Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa theo lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại - Quốc hội) Triệu Lạc Tế, từ ngày 7-12/4/2024 đã thành công tốt đẹp.
Đánh giá về kết quả chuyến thăm, ông Vũ Hải Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho biết hai bên đã trao đổi thực chất, toàn diện, sâu sắc về quan hệ hai Đảng, hai nước, quan hệ giữa cơ quan lập pháp, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Hai bên cùng nhất trí một số trọng tâm nhằm cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao như: duy trì tiếp xúc cấp cao, các cấp; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác thực chất; mở rộng giao lưu nhân dân và tăng cường hợp tác đa phương...
Duy trì trao đổi chiến lược, củng cố tin cậy chính trị
Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh tổng thể chung là quan hệ hai Đảng, hai nước thời gian qua đạt được nhiều tiến triển tích cực, nhất là sau hai chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Trung Quốc (tháng 11/2022) và chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam (tháng 12/2023).
Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là chuyến thăm cấp cao đầu tiên sau khi hai nước tuyên bố nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược Việt Nam-Trung Quốc vào tháng 12/2023.
Tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; hội đàm với Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế; hội kiến Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh.
Các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Chủ tịch Quốc hội và các nhà lãnh đạo Trung Quốc góp phần duy trì trao đổi chiến lược, củng cố tin cậy chính trị giữa hai Đảng, hai nước.
Theo Tân Hoa xã, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế đã nhấn mạnh việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đầu tiên ngay sau khi đoàn tới Bắc Kinh thể hiện sự coi trọng cao độ quan hệ hai nước và chuyến thăm của đoàn đại biểu cấp cao Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Trong khi đó, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc Vương Hộ Ninh cũng nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam nỗ lực hết sức thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung-Việt.
Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc sẵn sàng cùng Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng góp cho sự phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước.
Trong tổng thể quan hệ hai Đảng, hai nước, hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp luôn đóng vai trò quan trọng. Từ năm 1956, Chủ tịch Quốc hội Tôn Đức Thắng là khách quốc tế đầu tiên của Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, tiếp nối truyền thống đó, kết quả nổi bật trong chuyến thăm này là việc hai bên ký Thỏa thuận hợp tác mới, trong đó thiết lập cơ chế hợp tác liên nghị viện do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Ủy viên trưởng Nhân đại toàn quốc Trung Quốc đồng chủ trì, thể hiện mức độ hợp tác tin cậy cao nhất giữa nghị viện các nước.
Cơ quan lập pháp hai nước sẽ thúc đẩy các hình thức như: trao đổi đoàn, tổ chức khóa bồi dưỡng nghiên cứu, đào tạo, hội thảo chuyên đề, thúc đẩy hợp tác giữa Hội đồng nhân dân và Nhân đại địa phương các tỉnh, thành phố của hai nước...
Cùng với đó, Văn phòng Quốc hội đã ký Thỏa thuận hợp tác với Ban Thư ký Nhân đại toàn quốc Trung Quốc nhằm thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai phục vụ hoạt động của cơ quan lập pháp hai nước trong thời gian tới.
Thúc đẩy hợp tác, tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm
Tọa đàm cải cách doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh; hai diễn đàn chính sách, pháp luật thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam-Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Thượng Hải và tỉnh Vân Nam, đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, tham gia của lãnh đạo, đông đảo doanh nghiệp hai bên.
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra những yếu tố giúp Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư như: hai nước đều có nền kinh tế mở với xuất khẩu đóng vai trò quan trọng, có năng lực thích ứng các nguyên tắc thương mại quốc tế; hai nền kinh tế có sự tương thích, gắn kết và bổ trợ lẫn nhau…
Hai bên chia sẻ nhiều nội dung như xây dựng các dự án hợp tác hạ tầng quy mô lớn. Việc ban hành các văn bản luật về chính sách tạo thuận lợi xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa sẽ góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch, tạo thuận lợi cho thương mại hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản liên quan đến lợi ích của đông đảo người dân.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội đã tiếp các doanh nghiệp Trung Quốc. Các doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đánh giá cao sự phát triển cũng như môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác, đầu tư tại Việt Nam thông qua các dự án tiêu biểu cho sự phát triển trình độ cao của Trung Quốc…
Tại các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm, lãnh đạo Quốc hội Việt Nam và Nhân đại toàn quốc Trung Quốc nhất trí cùng hai chính phủ xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với khuôn khổ pháp luật hoàn thiện, thông thoáng, góp phần đẩy mạnh hợp tác đầu tư chất lượng cao.
Hai bên chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong xây dựng thể chế, chính sách phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; nhất trí tăng cường trao đổi giữa các ủy ban chuyên môn của Quốc hội, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề lớn, xây dựng và phát huy nền dân chủ nhân dân…
Đơn cử như mô hình Điểm liên hệ lập pháp của Nhân đại Trung Quốc để lấy ý kiến của người dân đối với các dự thảo luật là gợi ý có giá trị tham khảo cho Quốc hội Việt Nam. Phía Trung Quốc đánh giá cao những đổi mới trong phương thức hoạt động của Quốc hội Việt Nam, như chất vấn trực tiếp tại các kỳ họp.
Đoàn đại biểu và các bộ, ngành liên quan cũng đã khảo sát thực tế, trao đổi kinh nghiệm về cải cách, quản lý doanh nghiệp nhà nước, phát triển hệ thống đường sắt cao tốc, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, khu thương mại tự do, phát triển năng lượng xanh, nông nghiệp thông minh, xây dựng thành phố của nhân dân…
Tại thành phố Thượng Hải, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm Khu thí điểm thương mại tự do Thượng Hải (SHFTZ); nghe giới thiệu, cùng trao đổi, tìm hiểu về khung khổ thể chế, cách thức vận hành và các chính sách đặc thù cho SHFTZ, kinh nghiệm thực tiễn triển khai các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát…
Tại thành phố Côn Minh, Chủ tịch Quốc hội đã tới thăm một số cơ sở kinh tế tiêu biểu về phát triển năng lượng xanh, nông nghiệp thông minh…
Trong khuôn khổ chuyến thăm đã diễn ra lễ ký kết các bản ghi nhớ hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Trung Quốc, trong đó có doanh nghiệp ngành hàng không hai nước…
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, chuyến thăm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, thiết thực của Chủ tịch Quốc hội và các thành viên trong đoàn, lãnh đạo một số địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hai nước ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Vân Nam đã góp phần tạo thêm cơ hội hợp tác, tăng cường hiểu biết, học hỏi và chia sẻ lẫn nhau, mang lại cơ hội hợp tác thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và địa phương.
Củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn
Tại thủ đô Bắc Kinh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dự Gặp gỡ hữu nghị nhân dân Việt Nam-Trung Quốc với sự tham dự của đông đảo đại biểu nhân sĩ trí thức, các cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, các học giả, nhà nghiên cứu về Việt Nam, đại biểu các doanh nghiệp, thanh thiếu niên...
Tại đây, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ từ đầu thập niên của thế kỷ XX, các nhà cách mạng tiền bối của Việt Nam và Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã kề vai sát cánh, đoàn kết giúp đỡ, ủng hộ lẫn nhau, cùng nhau kết nên mối quan hệ thắm thiết "vừa là đồng chí, vừa là anh em," ngày nay trở thành tài sản chung quý báu của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, cần không ngừng gìn giữ, bồi đắp, trao truyền cho các thế hệ mai sau.
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc. Chủ tịch Quốc hội chúc cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc tiếp tục phát huy tinh thần tương thân tương ái, nâng cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển; nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập tích cực, tuân thủ pháp luật và đóng góp cho phát triển ở sở tại; đồng thời luôn hướng về quê hương, đất nước, là cầu nối cho quan hệ truyền thống hữu nghị và đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Trong suốt những năm tháng cách mạng, tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân tới nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm dự án tiêu biểu về công nghệ cao tại Trung tâm sáng tạo nông nghiệp xanh Vân Thiên Hoá tỉnh Vân Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Tại tỉnh Vân Nam, địa phương giáp với tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Quốc hội và đoàn đã đến dâng hoa và thăm Khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 89-91 phố Nam Hoa Sơn, thành phố Côn Minh - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc ở đây từ tháng 2/1940 đến tháng 10/1940…
Là lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đến nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không chỉ góp phần vào mối quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp mà còn cho tổng thể chung của quan hệ hai Đảng, hai nước trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, an ninh-quốc phòng, hợp tác thực chất, nhất là kinh tế-thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, phối hợp đa phương, giao lưu nhân dân, kiểm soát và giải quyết bất đồng trên biển theo đúng định hướng “6 hơn” mà lãnh đạo cao nhất hai bên đã thống nhất.
Với hơn 40 hoạt động chính thức cấp cao và nhiều hoạt động bên lề phong phú, thực chất, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp tục là bước tiến mới trong quan hệ hai nước, thể hiện sự đóng góp quan trọng, thiết thực của Cơ quan lập pháp đối với sự phát triển tổng thể của quan hệ hai Đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc./.