Doanh nghiep Thanh pho Ho Chi Minh vuot kho duy tri san xuat hinh anh 1Công nhân làm giày da trong nhà máy Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giày Gia Định, thành phố Thủ Đức. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Ngay từ đầu năm 2023, một số chuyên gia đã đưa ra dự báo kinh tế năm 2023 sẽ diễn biến phức tạp và khó khăn ngay cả tại thị trường nội địa lẫn toàn cầu.

Ghi nhận trong những tháng đầu năm nay, hầu hết đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng không ngừng nỗ lực vượt qua thách thức để duy trì hoạt động và tạo việc làm cho người lao động.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Còn riêng tháng 2/2023, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng 12,4% so với tháng trước và tăng 12,7% so với cùng kỳ.

Đối với ngành công nghiệp cấp II, có 15/30 ngành có chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung hai tháng đầu năm 2023 tăng so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, 4 ngành công nghiệp trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung hai tháng đầu năm 2023 tăng 8,6% so với cùng kỳ.

 

Ngược chiều với những nhóm ngành trên, thì 3 ngành công nghiệp truyền thống có chỉ số sản xuất công nghiệp tính chung hai tháng đầu năm 2023 giảm 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó, ngành dệt có chỉ số sản xuất giảm 8,3%; ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 18%; sản xuất trang phục giảm 20,6%.

Chỉ số lao động làm việc tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính chung hai tháng đầu năm 2023 giảm 2,5% so với cùng kỳ.

Một số ngành có chỉ số lao động giảm như in, sao chép bản ghi các loại; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế); sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học...

[Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nỗ lực vượt khó]

Còn kết quả khảo sát về tình hình thực tiễn của doanh nghiệp vừa được NC Network cũng cho thấy doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với nhiều thách thức trong tiếp cận khách hàng, thông tin thị trường, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, công nghệ, tài chính...

Cộng đồng doanh nghiệp cũng đối diện với những khó khăn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quy trình vận hành sản xuất, quản trị công ty, ứng dụng công nghệ.

Bà Bùi Thị Hồng Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần NC Network Việt Nam, cho biết thêm ở ngành công nghiệp hỗ trợ dù số lượng doanh ngiệp tăng mạnh nhưng chưa đủ và thiếu doanh nghiệp ở nhóm ngành công nghệ nguồn (khuôn, đúc, hàn, ép, xử lý nhiệt...).

Do đó, quy hoạch các khu công nghiệp theo chuỗi cung ứng, Chính phủ và chính quyền địa phương cần có chiến lược dài hạn, xác định ngành công nghiệp mũi nhọn để doanh nghiệp cắt giảm phụ thuộc và phát triển sản xuất bền vững.

Doanh nghiep Thanh pho Ho Chi Minh vuot kho duy tri san xuat hinh anh 2(Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang chia sẻ, không riêng gì Điện Quang mà nhiều doanh nghiệp đã và đang không ngừng thay đổi về tư duy, giải pháp, máy móc, nguồn nhân lực nhằm hướng đến mục tiêu chung của ngành công nghiệp. Cụ thể, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Điện Quang tham gia với cả hai vai trò là nhà cung cấp (supplier) và cả nhà mua hàng (Buyer).

Hiện tại, Điện Quang đã và đang đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp điện tử và nhựa kỹ thuật để mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Đồng thời, Điện Quang cũng đầu tư dây chuyền sản xuất đồng bộ, gồm: nhà máy Chip Led, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử, sản xuất lắp ráp các sản phẩm OEM, ODM; nguồn nhân lực chất lượng cao; kết nối, hợp tác với các đơn vị trong và ngoài nước để cùng nhau tạo ra cơ hội phát triển.

Còn ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải (Thaco) cho rằng đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng hay nhận những đơn hàng đầu tiên thì đừng thấy khách hàng "ép giá mà sợ" và bỏ cuộc.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cân nhắc và xem đây là một áp lực, thách thức phải vượt qua trên hành trình tìm chỗ đứng trong chuỗi cung ứng, sản xuất nội địa, cũng như toàn cầu.

Trên thực tế, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì hợp lý hóa chuỗi sản xuất, cắt giảm chi phí, tránh lãng phí... là những vấn đề bắt buộc phải chú trọng trong quản trị công ty. Riêng doanh nghiệp vừa và nhỏ thì cần tìm cách thức kết nối với những đối tác khác, tận dụng lợi thế của nhau để đáp ứng đơn hàng và nhu cầu thị trường.

Về phía cơ quan quản lý, ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, ngành công nghiệp thành phố đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của kinh tế địa phương (chiếm khoảng 18% GRDP).

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, cơ cấu ngành công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển dịch đúng định hướng, cơ cấu 4 ngành công nghiệp trọng yếu.

Một trong những ngành có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể kể đến là công nghiệp hỗ trợ. Ngành này, giúp nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong toàn ngành công nghiệp.

Chính quyền thành phố cũng đang xây dựng Đề án khoa học "Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050" nhằm tích hợp vào quy hoạch chung của thành phố. Trên cơ sở này, Đề án kỳ vọng sẽ thúc đẩy công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và công nghiệp cả nước nói chung phát triển mạnh mẽ hơn nữa./.

Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)