Thị trường ôtô Việt Nam trong tháng đầu năm 2024 giảm sâu khi doanh số bán xe xuống mức rất thấp. Tuy nhiên, một số chuyên gia và hãng xe vẫn đưa ra dự báo khả quan về sự tăng trưởng trong những tháng tiếp theo.
Sức mua yếu, doanh số bán lao dốc
Con số từ từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) vừa công bố cho thấy tổng doanh số bán xe toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 1/2024 chỉ đạt 19.243 xe, giảm tới 50% so với tháng trước.
Trong số đó, phân khúc xe du lịch và xe thương mại đều ghi nhận sự suy giảm đáng kể, lần lượt là 54% và 31,5%. Ngay cả phân khúc xe chuyên dụng cũng không tránh khỏi, giảm 46% so với tháng trước.
Xu hướng giảm sâu cũng phản ánh rõ trong nguồn gốc xe. Số lượng xe lắp ráp trong nước bán ra chỉ còn 9.783 xe, giảm tới 59% trong khi xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng giảm 36% so với tháng trước, đạt 9.460 xe.
Bên cạnh doanh số bán hàng trên, thị trường ôtô Việt Nam còn có sự góp mặt của nhiều hãng xe khác như Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Nissan, Subaru, Volkswagen, Volvo... nhưng các hãng xe này không tiết lộ kết quả kinh doanh.
Tính thêm doanh số bán hàng công bố chính thức từ Tập đoàn Thành Công (TC Group) với thương hiệu xe Hyundai, trong tháng 1 vừa qua đơn vị này tiêu thụ 3.569 xe. Như vậy, tính chung doanh số từ VAMA và TC Group trong tháng 1 vừa qua, toàn thị trường ôtô Việt Nam tiêu thụ 22.812 xe các loại.
Dựa trên báo cáo bán hàng từ VAMA và TC Group, trong tháng 1, hầu hết các doanh nghiệp đều có doanh số giảm từ 45% đến 76%. Dẫn đầu toàn thị trường ôtô Việt Nam về doanh số bán hàng trong tháng 1/2024 là Hyundai khi đạt doanh số 3.569 xe, giảm tới 64% so với tháng liền trước. Các vị trí tiếp theo là Ford bán được 2.671 xe, giảm 45%; Kia 2.369 xe, giảm 50%; Toyota 2.028 xe, giảm 76%; Honda 2.023 xe, giảm 50%; Mazda 1.972 xe, giảm 55%...
Theo chia sẻ của một số chuyên viên kinh doanh tại đại lý xe trên địa bàn Hà Nội, nguyên nhân của việc sụt giảm doanh số mạnh xuất phát từ hai yếu tố.
Thứ nhất, tháng 1 là tháng sát Tết Nguyên đán, dòng tiền của người tiêu dùng được định hướng tới những nhu cầu dịp lễ hơn là tập trung mua ôtô. Thứ hai, tháng 12/2023 là thời điểm cuối cùng để áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ nên người mua các dòng xe nội địa đều tập trung mua sắm vào tháng này để hưởng ưu đãi.
Anh Huy Dũng, nhân viên tại một đại lý xe Mazda quận Hai Bà Trưng cho biết từ đầu năm tới nay, nhu cầu mua sắm ôtô đối với các dòng xe lắp ráp như Kia, Mazda giảm mạnh do không được hỗ trợ bởi yếu tố giảm phí trước bạ như các tháng cuối năm, dù cho các nhà sản xuất đã tung nhiều ưu đãi để kích cầu.
Kỳ vọng tăng trưởng
Sau mức doanh số kỷ lục hơn nửa triệu chiếc đầu tiên trong lịch sử ngành xe Việt Nam vào 2022, thị trường quay đầu giảm 25% trong 2023. Những bất ổn của nền kinh tế vĩ mô khiến sức mua ôtô chịu ảnh hưởng và có khả năng kéo dài sang 2024. Mặc dù vậy, đại diện một số hãng xe và các chuyên gia trong ngành nhận định thị trường ôtô tại Việt Nam vẫn có cơ hội tăng trưởng trong năm nay, tuy nhiên không thể cao như những năm trước đó.
Trong buổi chia sẻ với báo chí đầu năm 2024, ông Ruchik Shah, Tổng giám đốc Ford Việt Nam cho biết ngành ôtô trong năm nay sẽ vẫn tiếp tục gặp khó do chính sách ưu đãi 50% lệ phí trước bạ đối với xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước kết thúc, cùng với việc người dân vẫn thắt chặt chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến doanh số và lượng xe tồn kho. Vì những lý do trên, khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ôtô tại thị trường Việt Nam sẽ còn kéo dài ít nhất tới nửa đầu năm 2024.
“Tuy nhiên, khó khăn chỉ mang tính chất ngắn hạn. Thị trường ôtô Việt Nam vẫn được đánh giá là tiềm năng và đầy hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất. Chúng tôi tin tưởng vào những triển vọng tích cực cho thị trường này trong năm 2024,” vị này chia sẻ.
Còn theo đại diện TC Group, khi qua thời gian này thị trường sẽ dần ổn định trở lại, kì vọng vào doanh số tăng trưởng cao hơn trong các tháng kinh doanh tiếp theo. Toyota Việt Nam cũng đánh giá tình hình thị trường bốn bánh còn nhiều khó khăn và thách thức vì vậy sẽ điều chỉnh kế hoạch bán hàng cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ khách hàng.
Theo đánh giá từ Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, thị trường sẽ thấy sự phục hồi cả về số lượng và giá trị nhờ sự phục hồi kinh tế vào nửa cuối năm, các mẫu xe mới ra mắt, tình trạng thiếu chip cho xe ôtô được giải quyết, cũng như lãi suất cho vay ở mức hấp dẫn hơn so với 2023. SSI dự báo mức tăng trưởng doanh số ôtô trong năm 2024 khoảng 9% so với năm 2023.
Cũng nhận định về thị trường ôtô năm 2024, anh Mạnh Thắng, một chuyên gia trong ngành cho biết khi nền kinh tế chung dần phục hồi, lãi suất cho vay giảm thì nhu cầu tiêu dùng sẽ quay trở lại. Tuy vậy việc chi tiền cho ôtô vẫn chưa thể thoáng như những năm trước bởi tâm lý thận trọng của người dân vẫn thường trực, người tiêu dùng sẽ ưu tiên chi tiêu vào những mặt hàng cần thiết hơn.
“Việc giảm giá xe vẫn thường xuyên được duy trì trong năm 2024 bởi sức mua còn chưa quá dồi dào và kèm theo đó lượng xe tồn kho còn lớn, các hãng sẽ đẩy mạnh kích cầu để xả bớt… Đây là hình thức bán hàng có tác động trực diện nhất đến tâm lý mua sắm của người dùng,” anh Thắng nói thêm.
Về xu hướng tiêu dùng, các chuyên gia nhận định trong năm 2024 xe gầm cao cỡ nhỏ vẫn tiếp tục là mảnh đất màu mỡ của các hãng, bên cạnh MPV. Sau Tết, các đại lý Mitsubishi đang rục rịch giao X-Force tới tay khách hàng, cùng với Hyundai Venue để cạnh tranh với các mẫu Hyundai Creta, Kia Seltos, Sonet, Toyota Corolla Cross… Sự góp mặt của VinFast VF 3 trong nửa sau 2024 sẽ khuấy động thêm phân khúc gầm cao cỡ A+…
Cùng với đó, mảng xe điện trong năm nay sẽ lan toả mạnh mẽ và nhận được nhiều sự quan tâm hơn tại thị trường Việt. Hiện VinFast gần như không có đối thủ ở phân khúc phổ thông khi dải sản phẩm thuần điện trải dài từ cỡ A+ đến E như VF 3, e34, 5, 6, 7 ,8 9… Những hãng như Toyota, Hyundai, Mitubishi... bán các sản phẩm hybrid hoặc thuần điện mang thêm lựa chọn cho người dùng với Crolla Cross hybrid, Xpander hybrid, SantaFe hybrid… Với các hãng xe sang, ngoài BMW và Mercedes, xe điện sẽ có thêm các lựa chọn khác từ Volvo và Porsche./.