Đối thoại với nông dân Long An về phát triển kinh tế nông thôn bền vững

13:31 - 30/10/2024

Lãnh đạo tỉnh mong muốn nông dân phát huy quyền làm chủ của mình, đại diện nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An trả lời thắc mắc của nông dân về Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)
 
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Long An trả lời thắc mắc của nông dân về Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Ngày 29/10, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm chủ trì buổi đối thoại về chủ đề "Nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể xu hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững."

Buổi đối thoại có sự tham gia của đại diện các sở ngành, địa phương, ngân hàng và 180 đại biểu là nông dân điển hình và đại diện hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn.

Thông qua chương trình đối thoại lần này, lãnh đạo tỉnh mong muốn nông dân phát huy quyền làm chủ của mình, đại diện nông dân trong tỉnh, các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trực tiếp phản ánh tâm tư, nguyện vọng.

 

Tại buổi đối thoại, đại biểu là nông dân, đại diện nông dân, hợp tác xã các địa phương thắc mắc các vấn đề liên quan chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho kinh tế tập thể; nguồn vốn vay, điều kiện cho vay đối với các hợp tác xã, tổ hợp tác; đầu ra cho sản phẩm; việc phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị; việc xây dựng và thực hiện các đề án như “Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nuôi thủy sản vùng Đồng Tháp Mười”; cần có chính sách của Nhà nước về chuyển đổi cơ cấu cây trồng như hỗ trợ cây giống, vật tư, trang thiết bị như máy bay phun thuốc…

Nông dân vùng Đồng Tháp Mười cũng băn khoăn việc để thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì người nông dân cần có điều kiện gì, thời gian triển khai và người dân tăng nguồn thu từ việc bán tín chỉ cacbon này như thế nào...

Những vấn đề mà nông dân quan tâm, cơ bản đã được các sở ngành trả lời thấu đáo, cặn kẽ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm khẳng định nông dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xu hướng phát triển kinh tế nông thôn bền vững. Những vấn đề đưa ra không chỉ là những nguyện vọng chính đáng, những điều băn khoăn, trăn trở, mà còn là những gợi mở để lãnh đạo tỉnh quan tâm, cân nhắc trong quá trình lãnh đạo, điều hành kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, các ngành chức năng đã có kế hoạch ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tổ chức thu hoạch và tiêu thụ nông sản; trao đổi làm việc với doanh nghiệp về bình ổn giá; ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và các đối tượng lao động theo các quy định của Trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh…

Mặc dù vậy, nông dân còn đối mặt với những khó khăn tồn tại như giá cả nông sản không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng cao; dịch bệnh gia tăng; các liên kết sản xuất chưa bền vững, lưu thông hàng hóa bị hạn chế dẫn đến nông sản của tỉnh có giai đoạn bị tồn đọng...

ttxvn_long_an_2_resize.jpg
Đại diện nông dân thành phố Tân An nêu ý kiến tại buổi đối thoại. (Ảnh: Đức Hạnh/TTXVN)

Tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An đề nghị các sở ngành, địa phương thời gian tới, tiếp tục có những hành động nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Cụ thể như giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường; nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ quản lý hợp tác xã phải thật sự chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, tăng cường quản lý nhà nước đối với một số mặt hàng thiết yếu, vật tư nông nghiệp, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá và nâng cao hình ảnh sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; các hoạt động kết nối cung cầu, các hoạt động thương mại tiêu thụ nông sản, xây dựng các sàn giao dịch nông sản hiệu quả; đặc biệt quan tâm đầu tư kết nối thương mại điện tử cho người dân.

Ngoài ra đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp thông qua xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với triển khai các chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào trong lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở nông thôn và toàn tỉnh.

Ông Nguyễn Minh Lâm cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận mạnh mẽ tiến bộ khoa học-công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh, chuyển đổi cơ cấu giống nhằm đạt năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả kinh tế cao, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên nông dân tiếp cận nguồn vốn vay./.

Nguồn: Đối thoại với nông dân Long An về phát triển kinh tế nông thôn bền vững | Vietnam+ (VietnamPlus)