Do xo trong sau rieng: Lam gi de khong lap lai diep khuc trong-chat? hinh anh 1Các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển “nóng”cây sầu riêng. (Ảnh minh hoạ: PV/Vietnam+)

Theo Đề án "Phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, định hướng quy hoạch diện tích sầu riêng của cả nước đến năm 2030 ở mức 75.000 ha, nhưng tính đến hết năm 2022 diện tích này đã lên 110.000 ha và vẫn có khả năng tăng nhanh. Bởi lẽ, trước sức hấp dẫn của giá sầu riêng trong thời gian gần đây, nhiều nông dân tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đã ồ ạt bỏ lúa, mít để trồng loại cây này. Tương tự ở Tây Nguyên, sầu riêng cũng đang thay thế nhiều diện tích hồ tiêu, càphê.

Diện tích trồng liên tục tăng đang dẫn đến lo ngại về điệp khúc trồng-chặt sẽ diễn ra với cây sầu riêng trong những năm tới như đã từng diễn ra với mít, thanh long, cam sành… Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

- Ông nhìn nhận thế nào về tình trạng nông dân ồ ạt bỏ lúa, thay thế hồ tiêu, càphê để chuyển sang trồng sầu riêng?

Ông Nguyễn Như Cường: Thời gian qua, người dân ở các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên đua nhau trồng sầu riêng. Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo những rủi ro từ tình trạng này nhưng người dân vẫn tiếp tục trồng sầu riêng ở những nơi không có lợi thế, không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí cả trên đất lúa, đất bị phèn mặn... Nguyên nhân là do thời gian qua giá sầu riêng xuất khẩu tăng cao đã thu hút người dân trồng ồ ạt.

Rõ ràng đã có những “bài học nhãn tiền” nhưng nông dân Việt Nam vẫn có thói quen sản xuất theo phong trào, theo số đông. Chúng ta có xu hướng là phát triển rất “nóng” đối với một số loại cây ăn quả, trong khi thực tế là trồng diện tích nhỏ thì hiệu quả cao, lợi nhuận đem lại lớn nhưng khi sản xuất ồ ạt thì lại thua lỗ.

Ví dụ như trước đây thanh long, hồ tiêu, mít Thái và gần đây nhất là cam sành đều xảy ra tình trạng khi ở quy mô sản xuất nhỏ thì nguồn cung còn thấp, nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá cả cao, hiệu quả và lợi nhuận đem lại rất lớn. Thế nhưng sau đó khi phát triển ồ ạt, giá cam, mít Thái, hồ tiêu giảm mạnh xuống dưới giá thành sản xuất khiến không ít nông dân thua lỗ.

 

Cụ thể, việc phát triển cây hồ tiêu theo quy hoạch đến năm 2020, cả nước trồng 50 ha nhưng đến năm 2017 chúng ta đã trồng trên 120 ha. Hậu quả là nhiều vùng hồ tiêu trù phú đã trở nên tiêu điều vì phát triển nhanh nhưng không được đầu tư xứng đáng, tận thu, lạm dụng phân bón, thuốc hóa học làm kiệt quệ vườn. Nhiều người dân thậm chí đã mất nghiệp vì sản xuất hồ tiêu.

Việc trồng sầu riêng nói riêng và cây ăn quả nói chung ở những vùng đất không phù hợp sẽ bị tác động bởi các yếu tố bất lợi: Hạn hán, mặn xâm nhập, phèn, tầng nước ngầm cao, tầng đất canh tác mỏng... Ngoài ra, việc phát triển "nóng" còn gây ảnh hưởng tới môi trường, chất lượng, giá thành sản phẩm.

Do xo trong sau rieng: Lam gi de khong lap lai diep khuc trong-chat? hinh anh 2Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những khuyến cáo, hướng dẫn gì về phát triển cây sầu riêng trong giai đoạn “nóng” này, thưa ông?

Ông Nguyễn Như Cường: Trong thời gian gần đây, có những lúc giá sầu riêng lên tới 190.000-200.000 đồng/kg khiến người dân tiếp tục phát triển “nóng” cây sầu riêng, không quan tâm đến những định hướng, khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực.

Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh phía Nam và khu vực Tây Nguyên tập trung tuyên truyền phổ biến cho người dân phải phát triển cây chủ lực theo định hướng.

Việc phát triển sầu riêng của các loại cây ăn quả cần một thời gian dài, đầu tư lớn do vậy việc quản lý chất lượng giống cây trồng cũng như việc áp dụng các quy trình canh tác thiết kế từ thiết kế vườn, các quy trình canh tác hệ thống hạ tầng phải đồng bộ hiệu quả.

Đã đến lúc chúng ta thay đổi tư duy sản xuất thay vì phát triển "nóng," phát triển vô tội vạ theo diện tích mà cần tập trung vào sản xuất ở những vùng có lợi thế. Chúng ta phải đầu tư một cách bài bản, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến hiệu quả, tổ chức lại sản xuất, liên kết để làm sao phát triển cây trồng bền vững hơn.

Ngoài ra, chúng ta phải có những chính sách đầu tư về cơ sở hạ tầng logistic, chế biến vận chuyển và khuyến khích doanh nghiệp tiêu thụ chế biến.

- Xin ông cho biết cần nhìn nhận về thị trường như thế nào để có hướng đi đúng cho cây sầu riêng?

Ông Nguyễn Như Cường: Quả sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là thành công lớn của ngành nông nghiệp Việt Nam. Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chúng ta có lợi thế về điều kiện giao thông vận chuyển, thông thương thuận tiện. Điều này làm gia tăng giá trị của nông sản Việt Nam, đặc biệt là với sầu riêng khi mà hiện nay ở Trung Quốc nhu cầu tiêu thụ rất cao.

[Sầu riêng mang kỳ vọng đột phá về xuất khẩu trái cây Việt Nam]

Tuy nhiên, bên cạnh thị trường xuất khẩu, chúng ta không được quên thị trường trong nước với một trăm triệu dân. Hiện nay, một số hộ nông dân trồng sầu riêng xen với càphê và hồ tiêu ở Tây Nguyên rất hiệu quả nhưng do việc cấp mã số vùng trồng của phía Trung Quốc yêu cầu phải trồng thuần sầu riêng. Để được xuất khẩu, rất nhiều hộ nông dân phá hồ tiêu, càphê để biến vườn trồng xen đang rất hiệu quả sang chỉ trồng sầu riêng.

Chúng ta phải xác định rằng thị trường nội địa của chúng ta cũng lớn và chúng ta phải cân đối giữa sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu một cách hợp lý.

Việt Nam không phải quốc gia duy nhất xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc mà còn có Thái Lan, Malaysia, Philippines... Trong số đó, Thái Lan xuất khẩu trước Việt Nam rất lâu và họ có hệ thống phát triển cây sầu riêng khá bài bản. Mới đây nhất, Nhật Bản và Malaysia cũng đã ký hợp đồng trồng 1.000 ha sầu riêng.

Có thể nói rằng sầu riêng đang là một loại trái cây có hiệu quả cao nhưng cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc cũng rất khốc liệt.

Do xo trong sau rieng: Lam gi de khong lap lai diep khuc trong-chat? hinh anh 3(Ảnh: Vietnam+)

- Từ câu chuyện của cây sầu riêng, theo ông các địa phương nên thực hiện phát triển các cây trồng chủ lực như thế nào để tránh điệp khúc trồng-chặt như trong những năm gần đây ?

Ông Nguyễn Như Cường: Việc phát triển một ngành hàng, một loại cây trồng chủ lực đều được các cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo, định hướng bởi đây không phải quy mô của tỉnh mà phải xét ở cấp quốc gia, khả năng tiêu thụ ở thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án và có định hướng để phát triển cây trồng chủ lực với những vùng có lợi thế, được đầu tư, áp dụng những quy trình canh tác hiệu quả, được tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ với mục đích nâng cao giá trị của từng ngành hàng trong đấy có cây sầu riêng.

Vì vậy, các địa phương nên chú ý đến định hướng chung theo đề án của bộ để xây dựng định hướng phát triển các ngành hàng cây ăn quả chủ lực trên địa phương mình. Chẳng hạn như Bình Thuận rất có lợi thế về thanh long, còn Tiền Giang, Đồng Nai và một số tỉnh Tây Nguyên lại có lợi thế hơn về trồng cây sầu riêng và cây trồng khác.

Trên cơ sở đó, các địa phương cần định hướng xác định cây nào là lợi thế của tỉnh để tích hợp vào quy hoạch chung, từ đó có những giải pháp lâu dài, đầu tư cơ sở hạ tầng, kêu gọi doanh nghiệp liên kết chế biến tiêu thụ một cách hợp lý.

Phát triển bền vững cây chủ lực theo vùng sẽ góp phần tránh những hiện tượng trồng rồi lại chặt, chặt rồi lại trồng hoặc phải giải cứu như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nói về tình trạng phá hồ tiêu, càphê để trồng sầu riêng xuất khẩu.

 

Hồng Kiều (Vietnam+)