Những hạt gạo Ba Chăm được mệnh danh là "hạt ngọc trời" trên vùng đất Gia Lai nắng gió. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)

Giới phân tích cho rằng nguồn cung gạo toàn cầu đang đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn. Vì vậy, gạo có thể chịu áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang có những thuận lợi, vị thế vượt trội để đón đầu xu hướng tăng giá gạo.

Xu hướng tăng giá

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, giá gạo tăng cao do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo. Ngày 8/9, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, chiếm 11% tổng kim ngạch xuất khẩu và đánh thuế 20% đối với các giống gạo khác (trừ gạo basmati và gạo đồ), chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ấn Độ xuất khẩu gạo sang hơn 150 quốc gia và đóng góp khoảng 36,7% vào tổng thương mại gạo toàn cầu, do đó, sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu của Ấn Độ có thể sẽ gây áp lực và khiến giá gạo thế giới tăng.

Khi Ấn Độ cấm xuất khẩu vào năm 2007, giá gạo toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục khoảng 1.000 USD/tấn. Kể từ đầu năm 2021, giá gạo đã điều chỉnh khoảng 45% so với mức đỉnh xấp xỉ 570 USD/tấn trong 6 tháng và sau đó dao động trong khoảng 390-490 USD/tấn trong khoảng thời gian từ tháng 9/2021 đến nay, bất chấp giá thực phẩm tăng cao.

[Nhận định cơ hội tăng trưởng mới cho xuất khẩu gạo Việt Nam]

“Chúng tôi quan sát thấy rằng giá gạo bắt đầu tăng sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ,” chuyên gia phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDRECT Vũ Mạnh Hùng cho hay.

Theo ông Vũ Mạnh Hùng, nguồn cung gạo toàn cầu đối mặt rủi ro do tình trạng thời tiết khắc nghiệt ở các nước xuất khẩu lớn. Khác với các loại hạt khác, giá gạo đi ngược lại xu hướng tăng giá lương thực trong hai năm qua nhờ mùa vụ bội thu và trữ lượng tồn kho lớn tại các nước xuất khẩu.

Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á-nơi sản xuất khoảng 90% sản lượng gạo thế giới có khả năng làm thay đổi xu hướng giá. Thiếu mưa ở Ấn Độ, hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã hạn chế năng suất và chắc chắn làm giảm sản lượng trong năm nay.

Tại Trung Quốc, nước tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới đang xảy ra tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại 7 tỉnh, dẫn tới việc sản lượng sản suất gạo nước này có thể bị sụt giảm từ 3-6% trong năm 2022.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, tồn kho toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm khi dự báo tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trong giai đoạn 2022-2023 chỉ ở mức 34,4%. Trong khi đó, giai đoạn 2018-2022, tỷ lệ tồn kho/tiêu thụ trung bình  đạt 36,6%.

Bên cạnh đó, nhu cầu gạo cũng đang tăng lên. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu gạo lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong năm 2022-2023 do giảm năng suất.

Bên cạnh đó, hiện nay, các nước trên thế giới đang gia tăng bảo hộ mậu dịch nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây xảy ra. Có thể kể đến các lệnh cấm xuất khẩu lương thực bao gồm lúa mỳ và đường từ Ấn Độ, dầu cọ từ Indonesia.

Các nước nhập khẩu thực phẩm như Philippines đang cố gắng tăng lượng tồn kho dự trữ. Vì vậy, gạo có thể chịu áp lực tăng giá trong thời gian tới.

Vị thế đón đầu của Việt Nam

Theo VNDIRECT, Việt Nam có vị thế vượt trội để đón đầu xu hướng tăng giá của gạo. Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan, với 7,8% giao dịch thương mại toàn cầu và là nước xuất khẩu lớn nhất sang Trung Quốc, chiếm 24,5% thị phần.

Doanh nghiep nganh gao Viet Nam co the don dau xu huong tang gia hinh anh 2Thương hiệu gạo “Cơm ViệtNam Rice” của Lộc Trời. (Ảnh: TTXVN phát)

Giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Trong 8 tháng năm 2022, giá trị và sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam lần lượt đạt 2,3 tỷ USD và 4,8 triệu tấn tăng tương ứng   9,9%, 20,7% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, sau Philipines, chiếm 12% tổng xuất khẩu gạo trong 8 tháng năm 2022.

Chính phủ Thái Lan đang tìm kiếm giải pháp để hỗ trợ người nông dân trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Cụ thể, Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chalermchai Sri-on cho biết, mặc dù nông dân trồng lúa bị ảnh hưởng bởi chi phí sản xuất cao do diễn biến phức tạp như đại dịch COVID-19 hay xung đột giữa Nga và Ukraine, nhưng giá gạo trên thị trường thế giới đã chưa tăng tương xứng.

Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam và Thái Lan chiếm tới 20,6% tổng giao dịch thương mại toàn cầu.

Trong bối cảnh giá gạo có xu hướng tăng, giới phân tích cho rằng, những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu lớn sẽ được hưởng lợi.

Đơn cử, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG) có thể sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo, vì doanh nghiệp là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là châu Âu và Trung Quốc.

Với định hướng phát triển tập trung vào mảng lương thực, tỷ trọng doanh thu mảng gạo của công ty đạt 39% trong năm 2021 và 57% trong 6 tháng năm 2022. Trước đó, năm 2020 con số này là 28%.

Mặc dù biên lợi nhuận gộp của mảng thấp, chỉ từ 2-3%, nhưng dự báo sẽ được cải thiện nhờ giá gạo xuất khẩu tăng.

VNDIRECT kỳ vọng sản lượng gạo xuất khẩu tăng sẽ kéo theo những hợp đồng với người nông dân và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ đó sẽ thúc đẩy doanh thu của mảng thuốc bảo vệ thực vật cũng như mảng giống cây trồng của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR) sẽ được hưởng lợi từ việc Trung Quốc giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán.

Kinh doanh gạo là lĩnh vực chủ yếu của doanh nghiệp với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu; trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chính của công ty, với tỷ trọng lên đến 27% doanh thu xuất khẩu.

Vì vậy, giới phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ gia tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam sẽ là động lực giúp Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An tăng sản lượng xuất khẩu.

Hơn nữa, việc giá gạo xuất khẩu được kỳ vọng tăng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp vào thị trường này, nơi vốn được coi là có biên lợi nhuận thấp so với thị trường châu Âu.

Đối với Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã chứng khoán: PAN) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc châu Âu giảm sản lượng và Ấn độ hạn chế xuất khẩu do hạn hán.

Hiện nay, mảng nông nghiệp đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của doanh nghiệp khi đóng góp 19% vào tổng doanh thu và 39% vào tổng lợi nhuận gộp. 

Sản lượng sản xuất lúa gạo châu Âu giảm sẽ là yếu tố giúp thúc đẩy sản lượng xuất khẩu. Ngoài ra, việc giá xuất khẩu gạo được kỳ vọng tăng sẽ giúp gia tăng biên lợi nhuận gộp của mảng lúa gạo.

Thực tế, dù có nhiều triển vọng tăng trưởng, nhưng trong bối cảnh thị trường chung giảm điểm, cổ phiếu ngành gạo cũng đi xuống. Theo đó, tính từ đầu năm tới nay cổ phiếu TAR giảm 34,1%, PAN giảm 33,6%... Ở chiều ngược lại, LTG tăng nhẹ 2,4%./.

(TTXVN/Vietnam+)