Doanh nghiệp vừa và nhỏ nắm bắt cơ hội thời Covid

16:12 - 09/12/2021

Năm thứ 2 chống chọi với thị trường đầy biến động do đại dịch Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn không ngừng nắm bắt cơ hội vươn lên.

Từ dữ liệu của Tổng cục thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong 10 tháng đầu năm 2021 là hơn 93 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi ngày, cứ khoảng 323 doanh nghiệp rút lui lại có 312 doanh nghiệp mới gia nhập vào thị trường kinh tế thương mại. Con số này cho thấy sức bật đáng kể của những nhà kinh  doanh dù bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Phép thử tồn tại 

Theo Thạc sĩ Đặng Văn Mỹ, giảng viên Trường Đại học Tài chính - Marketing,  chuyên ngành Quản trị kinh doanh: việc thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam cũng  như thủ tục đăng ký cấp phép tương đối đơn giản nên dù không đủ khả năng, nhiều doanh nghiệp mới vẫn có thể “khai sinh”. Điều này là một trong những  nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn thị trường. Tuy nhiên đây cũng chính là  phép thử mà chỉ doanh nghiệp nào biết nắm bắt cơ hội mới có thể tồn tại và phát  triển.

“Tôi nhìn thấy một lượng lớn doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ để tiếp  cận dễ dàng với lượng khách hàng trực tuyến” – đó là nhận định của anh  Nguyễn Hồng Quân - người sáng lập nền tảng Minimo - trang thương mại điện tử chuyên kết nối các doanh nghiệp phân phối sản phẩm.

Dịch bệnh đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang  trực tuyến. Điều này buộc các doanh nghiệp phải thay đổi, thích ứng, trong đó có  việc tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin.

Chính vì thế, đầu năm 2021, chàng trai sinh năm 1984 đã phát triển mô hình  thương mại điện tử nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng gia tăng  của người tiêu dùng Việt Nam. Dù là doanh nghiệp mới nhưng hiện nay Minimo đã có được một nguồn đối tác nhất định với đa dạng các mặt hàng - từ mỹ phẩm,  hàng tiêu dùng đến thực phẩm, đồ điện gia dụng.

Không chỉ Nguyễn Hồng Quân mà nhiều “doanh nghiệp trẻ” cũng nhìn ra được  vấn đề này. Thành lập đầu năm 2019 bởi Nguyễn Xuân Vinh, "FoodHub.vn - Thực phẩm sạch cho người bận rộn" trở thành  nền tảng thương mại trực tuyến quen thuộc, chuyên cung cấp thực phẩm sạch tại  nhà cho người dân trên địa bàn Hà Nội.

Anh Nguyễn Xuân Vinh – CEO FoodHub.vn. (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị).

Anh Nguyễn Xuân Vinh – CEO FoodHub.vn. (Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị).

Năm 2019, FoodHub tham gia Batch 01 của Quỹ ThinkZone và là một trong 3 startup được nhận đầu tư từ ThinkZone. Sau 2 năm đưa ra thị trường, hiện nay Foodhub có 25.000 khách hàng cài app và sử dụng thường xuyên, tăng trưởng 160% giá trị đơn hàng và tăng 200% lượng đơn hàng/ngày.

Đặc biệt, FoodHub.vn đã giải quyết hiệu quả nhu cầu sinh hoạt của người dân Hà  Nội khi không thể tới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại để mua sắm như trước  vì ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thời điểm trước dịch, ứng dụng này chỉ có 18.000 lượt người dùng nhưng sau 2  tuần giãn cách xã hội đã tăng thêm 7.000 người - mức tăng trưởng chưa từng có.  Hiện nay, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn nhiều từ 200 đến 300%. Thậm chí có  những thời điểm, FoodHub.vn lọt top 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất.

Song, nhìn vào bối cảnh chung của nền kinh tế thương mại hiện nay, phải  chấp nhận sự thật rằng không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ bản lĩnh để chinh  chiến trên thương trường.

Cần chuẩn bị tốt nguồn lực 

Trong 9 tháng đầu năm 2021, hơn 90% doanh nghiệp cho biết tác động của dịch  ở mức độ "hoàn toàn tiêu cực" và "phần lớn là tiêu cực", tăng so với con số 87,2% của khảo sát năm 2020 - theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công  nghiệp Việt Nam (VCCI) trên gần 3.000 doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Văn Hoang, Nhà sáng lập – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Banuli - một doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực da giày chia sẻ trong nhóm “Giúp  nhau khởi nghiệp” trên mạng xã hội Facebook: “Từ cuối năm 2020 đến tháng  10 năm 2021, công ty từ 7 cửa hàng bây giờ còn 3 cửa hàng. Đặc biệt sau 4  tháng giãn cách, có 3 cửa hàng phải chấp nhận cắt lỗ, đóng cửa”.

“Nhắc tới Covid-19, thì không dừng lại ở đó, năm 2021 là năm ảnh hưởng nhiều nhất. Mất mát về con người, mất mát về kinh tế, một sự tàn phá khủng khiếp. Tôi không ngoại lệ.” – Anh Nguyễn Văn Hoang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Banuli.(Ảnh: Facebook nhân vật).

Nhắc tới Covid-19, thì không dừng lại ở đó, năm 2021 là năm ảnh hưởng nhiều nhất. Mất mát về con người, mất mát về kinh tế, một sự tàn phá khủng khiếp. Tôi không ngoại lệ.” – Anh Nguyễn Văn Hoang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Banuli.(Ảnh: Facebook nhân vật).

Không chỉ các doanh nghiệp vừa và nhỏ điêu đứng, hàng loạt ông lớn trong nhiều  lĩnh vực khác nhau cũng ngậm ngùi rút lui. Không khó bắt gặp ảnh tượng chuỗi cửa hàng lớn như StarBucksThế giới di độngCircle K,… phải đóng cửa trả mặt  bằng vì vắng bóng khách hàng. Tất cả sự nhộn nhịp của các địa điểm kinh doanh  được đầu tư kỹ lưỡng đều không thể duy trì được nữa. 

Để có một hướng đi khả quan hơn và từng bước phục hồi doanh nghiệp, cần phải chuẩn bị tốt những nguồn lực, nhất là con người - phải có những người  quản trị giỏi. Ngoài ra việc tìm kiếm những cơ hội đích thực từ nhu cầu của  thị trường và trang bị một sức cung ứng đủ cũng rất cần được chú trọng.” – Thạc sĩ Đặng Văn Mỹ chia sẻ

 

Diệu Phú - Thảo Nguyên - Thanh Hằng - Quàng Đạt - Thùy Dung

 

https://www.phapluatplus.vn/doi-song/doanh-nghiep-vua-va-nho-nam-bat-co-hoi-thoi-covid-d172422.html