Điểm sáng trong phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đông Nam Bộ
19:02 - 27/01/2023
Đồng Nai là tỉnh phát triển nền công nghiệp đứng đầu cả nước, lại là tỉnh nằm giữa khu vực Đông Nam Bộ, do đó các dự án giao thông trọng điểm tại Đồng Nai sau khi hoàn thành sẽ tạo động lực phát triển rất lớn cho tỉnh nhà và khu vực Đông Nam Bộ.
Các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng miền
Ngoài đại dự án sân bay Long Thành thì các dự án giao thông kết nối cùng miền sẽ góp phần tạo ra tiền đề quan trọng trên hành trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Dự án đường cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây có tổng kinh phí đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Dự án có chiều dài 99km, mặt đường rộng hơn 32m với quy mô 6 làn xe và hoạt động 120km/giờ. Đến nay, dự án đang bước vào giai đoạn nước rút để đưa vào sử dụng.
Cao tốc Bến Lức – Long Thành đã thực hiện hơn 80% khối lượng thi công. Dự án này có tổng kinh phí đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng với chiều dài 57,8km, được khởi công từ tháng 10/2014. Bên cạnh đó, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã được phê duyệt chủ trương đầu tư gần 18.000 tỷ đồng với chiều dài 53,7km và 8 làn xe lưu thông.
Riêng dự án vành đai 3 TP HCM có tổng chiều dài 76,34km, sẽ đi qua địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An đã được chia thành 8 dự án thành phần, vận hành độc lập. Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng với tiến độ thuộc giai đoạn 2022 – 2027.
Ngoài các dự án đường bộ, tuyến đường sắt được nhà nước chú trọng quan tâm. Trong đó, tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu đầu tư hơn 50.800 tỷ đồng. Tuyến Thủ Thủ Thiêm – Long Thành có chiều dài 37,5 km, dự kiến xây dựng đường đôi, khổ 1.435km với tổng vốn đầu tư 40.500 tỷ đồng.
Để tháo gỡ vấn đề các hạ tầng chưa đồng bộ, các địa phương liên quan đến những dự án trên đang phối hợp chặt chẽ cùng nhau, khai thác có hiệu quả hơn nữa tiềm lực phát triển của tỉnh Đồng Nai và cả khu vực Đông Nam Bộ.
Đại dự án khu vực Đông Nam Á
Khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) chính thức được khởi công đã đánh dấu mốc quan trọng, tạo tiền đề cho các nền kinh tế khác phát triển.
Chính thức khởi công vào tháng 1/2021, đây là sân bay có quy hoạch lớn nhất cả nước. Với diện tích xây dựng khoảng 5.000ha, công suất thiết kế phục vụ 100 triệu lượt hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.
Để phát triển tốt công suất phục vụ và nhu cầu đi lại của người dân, trong giai đoạn 1, dự án sẽ có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sau 2 năm triển khai, đến nay đại công trình đã cơ bản hình thành vóc dáng của một đại công trường mang tầm vóc quốc tế.
Theo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chủ đầu tư dự án thành phần 3 (xây dựng các công trình thiết yếu trong sân bay), giai đoạn 1 có 4 gói thầu được triển khai. Trong đó, gói thầu san nền, thoát nước đã đạt tổng khối đào đắp hơn 26,7 triệu mét khối đất. Hiện nay, các nhà thầu thi công đã huy động khoảng 1.500 đầu xe, máy móc thiết bị và thực hiện thi công 3 ca, 4 kíp để đảm bảo tiến độ đề ra.
Riêng gói thầu bom mìn đạt hơn 94% khối lượng thi công khu vực xây dựng giai đoạn 1 và gần 92% tại khu vực dự trữ đất cho giai đoạn 2. Bên cạnh đó, gói thầu xây dựng tường rào đã thực hiện 6,7km/7,85km (đạt gần 86%). Để hoàn trả mặt bằng cho phần thi công thân nhà ga, gói thầu móng cọc nhà ga hành khách đã hoàn thành xong toàn bộ 1.545 cọc.
Được biết, thời gian tới hàng loạt hạng mục của dự án xây dựng phần thân nhà ga, sân đỗ, đường băng sẽ đồng loạt được triển khai. Dự kiến, đầu năm 2025 dự án giai đoạn 1 sẽ đưa vào khai thác và trở thành trung tâm vận chuyển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.