Diễn biến phiên tòa xét xử sai phạm tại dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa
15:15 - 25/12/2022
VKSND truy tố bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về tội bán tài sản nhưng theo bị cáo các văn bản đã ký đều chỉ đạo thanh lý tài sản.
Ngày 24/12, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án vi phạm TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục xét xử vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang (trụ sở cũ của Trường Chính trị Khánh Hòa).
Bị cáo Đào Công Thiên nói làm theo nội dung của hợp đồng BT
Trong ngày, HĐXX tiếp tục tiến hành phần xét hỏi đối với bị cáo Đào Công Thiên, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và Lê Văn Dẽ, cựu Giám đốc Sở Xây dựng.
Theo cáo trạng, bị cáo Đào Công Thiên là người chịu trách nhiệm trong việc ký ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất và bán tại sản trên đất trái pháp luật.
Cụ thể, bị cáo Thiên ký quyết định số 411 giao cho Công ty CP Thanh Yến 7.388,9 m2 đất tại số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang. Trong đó, 4.440 m2 đất ở đô thị và 2.948,9 m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.
Đồng thời ký quyết định 2099 phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với khu đất trên.
Trả lời HĐXX về căn cứ ký quyết định 2099, bị cáo Thiên nói rằng quyết định phê duyệt giá đất là do Sở Tài chính trình lên. Bị cáo đã làm theo chức trách, nhiệm vụ của mình.
Còn việc bị cáo ký quyết định 411 giao đất, cho thuê đất là căn cứ vào nội dung hợp đồng BT đã được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Và, tại thời điểm đó cũng không có ý kiến phản đối nay nội dung khác nên bị cáo ký.
“Căn cứ vào Thông tư 03 hợp đồng dự án sau khi hợp đồng BT được nghiệm thu bàn giao thì trách nhiệm của UBND tỉnh tiến hành giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác.
Nếu lúc đó bị cáo không giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thì phát sinh ra những vấn đề thiệt hại kinh tế, đại diện UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm, trong đó có cá nhân bị cáo. Vì vậy, bị cáo phải ký quyết định 411 giao đất để thực hiện dự án BT Trường Chính trị”, bị cáo Thiên nói.
Theo bị cáo Thiên 2 quyết định trên đều có cơ sở pháp luật nên khi ký 2 quyết định tại thời điểm đó là phù hợp với quy định. Tuy nhiên, bị cáo cũng thừa nhận quyết định 411 cũng có phần sai sót. Đó là việc giao đất không phù hợp quy hoạch sử dụng đất của Tp.Nha Trang. Sau đó, đến năm 2019, bị cáo đã có quyết định 135 khắc phục các vấn đề của quyết định 411.
Giảm giá trị tài sản từ hơn 21 tỷ đồng xuống còn hơn 9,4 tỷ đồng
Bị cáo Thiên cũng là người ký quyết định số 1067, phê duyệt giá trị tài sản trên đất tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo với số tiền hơn 21 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó lại ký Quyết định số 1875 ngày 30/6/2016 giảm chỉ còn hơn 9,4 tỷ đồng.
HĐXX hỏi bị cáo Thiên căn cứ vào quy định nào để ký quyết định giảm giá trị tài sản từ hơn 21 tỷ đồng còn hơn 9,4 tỷ đồng (giảm 55%)?
Bị cáo nói rằng chỉ phê duyệt giá trị còn lại chứ không phê duyệt giảm 55%. Và, bị cáo thay mặt UBND tỉnh phê duyệt giá trị tài sản còn lại. Còn số tiền bao nhiêu, giảm như thế nào do chủ tịch Hội đồng đấu giá tài sản Nhà nước trình lên bị cáo. Bị cáo đã ký hai quyết định được trình lên.
Tại phiên tòa, bị cáo cũng khai sau khi ký phê duyệt giá đầu tiên đem ra đấu giá 2 lần nhưng không thành. Sau đó, Sở Tài chính đã họp hội đồng xem xét giá trị còn lại để tiến hành thanh lý và hội đồng xác định giá còn lại là hơn 9,4 tỷ đồng để đem ra đấu giá lần thứ ba.
Bên cạnh đó, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa nói rằng việc giảm giá xuống còn hơn 9,4 tỷ là do Hội đồng đấu giá tài sản Nhà nước trình lên.
Chiều cùng ngày, bị cáo đã bổ sung căn cứ về vấn đề này. Theo bị cáo, giá phê duyệt ban đầu hơn 21 tỷ đồng sau khi đấu giá nhiều lần nhưng không có tổ chức nào đăng ký mua, do đó, giá khởi điểm trên chưa phù hợp với giá thực tế còn lại của tài sản.
arrow_forward_iosĐọc thêm
Cơ sở pháp lý để xác định giá trên chưa phù hợp là dựa vào Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước số 09/2008. Theo khoản 3, điều 22 của luật này, việc thanh lý tài sản Nhà nước được thực hiện công khai, theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, vì giá đưa ra chưa phù hợp với cơ chế thị trường nên đấu giá không thành công. Và tại Thông tư 137 cũng cho phép giảm giá xuống để phù hợp.
HĐXX hỏi căn cứ vào đâu giảm 55% mà không phải con số khác là phù hợp với giá thị trường?
Bị cáo nói rằng tuy không có quy định mức giảm bao nhiêu nhưng việc thanh lý tài sản phải theo cơ chế thị trường. Mà cơ chế thị trường xác định mua bán hàng hóa, dịch vụ khối lượng, giá cả bao nhiêu là do quan hệ cung cầu quyết định.
“Dù có phê duyệt giảm nhưng vẫn đưa ra đấu giá công khai lại và cũng không có người mua. Đến lần thứ ba, chỉ duy nhất có Công ty Cổ phần Thanh Yến tiến hành mua và tháo dỡ công trình. Bị cáo nói lại để thấy có cơ sở pháp lý mong HĐXX xem xét về nội dung này chứ không tranh luận đúng sai”, bị cáo Thiên nói.
Ngoài ra, bị cáo Thiên cũng nói Viện Kiểm sát nhân dân truy tố bị cáo tội bán tài sản nhưng các văn bản bị cáo ký đều chỉ đạo thanh lý tài sản. Nếu bị cáo có vi phạm thì chỉ vi phạm ở mục thanh lý tài sản. Thanh lý tài sản là bán tài sản không gắn liền với đất, giải phóng mặt bằng để giao cho nhà đầu tư. Còn bán tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất và người mua tài sản đó sẽ tiếp tục sử dụng trên mảnh đất đó. Vì vậy, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét về nội dung này cho đúng với bản chất vụ việc.
Biết không phù hợp với quy hoạch nhưng vẫn ký
Bị cáo Lê Văn Dẽ bị cáo buộc sai phạm trong việc tham mưu các văn bản thỏa thuận và điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch dự án Nha trang Center 2 tại khu đất số 1 Trần Hưng Đạo, Tp.Nha Trang làm cơ sở để thực hiện việc thẩm định giá đất và cấp giấy phép xây dựng không đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Tp.Nha Trang.
Trả lời HĐXX bị cáo cho biết việc cấp phép điều chỉnh từ căn hộ du lịch sang nhà ở để bán là căn cứ vào giấy chứng nhận đầu tư mà UBND tỉnh đã cấp cho nhà đầu tư được thay đổi.
Bị cáo nói rằng giấy chứng nhận đầu tư ví như một tờ giấy khai sinh để cấp cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Do đó, nhà đầu tư sẽ gửi văn bản đến các sở ban ngành yêu cầu thực hiện theo nội dung giấy chứng nhận đầu tư với mục đích, chức năng đã ghi.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo cũng nói rằng giấy chứng nhận lần đầu mà UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho nhà đầu tư là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Còn theo giấy chứng nhận cấp lần sau biến đổi từ căn hộ du lịch sang nhà ở để bán thì chức năng đã thay đổi. Việc này, dù không có văn bản báo cáo cho UBND tỉnh nhưng qua các cuộc họp bị cáo có báo cáo trực tiếp. Bị cáo cũng thấy việc thay đổi từ căn hộ du lịch sang nhà ở để bán là không phù hợp.
Ngày thứ 2 diễn ra phiên tòa.
HĐXX hỏi vì sao nhận thức được việc chuyển đổi là không phù hợp mà bị cáo vẫn ký văn bản 3065 để điều chỉnh thỏa thuận phương án kiến trúc quy hoạch?
“Sở Xây dựng là cơ quan giúp việc của UBND tỉnh, không thể không ký. Vì nhà đầu tư căn cứ vào giấy chứng nhận mà UBND tỉnh đã thay đổi cho họ nên không thể không ký”, bị cáo Thiên nói.
Tuy nhiên, HĐXX nói rằng bị cáo nhận thức như thế là không đúng vì theo chức năng được giao cộng với thẩm quyền của Sở Xây dựng, thì khi phát hiện sai phải có báo cáo, phản hồi để điều chỉnh cho đúng. Giấy chứng nhận đầu tư không thể làm thay đổi mục đích sử dụng đất. HĐXX cũng chỉ ra quy trình tham mưu ngược của Sở Xây dựng.
Về căn cứ để ký giấy phép xây dựng, bị cáo cho biết căn cứ vào 4 văn bản của 3 cơ quan là Cục tác chiến (trực thuộc Bộ Quốc phòng); Bộ Công an và Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy; Cục quản lý hoạt động xây dựng của Bộ Xây dựng.
Bị cáo cũng thừa nhận việc giấy phép xây dựng vi phạm khoản 2 điều 91 Luật Xây dựng. Theo quy định trên có nói rằng việc cấp giấy phép phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Ở đây có kéo theo Luật đất đai vào nhưng bị cáo không chú ý chỗ này.
Bên cạnh đó, HĐXX, Viện kiểm sát và các luật sư cũng đã đặt nhiều câu hỏi đối với 2 bị cáo Thiên và Dẽ để làm rõ các vấn đề.
Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 26/12.
(Link gốc: https://www.nguoiduatin.vn/dien-bien-xet-xu-sai-pham-tai-du-an-bt-truong-chinh-tri-tinh-khanh-hoa-a586934.html)