Thành Vàng Lồng do người Mông dòng họ Vàng xây dựng. Theo tiếng dân tộc Mông, “Vàng” có nghĩa là vua chúa hay vườn, “Lồng” có nghĩa là một vòng tròn.
Thành Vàng Lồng được xây dựng cách đây gần 3 thế kỷ, được xem là một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa. Thành xây dựng lợi dụng tối đa địa hình tự nhiên vì thế tường thành có đường nét uốn lượn mềm mại. Đá xây thành được dựng với phương thức ghè, đẽo hoàn toàn thủ công, sử dụng kỹ thuật ghép đá tinh xảo. Thành cao trung bình 2m, mặt thành rộng 1m, người và ngựa có thể đi trên mặt thành.
Theo khẩu truyền, khoảng thế kỷ thứ XVIII gia đình Vàng Chống Cáng, dân tộc Mông định cư tại bản Tủa Phình (nay là Tả Phìn). Sau khi mẹ của Vàng Chống Cáng mắc bệnh chết, theo phong tục, Vàng Chống Cáng đã thuê một thầy phong thủy xem đất an táng mẹ. Trước khi xem đất thầy phong thủy nói với Vàng Chống Cáng: “Tôi không có gia đình, người thân, chọn được đất tốt chôn cất cho mẹ, nếu ông trở nên giàu có, liệu ông có phụng dưỡng, chăm sóc, coi tôi như người thân trong gia đình không?”. Vàng Chống Cáng nhận lời. An táng mẹ được một thời gian, thầy phong thủy bị mù, Vàng Chống Cáng làm ăn buôn bán thuận lợi, trở nên giàu có nhất vùng, tự xưng là vua. Để bảo vệ tài sản của gia đình, Vàng Chống Cáng thuê người xây thành.
Tuy nhiên, sau khi thầy phong thủy bị mù, thấy không nhờ vả được gì, Vàng Chống Cáng bắt ông lao động, giã gạo, xem thầy như người làm thuê. Thầy phong thủy đã viết thư cho thầy của mình đến giải cứu. Nhận thư của học trò, người thầy đóng giả thương gia buôn bán, dừng chân tại thành Vàng Lồng và tự xưng là người biết xem phong thủy tốt, nói với Vàng Chống Cáng: “Chỗ đất chôn của mẹ ông giờ không được tốt lắm! Có chỗ khác tốt hơn, nếu mẹ của ông được chôn ở đấy, ông sẽ trở nên giàu có hơn”. Với tính tham lam, Vàng Chống Cáng đào mộ mẹ lên chuyển đến nơi an táng mới. Nhưng từ khi chuyển mộ mẹ đi chỗ khác, công việc làm ăn của gia đình Vàng Chống Cáng gặp nhiều khó khăn. Nhân lúc này, đám thợ xây thành bị Vàng Chống Cáng lừa trả công bằng một cục bạc bên trong đổ toàn đồng đã tìm cách trả thù và giết Vàng Chống Cáng.
Di tích thành Vàng Lồng hiện nay thuộc bản Tả Phìn 1, xã Tả Phìn. Với những giá trị lịch sử và kiến trúc, năm 2014 thành Vàng Lồng đã được UBND tỉnh công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Theo các bậc cao niên kể lại thì thành Vàng Lồng được xây dựng chủ yếu vào lúc nửa đêm, bởi cứ mỗi sáng thức dậy người dân trong bản thấy thành cao hơn và cứ như vậy trong vòng 9 năm thành được xây xong. Vật liệu chính để xây thành chủ yếu là đá xếp chồng lên nhau, phản ánh đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, với phong tục khá đặc sắc như mài đá, đập đá, khai thác vật liệu bền chắc xây dựng thành bảo vệ nhà cửa, tài sản, tránh thú dữ…
Hiện nay, theo kết quả khảo sát của cơ quan chức năng, di tích thành Vàng Lồng còn bờ thành phía Tây dài 110m, cao từ 1 - 2m, mặt thành rộng 1m, bờ thành phía Đông dài 90m, cao 1 - 2m. Một số đoạn thành bị sạt, phá hủy do tác động của tự nhiên, một số điểm bị người dân dỡ đá về sử dụng với mục đích: kè nhà, kè bờ rào, làm đường.
Để gìn giữ, phát huy giá trị của di tích, huyện Tủa Chùa đang tập trung triển khai các giải pháp khoanh vùng bảo vệ, tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích, xây dựng phương án trùng tu, tôn tạo thành Vàng Lồng.
Ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Nhận thức rõ những giá trị văn hóa, lịch sử, xã thường xuyên tuyên truyền, vận động những cụ cao tuổi, am hiểu tích xưa kể lại cho con cháu nghe để khuyên răn, dạy dỗ cách sống, đối nhân xử thế. Đồng thời, giáo dục con cháu giữ gìn và bảo vệ công trình kiến trúc độc đáo này.
Nguồn: Báo Điện Biên Phủ