Diễn biến mới nhất về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành

17:31 - 15/10/2024

Ngay sau khi Bộ GTVT có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không Quốc tế (HKQT) Long Thành, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư siêu dự án này.

Thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư

Theo đó, ngày 14/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1184/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Hội đồng). Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (14/10/2024).

Diễn biến mới nhất về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành chiều 24/9/2024. Đây là lần thứ 4 Thủ tướng kiểm tra dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1. Ảnh: VGP

Theo Quyết định số 1184, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Các ủy viên Hội đồng bao gồm: Lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Tư pháp; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, các thành viên Hội đồng, cơ quan thường trực Hội đồng được thực hiện theo các quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.

Hội đồng có trách nhiệm hoàn thiện Báo cáo thẩm định theo quy định, khẳng định rõ đủ điều kiện để Chính phủ thông qua, trình Quốc hội.

Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản (nếu cần) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.

Các cơ quan có thành viên thuộc Hội đồng thẩm định nhà nước có văn bản cử người gửi về cơ quan thường trực Hội đồng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trước ngày 17/10/2024.

Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Hội đồng tự giải thể sau khi chủ trương điều chỉnh Dự án được cấp có thẩm quyền quyết định.

Đề xuất đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh ngay giai đoạn 1

Diễn biến mới nhất về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành - Ảnh 2.

Đường băng sân bay Long Thành dự kiến được khai thác kỹ thuật trước ngày 30/5/2025. Ảnh: Phước Tuấn

Trước đó, Bộ GTVT đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành.

Tại Tờ trình, Bộ GTVT đề xuất đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh (CHC) vào giai đoạn 1 của dự án, cũng như điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến năm 2026.

Cũng tại tờ trình, Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh chủ trương, cho phép Chỉnh phủ được quyết định đầu tư với từng giai đoạn của dự án mà không phải báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.

Theo Bộ GTVT, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Cảng HKQT Long Thành hoàn thiện được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, giai đoạn 1 của dự án chỉ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh ở khu vực phía Bắc của cảng đường cất hạ cánh số 1.

Trường hợp cảng HKQT Long Thành phải tạm dừng khai thác do xảy ra sự cố trên đường cất hạ cánh, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sẽ đóng vai trò hỗ trợ.

Giai đoạn 2 sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 đường cất hạ cánh cấu hình mở ở phía Nam của cảng (đường CHC số 2) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 50 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 3 sẽ đầu tư xây dựng thêm 2 đường cất hạ cánh (đường CHC số 3 ở phía Bắc và số 4 ở phía Nam) để đáp ứng khai thác với công suất khoảng 100 triệu hành khách/năm.

Quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV - Nhà khai thác cảng sau này) nhận thấy việc xây dựng ngay đường CHC số 3 bên cạnh và cách đường CHC số 1 đang đầu tư 400m để đưa vào khai thác đồng bộ cùng giai đoạn 1 sẽ mang lại nhiều lợi ích cho việc quản lý, khai thác và bảo đảm hiệu quả đầu tư. Cụ thể, có thể đáp ứng tốt nhu cầu khai thác khi 1 đường cất hạ cánh trục trặc.

Trong khi đó, với đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án đến năm 2026, Bộ GTVT cho rằng, việc điều chỉnh phân kỳ xây dựng đường CHC số 3 từ giai đoạn 3 của dự án sang giai đoạn 1 là nội dung thay đổi so với Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội và là nội dung thay đổi về quy mô của giai đoạn 1. Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019 thuộc trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư. Do tiến độ thực hiện đầu tư đường CHC số 3 khoảng 24 tháng sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, trong đó thời gian chuẩn bị khoảng 12 tháng và thời gian thi công khoảng 12 tháng. 

Như vậy, trường hợp được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2024, sẽ hoàn thành đường CHC số 3 vào cuối năm 2026.

Ngoài ra, quá trình thực hiện giai đoạn 1 cũng có những khó khăn như thời gian chuẩn bị đầu tư dự án khoảng 5 năm do thực hiện các thủ tục theo quy định mất nhiều thời gian. Thời gian thực hiện dự án cũng gặp một số khó khăn, dẫn tới chưa đáp ứng tiến độ. Do đó, Bộ GTVT đánh giá đến năm 2026, các dự án thành phần mới có thể hoàn thành.

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu việc tổ chức thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng HKQT Long Thành.

Trong đó, giai đoạn 1, đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2026 hoàn thành và đưa vào khai thác.

Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi và quyết định đầu tư đối với từng giai đoạn của dự án theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, đầu tư xây dựng 2 đường cất hạ cánh ở phía Bắc và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm; 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Tân Sơn Nhất khó "gánh" trong trường hợp Long Thành phải tạm dừng khai thác

Diễn biến mới nhất về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án sân bay Long Thành - Ảnh 3.

Sản lượng khai thác của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sắp tiệm cận công suất quy hoạch. Ảnh: Minh Quân

Theo quy hoạch, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có thể phục vụ 50 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 830 lượt cất hạ cánh/ngày đêm.

Tuy nhiên, năm 2023, sản lượng khai thác của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất là 41 triệu hành khách, sắp tiệm cận công suất quy hoạch. Dự kiến đến năm 2030, tổng nhu cầu vận tải hàng không khu vực Đông Nam Bộ khoảng 71 triệu hành khách/năm, tương ứng phục vụ trung bình khoảng 1.190 lượt cất hạ cánh/ngày đêm.

Trong trường hợp Cảng HKQT Long Thành phải tạm dừng khai thác có sự cố trên đường cất hạ cánh thì Cảng HKQT Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng thêm khoảng 360 lượt cất hạ cánh/ngày đêm để hỗ trợ.

Vì vậy, việc xây dựng ngay đường CHC số 3 sẽ đáp ứng tốt nhu cầu khai thác giai đoạn 1 của sân bay Long Thành khi 1 đường cất hạ cánh xảy ra sự cố, không phải chuyển sang sân bay Tân Sơn Nhất.

Cũng tại giai đoạn 2, trường hợp 1 trong 3 đường CHC gặp sự cố thì với 2 đường CHC còn lại, sân bay Long Thành vẫn có thể phục vụ được 50 triệu hành khách/năm.

Ngoài ra, việc bổ sung thêm đường CHC còn đảm bảo sự khai thác liên tục của cảng. Nếu sau khi đưa vào khai thác giai đoạn 1 mới xây dựng đường CHC số 3, sẽ làm gián đoạn khai thác của cảng tại một số thời điểm. Cùng đó, việc khai thác cảng còn bị ảnh hưởng của bụi trong quá trình thi công xây dựng.

Trong khi đó, về hiệu quả đầu tư, Bộ GTVT cho biết hiện nay, để đảm bảo tĩnh không khai thác cho đường CHC số 1, phần nền của đường CHC số 3 đã được san nền đến cao độ thiết kế, nên chỉ cần bổ sung thêm một số chi phí (như chi phí xây dựng kết cấu mặt đường, lắp đặt trang thiết bị...).

Sơ bộ tổng mức đầu tư đường CHC số 3 khoảng 3.455 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ nhỏ và vẫn nằm trong tổng mức đầu tư Dự án thành phần 3 do ACV thực hiện là 99.019 tỷ đồng (do sử dụng dự phòng và tiết kiệm sau đấu thầu).

Do đó, Bộ GTVT đánh giá việc đầu tư ngay đường CHC số 3 có chi phí không lớn, vẫn nằm trong tổng mức đầu tư và đem lại lợi ích cho việc quản lý, khai thác sẽ góp phần đảm bảo hiệu quả đầu tư cho giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của dự án.

Dự án sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư khoảng 336.630 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 xây một đường cất hạ cánh, nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ với công suất 25 triệu khách/năm. Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2026.

Giai đoạn 2, sân bay được xây thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và nhà ga để đạt công suất 50 triệu khách/năm.

Giai đoạn 3 hoàn thành hạng mục còn lại để sân bay đạt công suất 100 triệu khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai và hướng tới trở thành một trong những cảng hàng không trung chuyển nhộn nhịp trong khu vực.

Nguồn: