để có các biện pháp ứng phó phù hợp.
Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ lưu ý trước khi giao dịch, ký hợp đồng ngoại thương doanh nghiệp cần tiến hành tìm hiểu, kiểm tra kỹ về đối tác (có thể thông qua Thương vụ), nhất là các đối tác tìm được trên môi trường Internet, để tránh gặp các trường hợp lừa đảo. Hơn nữa, nội dung của hợp đồng cần đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, nghiên cứu có biện pháp khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tự chủ động tổ chức hoạt động; khuyến khích, hỗ trợ địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp tổ chức đoàn xúc tiến thương mại (khoảng 5-10 doanh nghiệp) tham dự các triển lãm chuyên ngành cụ thể như may mặc, đồ gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, đồ uống, cà phê, chè, công nghiệp cơ khí chế tạo tại Nga trong năm 2024.
Theo ông Dương Hoàng Minh, doanh nghiệp Nga cần vận dụng ưu đãi do các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam mang lại; trong đó, có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EAEU. Mặt khác, tăng cường đầu tư sản xuất các sản phẩm Nga có thế mạnh tại Việt Nam để xuất khẩu ngược về Nga và các nước SNG hoặc sang các thị trường khác mà Việt Nam có FTA.
Đối với doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, ông Dương Hoàng Minh cho rằng doanh nghiệp nên trực tiếp tham dự trưng bày sản phẩm hoặc tham quan triển lãm chuyên ngành lớn của Nga nhằm tìm hiểu thị trường và đối tác kinh doanh, qua đó đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường quan hệ thương mại hai bên./.
Nguồn: Động lực mới thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Nga | Vietnam+ (VietnamPlus)