Với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong 4 tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc và đạt được kết quả tích cực.
Xuất khẩu tăng đều ở cả 3 nhóm hàng
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2024 ước đạt 30,94 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng, xuất khẩu hàng hóa thu về khoảng 123,64 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm nổi bật là xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 3 nhóm hàng, cụ thể, nhóm hàng nông sản ước đạt 11,98 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 9,69% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Đáng chú ý, giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm này đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng như: càphê tăng 57,9%; gạo tăng 36,5%; chè các loại tăng 25,5%; rau quả tăng 32,1%; nhân điều tăng 21,2%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 19,2%.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết giá nhiều loại nông sản của Việt Nam trong đó có hồ tiêu của Việt Nam đang được lợi về giá do nguồn cung trên thế giới giảm. Tuy nhiên, để đóng góp tích cực cho xuất khẩu chung của toàn ngành, bà khuyến nghị các hộ sản xuất đảm bảo được chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo cũng phát huy được lợi thế, với kết quả ước đạt 104,65 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Với thị phần chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nhiều sản phẩm trong nhóm hàng công nghiệp chế biến đều thu về giá trị cao, như: Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 63,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 34,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 29,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 23,7%; sắt thép các loại tăng 20,7%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 10%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9,9%; hàng dệt và may mặc tăng 6,3%; giầy dép các loại tăng 5,7%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6,6%... Ngoài ra, sau 4 tháng, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Công Thương đánh giá, các thị trường chủ lực và đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều có sự phục hồi tốt. Đơn cử, xuất khẩu sang Hoa Kỳ ước đạt 34,12 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ giảm 21,6%); tiếp đến là thị trường Trung Quốc ước đạt 17,96 tỷ USD, tăng 14,4% (cùng kỳ năm 2023 giảm 13%); thị trường EU ước đạt 16,35 tỷ USD, tăng 15% (cùng kỳ giảm 10,8%); Hàn Quốc ước đạt 8,36 tỷ USD, tăng 10,2%; Nhật Bản ước đạt 7,66 tỷ USD, tăng 4,6%.
Đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường
Ở chiều ngược lại, trong tháng 4, cả nước đã chi khoảng 30,26 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa các loại. Tính chung bốn tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 115,24 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, chiếm 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 4 tháng đầu năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước, với kim ngạch ước đạt 102,4 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực của sản xuất và xuất khẩu khi nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tăng khá cao.
Như vậy, trong tháng 4/2024, Việt Nam tiếp tục xuất siêu khoảng 0,68 tỷ USD. Lũy kế 4 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,4 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 7,66 tỷ USD).
Để tiếp tục đạt kết quả cao về xuất khẩu trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị chức năng hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp. Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Bên cạnh đó, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tiếp đến là xây dựng các giải pháp giúp doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; Phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, từ đó tạo đà cho hàng hóa Việt Nam vươn xa, xuất khẩu bền vững./.