Với vị trí kinh tế-chính trị quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang phấn đấu trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Những mục tiêu lớn
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phương hướng Phát triển Kinh tế-Xã hội và bảo đảm Quốc phòng, An ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là những mục tiêu, bước đi cụ thể trong lộ trình phát triển của vùng kinh tế này.
Nghị quyết đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030: Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 6,5-7%/năm.
Tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng thu nhập vùng (GRDP) khoảng 20%; công nghiệp-xây dựng khoảng 32%; dịch vụ khoảng 46%; thuế và trợ cấp khoảng 2%.
GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 146 triệu đồng/người/năm.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 42-48%; có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nâng cao.
Quy hoạch xác định Đồng bằng sông Cửu Long chủ động kiến tạo phát triển vùng theo hướng bền vững, hài hòa, dựa trên 3 trụ cột kinh tế-xã hội-môi trường; lấy con người là trung tâm.
Trong 20 năm tới, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng đạt 65%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt 25%; tỷ trọng lao động khu vực phi nông nghiệp đạt 75-80%.
Với điều kiện đặc thù, sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi; tôn trọng quy luật tự nhiên phù hợp với điều kiện thực tế đẩy, mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng Kinh tế Xanh, Kinh tế Tuần hoàn, Nông nghiệp Sinh thái là trọng tâm, công nghiệp năng lượng là đột phá, dịch vụ là bệ đỡ.
Đến năm 2030 nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 7,5%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đạt 98-100% ở đô thị, 70% ở nông thôn.
Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại từ đô thị và công nghiệp đạt 100%.
Kiến tạo động lực để phát triển bền vững
Đồng bằng sông Cửu Long là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á, vựa lúa của cả nước, có nền văn minh sông nước độc đáo, nơi sinh sống của hơn 17 triệu đồng bào dân tộc anh em như Kinh, Khmer, Chăm...
Đây là vùng kinh tế có vị trí địa chính trị-an ninh quốc phòng hết sức quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước, vì vậy luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Nhiều nghị quyết, văn bản quan trọng về Đồng bằng sông Cửu Long đã được Đảng, Nhà nước ta ban hành, trong đó có Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 20/1/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001-2010.
Mục tiêu của Nghị quyết đến nay đã cơ bản hoàn thành. Những kết quả đạt được đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước thời gian qua...
Để đạt mục tiêu đến năm 2050, Đồng bằng sông Cửu Long trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng, giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới, Đồng bằng sông Cửu Long đã vạch ra những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu.
Trước hết tập trung thực hiện tốt công tác hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.
Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng để đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Khai thác hiệu quả các thế mạnh đặc biệt, chiến lược phát triển vùng vạch kế hoạch xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới.
Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với vùng chuyên canh, kết nối với các đô thị.
Phát triển bền vững không thể thiếu nguồn năng lượng-hạ tầng bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang triển khai nguồn điện, lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.
Phát triển Công nghiệp Xanh, Năng lượng Sạch, Năng lượng Tái tạo, nhất là điện gió, điện Mặt Trời gắn với bảo vệ rừng và bờ biển.
Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thành hệ thống đường bộ cao tốc kết nối vùng với vùng Đông Nam Bộ, hệ thống cảng biển và các cửa khẩu quốc tế.
Cụ thể, đến năm 2030, vùng sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.
Trong nông nghiệp, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển dịch từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững.
Phát triển các sản phẩm chiến lược theo 3 trọng tâm: thủy sản, trái cây và lúa gạo, theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản, trái cây và giảm tỷ trọng lúa gạo, đồng thời chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ, công nghệ số phù hợp với quy luật tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoàn thành quy hoạch tổng thể, điều chỉnh hệ thống công trình phòng thủ trên địa bàn, xây dựng đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hạ tầng cơ sở quốc phòng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một bài toán chiến lược trong đảm bảo an ninh cả trên đất liền, ven biển, đảo, tạo bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.