"Điểm mặt" 13 dự án đường thủy "khủng" với mức đầu tư hơn 15.000 tỷ

12:06 - 22/02/2022

Tạp chí GTVT - Giai đoạn 2026-2030 đầu tư 11 dự án mới cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy và 2 dự án nâng cao tĩnh không các cầu vượt sông.

 

van-tai-duong-song-doanhnhansaigon-1508445422_750x
13 dự án đường thủy nội địa vào danh sách đề xuất đầu tư với hơn 15.000 tỷ đồng

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT danh mục đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng đường thủy giai đoạn 2026-2030.

Theo đó, giai đoạn 2026-2030 đầu tư 11 dự án mới cải tạo, nâng cấp các tuyến đường thủy và 2 dự án nâng cao tĩnh không các cầu vượt sông, với tổng mức đầu tư dự kiến 15.169 tỷ đồng.

Cụ thể: Nâng cấp luồng tuyến trên trục vận tải Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình qua sông Luộc (Hành lang số 2); Tuyến Ninh Bình - Thanh Hóa; Các tuyến sông Gianh (giai đoạn 2); Sông Lèn - Thanh Hóa; Chợ Đệm - Bến Lức; Kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền; Sông Sài Gòn (đoạn Bến Súc - Bến Củi); Sông Hồng tuyến Việt Trì - Yên Bái; Luồng Vạn Gia - Ka Long, Sông Hàm Luông từ ngã ba sông Tiền đến cửa Hàm Luông và tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau.

Hai dự án nâng cao tĩnh không cầu gồm: các cầu đường bộ, đường sắt cắt qua tuyến đường thủy quốc gia khu vực phía Bắc (giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng) và nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến quốc gia phía Nam (giai đoạn 2, 1.200 tỷ đồng) trong giai đoạn 2026-2030.

Cũng theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, giai đoạn trước mắt 2021-2025 sẽ có 5 dự án hiện được phê duyệt chủ trương đầu tư hoặc đang thi công, gồm: nâng cấp cầu Đuống (sông Đuống); Phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Nâng cao tĩnh không các cầu đường bộ cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia - giai đoạn 1 (khu vực phía Nam); Kênh nối sông Đáy - Ninh Cơ; Nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2).

Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các dự án trên nằm trong kế hoạch triển khai quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cục Đường thủy nội địa đề xuất nguồn vốn đầu tư cho các dự án sử dụng từ ngân sách Nhà nước. Đây là các dự án đầu tư công, nhằm tập trung vào đầu tư kết cấu hạ tầng đường thủy công cộng, phục vụ đồng thời cho nhiều tuyến vận tải thủy và phục vụ công tác bảo đảm GTVT đường thủy.

 

PV